1. Cho người khác lửa
Vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn nên cho người khác cái đỏ trong ngày mùng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may.
2. Cho nước ngày Tết
Cũng như lửa, nước được ví như “nguồn tài lộc” trong câu chúc “tiền vô như nước,” nếu cho nước thì coi như … mất lộc. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng, năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
3. Quét nhà trong ba ngày Tết
Người Việt cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ đi mất tiền bạc sẽ ra khỏi nhà, mang lại điềm xấu, không may mắn cho gia đình.
Do đó, ngày 30 tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
Một số tục kiêng kỵ từ xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay tạo nên nét riêng cho ngày Tết Nguyên đán của dân tộc |
4. Vay mượn hoặc trả tiền ngày Tết
Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc mượn đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm.
5. Làm vỡ đồ đạc
Các cụ ta xưa vẫn quan niệm bất cứ sự đổ vỡ nào cũng mang lại điều không may nhất lại là vào dịp đầu năm mới. Điều này có thể là điềm báo cho sự chia cắt hay rạn nứt các mối quan hệ. Vì vậy ông bà ta thường khuyên con cháu trong ngày Tết làm việc gì cũng phải hết sức khéo kéo tránh làm đổ vỡ ấm chén, bát đĩa.
6. Xuất hành vào ngày xấu
Theo quan niệm của ông cha ta thì ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn”, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành hay các cuộc du xuân.
7. Ăn thịt chó, mèo, cá mè, vịt
Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy.
8. Bỏ lại khăn tay ở nhà người khác
Người xưa cho rằng, việc để quên khăn tay ở nhà người khác trong ngày Tết cũng giống như bạn bỏ lại sự xui xẻo, khó khăn cho người ta.
9. Vỗ vai, quàng vai người khác
Hành động thân mật, bỗ bã này nếu được bạn thực hiện trong những ngày đầu năm mới thì rất có thể gây ra sự khó chịu, thậm chí phản ứng tiêu cực. Nhiều người cho rằng khi bị người khác vỗ vai, quàng vai vào dịp Tết, họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình.
Thật ra ngay cả trong những ngày bình thường, nhiều người Việt đương đại cũng tránh tối đa việc bị người khác vỗ vai hay quàng vai.
10. Đi chúc Tết khi đang có thai
Không chỉ những người có tang mới kiêng đi chúc Tết, người Việt xưa còn tránh làm việc này khi đang có thai. Thật ra ngay cả thời hiện đại, nhiều phụ nữ cũng kiêng hoặc được dặn phải kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Bởi theo quan niệm dân gian, bà chửa đem lại xui xẻo, đó là chưa kể đứa bé trong bụng sau này cũng thành kẻ ăn nói vô duyên.
Minh Anh (Tổng hợp)