Phóng sự - Ký sự

Vũ Quang: Loạt bài “Phá rừng để trồng rừng” (kỳ 1)

Hàng chục hecta rừng phòng hộ vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang thuộc địa phận xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa bàn giao đất nhưng trong một thời gian dài đã bị chặt phá, xây dựng trang trại, chính quyền địa phương chậm xử lý.

Phá rừng phòng hộ làm trang trại, chính quyền chậm xử lý?


Trang trại được xây dựng trên khu vực rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ bị phá làm trang trại

Khác với những vùng đất khác, Vũ Quang là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, hàng năm phải gánh chịu không biết bao nhiêu trận lũ lụt, hạn hán. Cũng chính vì vậy mà nơi đây, rừng phòng hộ được ví như những lá chắn cho sinh mạng hàng nghìn con người. Rừng không những điều tiết được nguồn nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn… mà còn đem lại một bầu không khí trong lành, mát mẻ. Thế nhưng, khoảng rừng xanh tự nhiên quý giá ở Sơn Thọ hôm nay lại đang đứng trước nguy cơ biến mất với tốc độ chóng mặt.

Từng có mặt tại nhiều điểm chặt phá rừng nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy được một cảnh tượng rừng phòng hộ bị đốn hạ trên quy mô lớn, diễn ra hàng loạt và ngang nhiên như ở xã Sơn Thọ.

Bày tỏ bức xúc của mình với phóng viên Báo Đời sống & Tiêu dùng ông Chiến, một người dân xóm 7 xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang cho biết, trước đây khu rừng này thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, hiện tại khu vực này được giao lại cho huyện Vũ Quang và xã Sơn Thọ. Dù rừng chưa được cấp phát cho ai vậy mà đã có một số hộ vào ngang nhiên chặt phá, xây dựng trang trại.

Ông Chiến nói, “rừng đang cấm mà người ta vào phát tràn lan như vậy là chúng tôi không đồng ý, trong các cuộc họp dân chúng tôi cũng đã nêu ý kiến phản đối. Việc mạnh ai người làm như vậy là chúng tôi không tán thành”. Ông cho rằng nếu không xử lý đến nơi thì họ sẽ được đà lấn tới, rồi đất rừng đó cũng thuộc về họ thôi.

Ông Nguyễn Thiện Thanh, nguyên là xóm trưởng xóm 6, xã Sơn Thọ cho biết, đây là rừng phòng hộ của Vũ Quang, vậy mà hơn 2 năm nay ông Phạm Hữu Hào (trú tại xóm 9, Sơn Thọ) đã thuê người vào chặt phá, đốt hàng chục hecta rừng để làm trang trại, đã vậy họ còn có ý định cho một số hộ dân ở nơi khác vào đây để làm. Còn người dân như chúng tôi đây, đất rừng không có nhưng muốn vào làm cũng không được.

Anh Hà, một chủ trang trại ở gần đó cho hay, gia đình anh được chính quyền giao đất, giao rừng vào đây làm trang trại đã mười mấy năm nay, cây cối đã lớn, để tránh sóc chuột vào phá cây vườn, anh Hà đã cho người phát những cây cối xung quanh trại, vậy mà lại bị chính quyền kêu lên để phạt. Trong lúc đó, ông Phạm Hữu Hào gần đây ngang nhiên cho người lên chặt phá, đốt trọc cả mấy chục hecta rừng không thương tiếc, rồi ngang nhiên xây dựng trang trại, đào núi bạt rừng mà không thấy chính quyền có một ý kiến gì?

Từ chỗ bức xúc về việc người khác phá rừng làm trang trại mà không bị ai xử lý, một số hộ dân trong khu vực cũng thực hiện việc phát mở rộng một diện tích nhỏ xung quanh phần rừng nhất định mà UBND xã giao cho họ, làm cho rừng phòng hộ dần bị thu nhỏ, tình trạng lấn chiếm rừng tràn lan.

Có mặt tại vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang, địa phận rừng núi Khe Thẳng – Khe Tràm thuộc xóm 6, xã Sơn Thọ, ai cũng không khỏi xót xa, bức xúc. Khu vực được “chọn” để đốn hạ nằm lọt thỏm giữa một thung lung, ở đồng bằng nhìn lên không thể phát hiện.

Theo sự hướng dẫn của người dân, nhóm phóng viên men theo những con suối nhỏ tìm đến trang trại của ông Phạm Hữu Hào và chứng kiến cảnh đồi núi bị xúc nham nhở, cậy cối bị chặt phá ngổn ngang. Rừng phòng hộ bỗng biến thành đồi trọc, chuồng trại, ao hồ, vườn cam… Những dãy nhà làm bằng gỗ được dựng lên để chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Dù ở trên núi cao, đường đi lại cũng khá vất vả nhưng chủ trang trại vẫn cho máy vào múc đất, tạo thành hồ để chăn nuôi vịt tạo thành một mô hình khép kín vườn-ao-chuồng. Đã vậy, để sạch sẽ cho trang trại, họ lại xả nước thải chăn nuôi không xử lý cho chảy trực tiếp xuống khe suối, làm cho người dân xã Sơn Thọ phải khổ sở vì nước đầu nguồn bị ô nhiễm.

