Giáo dục

20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?

Ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho ngành giáo dục theo nghị quyết của Quốc hội là 20% đã được phân bổ như thế nào, có hợp lý không và ở những nơi chưa hợp lý thì vướng ở đâu, cần có giải pháp thế nào để giải quyết?

Đó là "đặt bài" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đối với nhóm nghiên cứu đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam 2011-2017".

Xây dựng bức tranh chi tiêu ngân sách cho giáo dục

Hội đồng khoa học do chính ông Nhạ là chủ tịch đã có phiên họp để lựa chọn nhóm nghiên cứu thực hiện đề tại được tiến hành hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Theo ông Nhạ, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi NSNN cho giáo dục Việt Nam là chủ đề nhiều người đặt ra song chưa được nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản.

Do đó, yêu cầu của nhiệm vụ lần này là xây dựng được bức tranh đầy đủ về chi tiêu NSNN cho giáo dục nói chung, gồm cả trung ương và địa phương, từ đó chỉ rõ những điểm hợp lý, chưa hợp lý trong phân bổ ngân sách để tìm giải pháp. "Đây là nghiên cứu ứng dụng chứ không phải là lý thuyết, mô hình" - ông Nhạ nhấn mạnh.

Tại phiên họp, hội đồng đã nghe đại diện nhóm nghiên cứu đăng ký thực hiện đề tài trình bày tóm tắt đề cương nghiên cứu. Các thành viên của hội đồng cũng đã nêu ra một số ý kiến, gợi ý về mục tiêu, phương pháp cũng như sản phẩm dự kiến của đề tài.

PGS.TS Đinh Văn Nhã trao đổi về việc triển khai đề tài.

PGS. TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đề tài phải lưu ý căn cứ pháp lý của con số 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục để tránh đưa những kiến nghị của đề tài lại vượt qua luật.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Hoan, Ban Kế hoạch - Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng để làm rõ chi NSNN cho giáo dục đã đủ 20% chưa và phân bổ thế nào thì phải thực hiện thống kê chứ không phải khảo sát phỏng vấn là được.

Tuy nhiên, đây là điều khó khả thi vì ngay cả hệ thống tổng cục thống kê còn phải "đầu hàng" và nếu có làm cũng sẽ rất tốn kém. Từ đó, ông Hoan đề xuất chỉ làm "điểm" ở một vài địa phương chứ không làm trên phạm vi cả nước.

PGS.TS. Đinh Văn Nhã, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu muốn tính hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục thì quan trọng nhất là xem phân bổ ngân sách đã hợp lý chưa. "Quốc hội phân bổ ngân sách cho giáo dục theo đầu dân còn các địa phương lại phân bổ ngân sách theo đầu học sinh. Điều này là bất cập, cần phải nghiên cứu".

Ông Nhã cũng cũng kiến nghị, việc đánh giá hiệu quả phân bổ ngân sách nhà nước lâu nay vẫn là cái bí, do đó để thực hiện đề tài, cần phải có hệ thống tiêu thức rõ ràng mới có thể đánh giá được.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi,Trường Đào tạo Cán bộ, Ngân hàng Công thương Việt Nam thì cho rằng, để giải quyết đề tài này nên tập trung vào 2 vấn đề: Thứ nhất là phân bổ ngân sách 20% cho giáo dục đã hợp lý chưa, chưa hợp lý chỗ nào. Thứ hai là nên quản lý sử dụng dòng tiền ra sao.

Bà Mùi đề xuất, thay vì lát cắt dọc từ trên xuống, những người thực hiện đề tài có thể cắt ngang hoặc cắt từ dưới lên để tìm ra vấn đề trong quản lý và sử dụng dòng vốn đó ra sao. “Quan trọng là phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề” – bà Mùi khuyến cáo.

Bộ Giáo dục chỉ quản lý 4,8% ngân sách cho giáo dục

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nghị quyết của Quốc hội là chi 20% NSNN cho ngành giáo dục nhưng bản thân ông là bộ trưởng cũng chưa nắm một cách đầy đủ 20% này được phân bổ như thế nào.

"Hiện nay, 20% NSNN cho ngành giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần NS do Bộ GD-ĐT làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số" - ông Nhạ cho hay.

"Về mặt khoa học, liệu Bộ GD-ĐT với tư cách là Bộ quản lý ngành có nên tham gia chỉ đạo phân bổ ngân sách của ngành hay không hay giao tất cả cho địa phương?" - ông Nhạ nêu vấn đề.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì phiên họp của hội đồng khoa học tuyển chọn đơn vị thực hiện đề tài.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn chứng, việc phân bổ ngân sách giáo dục cho từng địa phương mà thiếu một sự điều phối chung đã và đang gây ra lãng phí. "Chẳng hạn như việc mua sắm thiết bị, xây dựng cơ bản cho giáo dục tại các địa phương, có nơi đã có nguồn từ ngân sách nhưng vẫn vay của Ngân hàng thế giới dẫn đến chồng lấn dự án".

Vì vậy, theo ông Nhạ, việc mô xẻ bức tranh phân bổ tài chính của ngành giáo dục dựa trên một khung phân tích để phân bổ NSNN cho giáo dục một cách hợp lý dựa trên những luận cứ khoa học sẽ thấy bức tranh tài chính cho ngành giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

"Trước nay việc phân bổ NSNN cho ngành giáo dục vẫn theo kiểu “chia bánh”, cứ mỗi Bộ, ngành, địa phương một ít. Các Bộ và địa phương xài hết tiền, Bộ GD-ĐT không nắm được nhưng cuối cùng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội".

Từ đó, mục tiêu của đề tài khoa học này là chỉ ra được trong cơ chế phân bổ NSNN cho giáo dục hiện nay phần nào vẫn đúng, phần nào trước đây đúng nhưng hiện nay phải thay đổi do hoàn cảnh đã thay đổi, phần nào đã sai ngay từ đầu để kiến nghị các giải pháp điều chỉnh, thay đổi chính sách hiện có.

"Chẳng hạn như sắp tới đây khi ban hành nghị định về tự chủ đại học thì cách phân bổ NSNN cho các trường ĐH sẽ không như cũ nữa mà theo cơ chế đặt hàng. Trường nào tốt thì nhà nước sẽ đặt hàng, trường nào làm không tốt thì sẽ cho ra khỏi thị trường chứ không phân bổ đều".

Tương tự như vậy, kể cả đối với cấp học phổ thông thì NSNN cấp có thể không đổi nhưng việc phân bổ sẽ phải khác. Những địa phương đã thừa vốn, thừa tiền hoặc có từ nguồn khác thì không cấp vốn nữa để tránh lãng phí. Việc phân bổ ngân sách của địa phương cũng nghiên cứu để không chia theo đầu dân nữa mà nên chia theo đầu học sinh để đảm bảo công bằng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ là căn cứ thuyết phục nhất mà Bộ GD-ĐT có thể sử dụng để làm việc với các bộ ngành khác cũng như làm căn cứ để đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội để điều chỉnh cách phân bổ NSNN cho hợp lý, hiệu quả. "Tinh thần là không giảm 20% chi cho ngành giáo dục đào tạo nhưng sẽ cơ cấu lại, đồng thời sẽ tăng các nguồn vốn khác lên" - ông Nhạ cho hay.

Tác giả: Lê Văn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP