Cống Đò Bang – đê Hữu Phủ (thuộc địa bàn xã Thạch Lạc) đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để kịp phục vụ tiêu úng trong mùa mưa bão. |
Trước khi dẫn chúng tôi “mục sở thị” công tác “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) tại các thôn, ông Nguyễn Văn Thìn – Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn lật từng biên bản kiểm tra, hợp đồng phương tiện, phân công nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân… trong xã và cho biết: “Tất cả đã sẵn sàng trong thế chủ động… đúng tinh thần “4 tại chỗ”. Nếu bão vào cứ thế mà triển khai ứng phó”.
Tượng Sơn được xác định là một trong những vùng trọng điểm lụt bão của huyện Thạch Hà, sau khi kiện toàn Ban Chỉ huy (BCH) phòng, chống bão lụt (PCBL) đã hoàn tất việc giao chỉ tiêu chuẩn bị “4 tại chỗ” cho 7/7 thôn trước ngày 25/5/2014. Theo đó, 7 thôn cùng Ban Quân sự – Công an xã chuẩn bị đủ 350 m2 đất, 460 cọc tre, 2.000 bao tải, 6 thuyền, 5 xe tải, 345 người… Công tác hậu cần, phương tiện tại các thôn cũng được ký kết để điều động khi cần thiết. Từng tổ chức, cá nhân đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các ban: nông nghiệp, văn hóa, quân sự – công an… phải làm gì khi có thiên tai xẩy ra, tất cả đều cụ thể. Sau khi phát lệnh thì số dân phải sơ tán bao nhiêu, đi bằng phương tiện gì, ở đâu… cũng đã có con số, địa điểm dự kiến cụ thể.
Tại xã Thạch Bàn, nơi có đê Hữu Phủ còn nhiều đoạn xung yếu, công tác ứng phó với lụt bão cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Theo ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND xã, nhân dân và các đơn vị trong xã thực hiện với tinh thần chủ động và kịp thời trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư thực hiện công tác PCBL trên phương châm “4 tại chỗ”. Đề cập đến công tác chỉ huy tại chỗ, ông Hải cho biết, khi có lụt bão, ngoài chỉ huy chung do chủ tịch UBND xã đảm trách, có vị trí đặt tại UBND xã, thì còn 2 vị trí chỉ huy khác được đặt ở nhà văn hóa thôn Vĩnh Tiến và Vĩnh Long. Tại 8 thôn của xã đều có danh sách cụ thể 30-40 người trong lực lượng hộ đê, tuần tra…
Theo ông Nguyễn Đăng Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện, các vùng ven đê, ven biển bãi ngang và các xã Lâm, Tân, Đài, Hương, Điền, cống Đò Bang – Thạch Lạc, đê Hữu Phủ từ km 10 – km19, hồ chứa nước Khe Giao… được xem là trọng điểm khi có bão lụt. Vì thế, rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, khi xây dựng, duyệt và tổ chức các đoàn đi kiểm tra phương án PCBL tại tất cả các địa phương, các đơn vị, tổ chức trên địa bàn, huyện rất quan tâm, chú trọng đến “4 tại chỗ”. Qua kiểm tra, đáng mừng là các địa phương, nhất là những vùng được xác định là trọng điểm đều có sự chuẩn bị tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. “Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đối phó với lụt bão, trong đó có “4 tại chỗ” có thể đủ “sức” giảm thiểu thiệt hại khi có lụt bão tràn vào…”, ông Thắng nói.
Không chỉ các xã vùng trọng điểm mà các ban, ngành…, các xã khác trong huyện cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo, không để bất ngờ trước mọi diễn biến. Công an, quân sự huyện chuẩn bị đầy đủ lực lượng và phương tiện. Theo đó, Công an huyện sẵn sàng ứng phó với 2 ca nô và 80 người; quân sự huyện 2 ca nô, 2 thuyền lớn và 30 quân thường trực. Phòng Kế hoạch – Tài chính huyện đã hợp đồng 10 ô tô, 10 tàu thuyền, đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men… Điện lực, thông tin liên lạc… đã có phương án, công việc, con người cụ thể, đảm bảo thông suốt. UBND huyện chuẩn bị đủ “cơ số” áo phao, nhà bạt cho dân di dời, phương tiện, lực lượng, vật tư.
Điều đáng ghi nhận khác ở Thạch Hà là huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, cao trình tại một số công trình trọng điểm trước mùa mưa bão như cống Đò Bang trên đê Hữu Phủ thuộc địa bàn xã Thạch Lạc, hồ chứa nước Khe Giao…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng như hầu hết các địa phương khác trong tỉnh, tại một số thôn, một trong “4 tại chỗ” là “vật tư” vẫn chưa đáp ứng được khi có lụt, bão lớn tràn vào. Cọc tre, phên tre trở nên hiếm khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, khiến các thôn không chuẩn bị đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Các xã, nhất là vùng trọng điểm cần kiểm tra lần nữa để bổ sung. Còn nữa, thông tin liên lạc thông suốt có vai trò quyết định trong chỉ huy tại chỗ, vì vậy, cần bổ sung phương án khi mất điện nhiều ngày, đường dây hữu tuyến đứt chưa khắc phục kịp thì cần có pin, nguồn sạc dự phòng…
Trọng Nghĩa/Baohatinh.vn