Càng ngày diện tích của trang trại càng được mở rộng, diện tích rừng bị thu hẹp, những khu rừng xung quanh bị sẻ đốt thành những đồi trọc không một bóng cây. Điều đáng nói, rừng phòng hộ ở đây bị chặt phá trong một thời gian dài mà chính quyền xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang không hề hay biết gì, cho đến khi người dân địa phương phản đối quyết liệt mới lập biên bản “chiếu lệ” mà không có biện pháp xử lý.

Phát hiện nhưng chưa xử lý?


Cận cảnh rừng phòng hộ bị chặt phá

Trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cho biết, “hiện nay chúng tôi đang lập hồ sơ, tạm đình chỉ việc sẻ phát bao chiếm rừng, tiến hành kiểm tra diện tích vi phạm như thế nào rồi mới xử lý”.

Ông Hội nói, “trang trại của ông Hào được Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố cho làm từ trước khi bàn giao đất cho xã, huyện quản lý” nhưng không xuất trình được hồ sơ bàn giao đất khi phóng viên đề nghị.

Còn theo ông Trương Thanh Hà, Phó Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Vũ Quang, diện tích rừng của xã Sơn Thọ nằm trong chủ trương thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố giao cho xã chia cho dân và các doanh nghiệp làm chăn nuôi. Cơ quan này đang giao xã Sơn Thọ tiếp nhận hồ sơ của người nhân nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hồ sơ nào gửi lên.

Như vậy, trong khi đề án phát triển trang trại vẫn trong quá trình xem xét, chưa được ai thông qua thì hàng chục hecta rừng phòng hộ xã Sơn Thọ đã bị chặt phá. Trái ngược với sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền thì tại đây cảnh phá rừng phòng hộ vùng đệm Vũ Quang đang diễn ra phức tạp, những quả đồi trước đây được phủ xanh nay trở nên trọc lóc, trơ trọi. Lợi ích kinh tế thì chưa thấy đâu nhưng nhìn cảnh rừng bị tàn phá, người dân đã giật mình liên tưởng đến hình ảnh của những trận “đại hồng thủy” giày xéo dân làng mỗi năm…

Rừng biến mất, trang trại trái phép ngang nhiên xây dựng nhưng tại sao chính quyền không quyết liệt xử lý? Lãnh đạo địa phương không biết hay cố tình không biết? Ai, cá nhân hay tổ chức nào phải đứng ra chịu trách nhiệm khi rừng phòng hộ – lá chắn cho sinh mạng hàng nghìn con người trước lũ lụt, hạn hán bị tàn phá nghiêm trọng?… Đó là những câu hỏi lớn mà người dân mong ngóng cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh trả lời .

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.

Phóng viên bị cản trở tác nghiệp, chính quyền “mặc kệ”

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo Đời sống &Tiêu dùng trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận thực tế. Tuy nhiên, khi phóng viên đang tác nghiệp đúng Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật thì xuất hiện một người đàn ông đi trong khu vực trang trại đến ngăn cản việc chụp hình. Phóng viên đã giải thích và xuất trình giấy giới thiệu nhưng người đàn ông đã cầm số giấy tờ trên tay phóng viên rồi bỏ đi với lý do “không được chụp tại đây”.

Để đảm bảo an toàn, phóng viên đã đến UBND xã Sơn Thọ phản ánh trực tiếp với ông Nguyễn Minh Hòa – Trưởng công an xã Sơn Thọ. Đồng thời, đại diện Báo Đời sống & Tiêu dùng tại Hà Tĩnh đã liên lạc với Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ, lãnh đạo UBND và Huyện ủy Vũ Quang nhằm trao đổi thông tin và đề nghị các cơ quan này vào cuộc xử lý việc phóng viên bị cản trở.

Giải thích về sự việc trên, ông Nguyễn Minh Hòa nói “vì những người đó không nắm được Luật Báo chí nên mới xảy ra sự việc như vậy, công an xã sẽ mời họ đến để làm rõ sự việc”.

Còn ông Phạm Hữu Bình, Bí huyện Huyện ủy Vũ Quang thì cho rằng: “Vấn đề phá rừng làm trang trại và cản trở tác nghiệp các anh liên hệ phía ủy ban nhân dân huyện Vũ Quang xử lý”.

Liên lạc ông Trần Lê, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Vũ Quang, ông Lê hẹn đến làm việc nhưng sau đó lấy lý do “lãnh đạo bận họp, hẹn anh chị hôm sau” rồi từ chối trả lời.

Theo Diễm Phước (Đời sống & Tiêu dùng)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP