Can Lộc

Vụ hỗn chiến kinh hoàng ở Can Lộc: Vi phạm tố tụng nghiêm trọng, tòa vẫn tuyên án

Hỗn chiến kinh hoàng

TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa tuyên án vụ án hỗn chiến kinh hoàng xảy ra tại khu Vực Trống (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, phiên tòa có nhiều vi phạm tố tụng và nhiều tình tiết mâu thuẫn trong vụ án vẫn chưa được làm rõ.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Tĩnh, do có mâu thuẫn trong việc khai thác quặng mangan tại khu Vực Trống (xã Phú Lộc, Can Lộc), chiều ngày 8.1.2013, nghe tin Nguyễn Viết Lợi bị Nguyễn Viết Hùng chặn đánh, Nguyễn Viết Thành dùng xe ô tô chở Nguyễn Viết Nam đi chuẩn bị hung khí rồi qua chở Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Viết Hoàn, Nguyễn Viết Quang, Nguyễn Viết Sáng đi đến Vực Trống.

Khi gặp xe ô tô của Nguyễn Viết Hùng đi ngược chiều, Nguyễn Viết Thành đã đâm thẳng vào xe của Hùng. Ngay sau đó, Nguyễn Viết Lợi, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Viết Hoàn, Nguyễn Viết Quang, Nguyễn Viết Nam dùng hung khí, đất đá đập phá và ném xe ô tô của Hùng.


Các bị cáo tại tòa.

Khi thấy Nguyễn Sĩ Lam (anh rể Hùng) cầm dao, Nguyễn Văn Hưng (em trai Hùng) cầm súng thể thao cùng Nguyễn Sĩ Sơn đi xe máy tới thì Lợi, Thịnh, Nam đã dùng gậy tre tấn công và dao chém Lam. Nam dùng gậy định đánh Hưng, nhưng thấy Hưng cầm súng hướng về phía mình nên Nam bỏ chạy. Hưng nổ súng, song đạn trúng vào người Lam làm Lam bị ngã xuống. Nam thấy vậy chạy lại dùng gậy đánh vào ngực Lam. Hậu quả Lam bị chết do đa chấn thương, xe ô tô của Hùng bị đập phá hư hỏng nặng thiệt hại hơn 94 triệu đồng.

Vụ án được làm rõ, các đối tượng: Lợi, Thịnh, Nam, Thành bị truy tố tội “Giết người” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; Hoàn, Quang tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và Hưng tội “Giết người”. Tháng 11.2013, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án, nhưng phải hoãn vì phía bị hại xuất trình một đĩa ghi âm tố cáo điều tra viên chính của vụ án đã dụ cung, mớm cung. Sau đó, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung một số vấn đề.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Ngày 1.7, sau khi xét xử, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt 7 bị cáo mức án như sau: Bị cáo Lợi 16 năm tù; Nam 15 năm tù, Thịnh 14 năm tù; Thành 12 năm tù; Hưng 8 năm tù; Hoàn và Quang 2 năm tù treo.

Lời khai tại tòa của các bị cáo phía đối phương của bị cáo Hưng cho thấy, không có bất kỳ bị cáo nào nghe hoặc thấy bị cáo Hưng nổ súng. Bản thân bị cáo Nam là người đứng gần Hưng nhất, khai: “Bị cáo không nghe thấy tiếng súng nổ, không nhìn thấy Hưng bắn anh Lam. Khi vừa xuống xe máy thì bị cáo Hưng giơ súng lên dọa nên bị cáo bỏ chạy”. Nam cũng khẳng định “Hưng chỉ giơ súng lên dọa bị cáo một lần duy nhất”. Bị cáo Thịnh và Lợi cũng khai, Lam đánh nhau với hai bị cáo thì không thấy Hưng có mặt ở đó và Lam vẫn khỏe mạnh bình thường.

Về tình tiết này, luật sư Dương Kim Sơn (bảo vệ cho người bị hại và bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng) cho rằng, Lam không thể trúng đạn lúc Hưng giơ súng lên dọa Nam được, bởi nếu Lam bị viên đạn xuyên vào thủng ruột non và dạ dày thì sau đó không thể chém nhau kịch liệt với Lợi và Thịnh được mà phải gục tại chỗ. Mặc khác, theo mô tả của bị cáo Nam thì lúc đó Hưng đứng ở mép đường, còn Lam đứng ở bờ đập, có vị trí thấp hơn đường, còn Nam thì ở hướng núi, nên không thể hướng vào Lam được. Ngoài ra, nghi vấn về khẩu súng thứ hai vẫn chưa được làm rõ. Nhiều lời khai cho thấy, phía đối thủ của Lam cũng có ít nhất một khẩu súng. Bản thân Nam từng có lời khai “thấy chú Lợi cầm súng, chĩa về phía anh Lam”. Tuy nhiên, sau khi thu được súng tại nhà bị cáo Quang thì CQĐT lại cho rằng đây là khẩu… “súng hơi”, mà công tác thu giữ, giám định không rõ ràng.

Cuối tháng 2.2014, CQĐT đã hoàn tất việc “điều tra bổ sung” theo yêu cầu của tòa án, nhưng tại phiên tòa vừa qua, kiểm sát viên vẫn công bố bản cáo trạng đã được ký trước đó 4 tháng. Như vậy, bản cáo trạng được ban hành từ tháng 10.2013 này đã không đảm bảo khách quan vì kết quả điều tra bổ sung của CQĐT đã không được cơ quan công tố “cập nhật” kịp thời. Tại tòa, luật sư Sơn nhận định đã có những sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng khi tòa có công văn tới CQĐT để yêu cầu điều tra bổ sung mà không qua VKS; sau khi điều tra bổ sung, CQĐT cũng không có kết luận bổ sung theo quy định và những tài liệu điều tra bổ sung có trong hồ sơ vụ án đều không được đánh số bút lục…

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng còn khai: “Trong quá trình điều tra bổ sung, bị cáo đã được điều tra viên lấy lời khai 3 lần”. Tuy nhiên, trong hồ sơ do CQĐT chuyển giao cho tòa đã không thấy tài liệu này. “Vậy các tài liệu này hiện ở đâu, ai đã bỏ các tài liệu này ra ngoài hồ sơ? Rõ ràng ở đây đã có biểu hiện của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án cần phải được làm rõ” – luật sư Sơn nói.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP