Tuyển lao động là do nhà thầu?
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng lao động và phát triển nhân lực (thuộc BQL khu kinh tế Hà Tĩnh) cho biết, Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 1 vạn lao động nước ngoài (khoảng 90% là TQ) đến làm việc tại Formosa.
Hồ sơ này đã được BQL gửi tới Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh. Về cơ bản, ông Tuấn cho biết một số yêu cầu đã được phía ủy ban tỉnh và Sở LĐTB&XH tỉnh chấp thuận.
Hơn 1 vạn lao động nước ngoài, chủ yếu người Trung Quốc sắp đến Vũng Áng để làm việc. (Ảnh: VNN) |
Cụ thể, trong số 28 nhà thầu (25 Trung Quốc, 3 nhà thầu VN) đề xuất xin tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.
UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8/8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2.063 lao động nước ngoài.
Ông Tuấn cho biết, BQL KKT cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2.976 lao động nước ngoài do nhu cầu công việc mà một số gói thầu đang làm. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.
Sở dĩ có đề xuất tuyển lao động Trung Quốc vì lao động trong nước không thể đáp ứng được, ví dụ như lắp đặt các dây chuyền, thiết bị, máy móc chủ yếu là của Trung Quốc.
Ông Tuấn cho biết, nhu cầu, số lượng, chất lượng tuyển dụng là do yêu cầu của phía nhà thầu đề xuất lên Formosa, BQL chỉ nhận trách nhiệm đề xuất lên UBND tỉnh và Sở LĐTB&XH xem xét.
Vào bao nhiêu không biết?
Về phía Formosa, ông Chu Xuân Phàm – trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội bất ngờ phản ứng ngược trước thông tin gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp vào Vũng Áng. Ông Phàm khẳng định, “thông tin này không chính xác”.
Theo ông Phàm, trước khi xảy ra sự kiện ngày 14/5, tại Vũng Áng có khoảng gần 5.000 lao động Trung Quốc đảm nhiệm công việc tại lò cao, lò luyện. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, số lượng lao động Trung Quốc đã rút về nước dẫn tới tình trạng công trình bị chậm tiến độ, trong khi vốn đã giải ngân và hàng tháng công ty này phải đối diện với khoản lỗ hàng triệu đô mỗi tháng.
“Không thể để chậm trễ như vậy được nữa, nếu tiếp tục chúng tôi sẽ bị lỗ. Do đó, chúng tôi có yêu cầu các nhà thầu thi công Trung Quốc phải tăng cường lực lượng kịp thời để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình.
Theo đề xuất của phía các nhà thầu Trung Quốc tới Formosa là khoảng hơn 5000 người, nhưng con số lao động cụ thể về VN hiện là bao nhiêu chúng tôi không nắm được”, ông Phàm nói.
Ông Phàm cho rằng, vì thực tế hiện nay nhiều lao động Trung Quốc không muốn quay lại VN làm việc, do đó Formosa mong muốn phía các nhà thầu tuyển được càng nhiều càng tốt. Formosa chỉ yêu cầu nhà thầu tăng cường lực lượng còn cố lượng lao động vào Việt Nam là bao nhiêu Formosa chưa nắm được.
Sở không biết gì?
Trái ngược hoàn toàn với những ý kiến từ BQL dự án cho rằng đã trình Sở và cơ bản được đồng ý một số yêu cầu thì ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc sở LĐTB-XH Hà Tĩnh cho biết: “Sở không biết gì trước thông tin hơn 1 vạn lao động Trung Quốc sắp vào Việt Nam”.
Ông Sơn cũng cho biết, việc tuyển chọn, yêu cầu lao động trực tiếp thuộc trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng.
“Đề xuất lao động là nằm trong cơ chế, chính sách riêng của Formosa, sở không quản lý trực tiếp từng nhà thầu”.
“Sở mới nắm được thông tin có khoảng hơn 2 nghìn lao động đăng ký, số lượng này sở đang làm thủ tục, điều kiện cấp phép cho số lao động này. Về cụ thể, danh sách lao động nước ngoài là do ban quản lý đăng ký trình UBND tỉnh. Sở chỉ giám sát. Chúng tôi cũng đang theo sát để xử lý, kể cả việc ăn ở”, ông Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định, đề xuất này BQL mới trình tỉnh, Sở chưa nhận được thông tin gì.
Về yêu cầu, tiêu chuẩn cấp phép cho lao động, ông Sơn cho biết đây không phải là yêu cầu của Sở mà phải tùy thuộc vào yêu cầu của nhà thầu đang đảm nhiệm từng công đoạn. Hiện Sở đã xin cơ chế linh hoạt của chính phủ giám sát việc này rất sát.
Tuy nhiên, ông Sơn đặc biệt lưu ý đây là giai đoạn lựa chọn của các nhà thầu chứ không phải doanh nghiệp. Nếu là doanh nghiệp Sở sẽ quản lý rất chặt theo đúng tinh thần pháp luật.
Hiếu Lam