Sau nhiều năm thực hiện kê khai, mới chỉ phát hiện hơn chục trường hợp kê khai không trung thực, chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng.
Câu chuyện trở nên nóng hơn khi cùng thời điểm, Hà Nội, TP.HCM và hàng loạt tỉnh thành khác báo cáo “không có tham nhũng” tại các kỳ họp của HĐND.
Che giấu tài sản khủng: chỉ khiển trách
Ông Ngô Mạnh Hùng, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), dẫn câu chuyện về một đối tượng kê khai tài sản là Nguyễn Văn A (không phải tên thật): đầu tiên ông này kê khai tài sản gồm có 3 căn nhà, 1 ôtô, thu nhập 360 triệu đồng/năm.
Sau khi có đơn tố cáo, cơ quan chức năng yêu cầu kê khai bổ sung, ông này kê khai thêm hai tài sản lớn hơn là một căn nhà ở quận 2, TP.HCM diện tích 539m2 và một mảnh đất tại quận 9 có diện tích 10.000m2 mua cùng bạn.
Tiếp tục được yêu cầu kê khai bổ sung lần thứ hai, ông kê thêm 6 thửa đất ở quận 9 (trong đó có 2 thửa vừa chuyển nhượng cho người khác) và một thửa đất ở quận 2.
Cơ quan chức năng xác minh thì thấy ông này còn có thêm 9 thửa đất khác tại quận 9 và quận 2 với tổng diện tích khoảng 15.000m2 và tổng cổ phiếu nắm giữ gần 24 tỉ đồng.
Nhưng chuyện kê khai tài sản của ông A không khiến các đại biểu tại hội thảo ngạc nhiên bằng chuyện cơ quan có thẩm quyền xử lý ông này: kết luận của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo là ông A không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập.
Mặc dù đã được yêu cầu kê khai bổ sung nhưng vẫn tiếp tục không trung thực, không kê khai số tài sản lớn, vi phạm các quy định của trung ương và Chính phủ. Nhưng xử lý cuối cùng đối với ông A là… khiển trách về Đảng.
“Trong trường hợp này, người có nghĩa vụ kê khai đã cố ý kê khai không trung thực, che giấu số tài sản lớn, giải trình không hợp lý về tài sản tăng thêm có giá trị lớn, có dấu hiệu tẩu tán tài sản khi bị tố cáo, nhưng không có biện pháp xử lý nào về tài sản được áp dụng.
Quy định hiện nay mới có việc kỷ luật đối với người kê khai không trung thực hoặc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực và chưa đề cập đến xử lý các tài sản liên quan” – ông Hùng phân tích.
Ông Hùng cho biết thêm khi trường hợp này bị phát hiện, không thấy cơ quan thuế đến xác định dòng thu nhập vào, ra thế nào để thu thuế, cũng không thấy cơ quan thanh tra vào xem xét xem việc thăng tiến, chức vụ, quan hệ của ông này thế nào.
Ông Hoàng Văn Trực (phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an) – Ảnh: L.Kiên
|
Chẳng ai dại gì mà kê khai xe hơi xịn hàng chục tỉ, nhà hàng trăm tỉ
Ông Hùng thừa nhận rằng quy định về kê khai tài sản, thu nhập ngày càng được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hơn, nhưng chừng ấy là chưa đủ. Kê khai thu nhập, tài sản thời gian qua chỉ trông đợi vào lòng trung thực, nhưng kiểm soát tài sản mà chỉ dựa vào lòng trung thực là chưa đủ.
“Chúng ta thấy vợ con của một đối tượng có khả năng tham nhũng đôi khi họ vẫn nằm trong bộ máy, tiêu xài tiền rất thoải mái, nhưng lại không thuộc đối tượng phải kê khai, giải trình. Hơn nữa, chúng ta quy định một ông bộ trưởng cũng kê khai giống với một ông trưởng phòng, điều này là không hợp lý” – ông Hùng bày tỏ.
