Bước ra từ ngôi nhà nhỏ đơn sơ, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1964), trú tại thôn Chi Lưu, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, toát lên một hình ảnh của người phụ nữ thôn quê, gắn bó với đồng ruộng khiến những vị khách xa lạ cảm thấy sự thân thiện ngay từ lần đầu gặp.
Rót chén nước ấm mời khách, chị kể từ thời con gái đã lấy anh Nguyễn Sỹ Tâm (SN 1964) và sinh được 4 người con. Do vậy cuộc sống vô cùng vất vả. Đặc biệt là cách đây chục năm thì chồng chị thường xuyên đau yếu, dẫn đến không thể làm công việc nặng nhọc, vì vậy mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên người chị.
Ngôi nhà của chị Hạnh nằm bình yên ở xóm nhỏ |
Năm 1997, sóng gió lại nổi lên khi mẹ chồng không may bị ngã, từ đó tới nay bà chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều một tay chị lo. Nhưng chưa bao giờ than vãn, chị Hạnh vẫn kiên trì chăm sóc mẹ chồng như chính bản thân của mình.
“Mẹ chồng tôi rất thương con dâu, xem con dâu như con đẻ nên tôi cũng xem bà như mẹ ruột mình, hết lòng chăm sóc”, chị Hạnh giải thích. Theo chị Hạnh, từ khi bị bệnh thì tính tình mẹ chồng rất khó chiều, kể cả anh Tâm thì mẹ cũng không nghe, chỉ duy nhất chị mới dỗ dành được.
“Tôi nhớ có lần đi làm đồng về muộn không cho bà ăn được thế là bà giận không chịu cho ai đút hết. Vì thế, tôi vừa về lập tức phải chạy vào dỗ, hát, làm thơ thì bà mới chịu ăn”, chị Hạnh cười chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hiên (SN 1967), người dân địa phương cho hay: “Nhìn chị Hạnh và bà cụ như mẹ con ruột, không ai nghĩ là mẹ chồng và con dâu cả. Hơn 20 năm nay, mẹ chồng nằm một chỗ tất cả đều do chị một tay đỡ đần. Không những thế, chị Hạnh còn nuôi 4 người con đỗ Đại học khiến ai cũng thán phục”.
Chị Hạnh cần mẫn đút từng thìa cháo chăm mẹ chồng liệt giường |
Nói về việc này, chị Hạnh cho biết cuộc sống của mình đã khổ lắm rồi, vì vậy chị quyết cho các con ăn học đàng hoàng để thay đổi số phận. Không phụ lòng mẹ, 4 người con của chị lần lượt đỗ vào trường Sư phạm Hà Nội, Y Hà Nội, Xây dựng và Bách khoa Hà Nội.
Không một ai có thể lý giải được hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, mà chị Hạnh có thể vượt qua được tất cả để vừa chăm mẹ chồng, vừa dạy dỗ các con thành tài.
Hiểu được những vất vả của mẹ, các con của chị ai cũng chăm ngoan và chịu khó. Đối với chị, niềm động viên, an ủi lớn nhất chính là nhìn thấy các con trưởng thành và thành đạt. Khi nhắc về các con khuôn mặt chị ánh lên niềm tự hào.
“Cũng có những giai đoạn phải nuôi 3 đứa học Đại học khiến vợ chồng phải làm việc cật lực, bán hết tài sản và vay vốn sinh viên giờ vẫn nợ 70 triệu đồng. May mà giai đoạn đó đã qua, giờ đây các con đã ra trường và đi làm, chỉ có con út đang học Bách khoa Hà Nội nữa thôi. Nhiều người nói tôi khổ nhưng tôi lại thấy mình rất giàu có”, chị Hạnh cười.
Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Hạnh vô cùng đặc biệt. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Nghị lực của người phụ nữ này khiến cho ai cũng phải khâm phục”.
Trao đổi trong sự ngưỡng mộ, chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch hội phụ nữ xã Thạch Kênh chia sẻ: “Chị Hạnh là người phụ nữ tham gia tích cực các hoạt động của xóm xã. Vượt qua những gian truân của cuộc sống, chị Hạnh là tấm gương sáng để chị em trong xã noi theo”.
Tác giả: Hồng Phương – Vương Hằng
Nguồn tin: Báo Người đưa tin