Khác với quan điểm của cố vấn chính sách của UNDP Alfaro, ông cho rằng đối tượng thuộc diện kê khai tài sản hiện nay là chưa đủ, bởi chỉ cần một phó trưởng phòng như Giang Kim Đạt đã có thể trục lợi cả triệu USD.
“Ở các nước người ta kiểm soát tài sản, thu nhập rất nghiêm khắc. Ví dụ ở Nam Phi, người ta nói rằng các băng tội phạm nhỏ nếu cướp được ngoại tệ thì phải vứt đi bởi không thể tiêu được trên đất nước của họ, chỉ có các băng tội phạm xuyên quốc gia mới có thể “rửa” và chi tiêu được ngoại tệ” – ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho hay.
Trong khi ở VN kiểm soát thu nhập rất yếu, ông bố là chủ tịch huyện, cục trưởng, bộ trưởng phải kê khai tài sản, và khi kê khai thường là không có gì đáng kể, nhưng ông bố ấy có con làm chủ tịch, giám đốc ngân hàng đầu tư dự án ngàn tỉ lại không phải kê khai gì, không bị kiểm soát.
“Chẳng ai dại gì mà kê khai xe hơi xịn hàng chục tỉ, mua nhà hàng trăm tỉ. Người ta nói con đường đi lên của các đại gia ở VN gần giống như con đường đi lên của các đại gia ở Nga thời hậu Xô viết, đó là con đường những tài sản công dần trở thành những tài sản tư thông qua cổ phần hóa, tham nhũng” – ông Quyền nói.
Kê khai đã không phát hiện tham nhũng, nhưng khi phát hiện tham nhũng qua các vụ án hình sự thì cũng rất khó thu hồi tài sản. Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) Hoàng Văn Trực nêu trường hợp điển hình là vụ Huỳnh Thị Huyền Như.
Bằng suy luận thông thường, ai cũng có thể khẳng định được ngôi biệt thự bờ biển mấy chục tỉ đồng do mẹ Huyền Như đứng tên là của ai, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật phải “bó tay” vì không đủ căn cứ thu hồi tài sản này.
“Qua vụ Huyền Như thì thấy rằng pháp luật về kê khai tài sản đang có vấn đề. Cái nhà của mẹ Huyền Như có thể phân tích và thấy rõ đó là tài sản nhận chuyển giao. Nhưng pháp luật quy định rằng với người dân bình thường thì họ không phải kê khai và không có trách nhiệm giải trình. Do vậy tài sản đứng tên người ta mà không thể chứng minh đó là tài sản do phạm tội mà có thì không thể thu hồi” – ông Quyền giải thích.
Ông Nguyễn Đình Quyền
(phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) – Ảnh: Lê Kiên
|
Đề nghị tổng kiểm kê tài sản toàn dân Nhiều đại biểu khẳng định nếu cứ tiếp tục thực hiện quy định hiện hành về kê khai thì biện pháp này không có mấy tác dụng. Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đề nghị: “Tôi lại cho rằng cần mở rộng ra, đến mức mà chúng ta phải làm cuộc tổng kiểm tra tài sản của toàn dân, của từng người. Khi đã kiểm soát được rồi thì các tài sản phát sinh sau đó sẽ được xem xét, làm rõ nguồn gốc”. Đồng tình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Chúng ta có thể phải làm biện pháp này, có thể cần 10 năm, 20 năm nhưng chúng ta phải làm vì nếu không thì không bao giờ làm được. Bởi nếu không kiểm soát được thu nhập của toàn bộ xã hội thì không thể biết tài sản của ông nọ chạy sang ông kia. Có người nói rằng đây là biện pháp bất khả thi. Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn, khó, nhưng nước ngoài người ta đã làm được”. Ông Ngô Mạnh Hùng – phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng – cũng khẳng định kiểm soát tài sản, thu nhập của 90 triệu dân là hoàn toàn được, bởi hiện nay VN có đủ dữ liệu để làm việc đó, không đến mức bất khả thi do tốn kém kinh phí. Công nghệ thông tin cho phép việc kê khai rất đơn giản. |
LÊ KIÊN / Tuổi Trẻ