Phóng sự - Ký sự

Tín dụng đen vùng biển Hà Tĩnh (kỳ 1): Những bài học xương máu

Những “cơn sóng” tín dụng đen đã khuấy đảo không ít làng biển vốn dĩ bình yên. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay. Tình cảm anh em, bạn bè thân thiết bỗng chốc mất đi vì những món nợ kếch xù từ kiểu gửi, vay nông nổi, chộp giật mà người dân lựa chọn bởi sự tiện lợi trước mắt và ảo tưởng về nguồn lợi nhuận cao.

“Thả mồi bắt bóng”

Làng biển Thạch Kim (Lộc Hà) sau 1 năm đường dây tín dụng đen với lượng giao dịch hàng tỉ đồng do Trần Thị Phúc và Trần Thị Hường đứng ra huy động bị “vỡ”; hàng chục nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhiều gia đình chưa tin nổi số tiền tích cóp hơn nửa đời người lại dễ dàng “đội nón ra đi”. Đến bây giờ, họ vẫn luôn ngắc ngoải đợi chờ với hy vọng cuối cùng: “Mong chúng trả lại ít nhiều chi cũng được”!

Tín dụng đen vùng biển (Bài 1): Những bài học xương máu
Ông Trần Văn Lạc (thôn Hoa Thành) – nạn nhân trong đường dây tín dụng của Nguyễn Thị Phúc ở xã Thạch Kim: “Nếu không chung tiền cho bà Phúc thì giờ trên nền đất này đã có nhà mới khang trang”

Ông Trần Văn Lạc (thôn Hoa Thành, Thạch Kim) – một trong những nạn nhân của đường dây tín dụng Trần Thị Phúc thở dài: “Nếu không chung tiền cho bà Phúc thì giờ tôi đã có nhà mới rồi. Cả đời quần quật không làm nổi căn nhà, năm 2012, tôi vay ngân hàng 150 triệu đồng, cộng với 50 triệu tiền mồ hôi công sức mấy chục năm ky cóp để làm nhà. Mới bỏ được cái móng thì lo làm đám cưới cho con trai. Lu bu với việc cưới xin nên số tiền làm nhà 200 triệu đồng tôi đem gửi cả cho bà Phúc mong kiếm thêm đồng lãi. Mấy tháng đầu, tôi nhận được lãi đều, mức lãi lại cao đến 15%/tháng nên tôi hoàn toàn tin tưởng và để ít tháng nữa thêm vào tiền xây nhà. Đùng một cái, bà Phúc “lặn” mất tăm, ôm theo cả gia sản nhà tôi và của nhiều người trong xóm. Cả em gái tôi cũng đang mắc 200 triệu đồng vào đó”.

Ở Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), tuy không vỡ nợ “tơi tả” như Thạch Kim vì chủ hụi không bỏ trốn khỏi địa phương nhưng hàng chục gia đình cũng đang lao đao. Ở đây có 2 vụ vỡ tín dụng đen khá lớn, cuốn hàng chục gia đình vào “vòng xoáy” gửi tiền lãi suất cao cho bà Nguyễn Thị Sáng và Trần Thị Nguyệt. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chỉ một vài nạn nhân dũng cảm viết đơn kiện Nguyễn Thị Sáng ra tòa, còn lại hầu hết đang âm thầm giải quyết bằng… “tình cảm”!

Tìm gặp vợ chồng bà Trần Thị Hà (thôn Hải Bắc – nạn nhân đường dây tín dụng Trần Thị Nguyệt), mới gợi chuyện, người vợ đã trào nước mắt, ông chồng bức xúc trút tức giận lên người vợ nhẹ dạ. Người phụ nữ già trước tuổi bởi sự lo lắng, căng thẳng kéo dài, trải lòng: “Thấy bà Nguyệt làm ăn có uy tín, điều kiện kinh tế cũng vững vàng nên khi bà đến tận nhà để huy động với lãi suất cao, tôi đã nghe theo. Ngoài số tiền gia đình có được, tôi còn huy động từ các tiểu thương ở chợ để góp lại cho bà Nguyệt vay với tổng số tiền 530 triệu đồng và 3 chỉ vàng. Mấy tháng đầu có nhận lãi nhưng sau đó tôi không lấy tiền mặt nữa mà cộng dồn vào để tăng số tiền gốc lên…”.

Như bị đánh đúng vết thương đang rỉ máu, ông Hóa – chồng bà Hà bức xúc: “Chung quy cũng vì tội ham tiền và thiếu hiểu biết mà ra, trước đó bị mắc 2 lần cho vay chưa đòi được gần 150 triệu đồng rồi mà không chừa, chỉ đến lần này số tiền mất quá lớn nên mới nói với tôi. Lợi dụng lúc tôi đi làm ăn xa nên bà Nguyệt mò đến dụ dỗ. Sau khi tôi làm um lên, vài tháng nó mới đến trả 1 lần, khi 5 triệu, 10 triệu, đến nay mới trả được 60 triệu đồng, số còn lại nó xin trả góp ngày 200 nghìn đồng thì biết đến khi mô mới thu hết nợ”…

Khó khăn hành trình đòi công lý

Các đường dây tín dụng đen bị “vỡ” diễn ra cách đây khá lâu, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một vụ việc nào đi đến ngọn nguồn. Theo thông tin từ các cơ quan điều tra, đường dây huy động vốn tự do ở các vùng biển đều có chung mô tuýp và dễ dàng “thu phục” tiền, vàng, đô la… từ những người dân nhẹ dạ, cả tin. Hầu hết chủ hụi đều có cơ sở kinh tế vững, hoặc là chủ tiệm vàng, chồng con đi nước ngoài hay chí ít cũng là tay buôn bán có “máu mặt” ở quê. Khi đã gây dựng được uy tín, những đối tượng này bắt đầu sử dụng chiêu bài huy động vốn với lãi suất cao (thường 10-15%/tháng) và cho vay lại với lãi “khủng” (1-5%/ngày).

Tín dụng đen vùng biển (Bài 1): Những bài học xương máu
Đơn kiện của các bị hại

Để tăng cường sự tin tưởng, chủ hụi thường trả lãi đều ở những tháng đầu để làm “mờ mắt” hụi viên và sau một thời gian dài huy động, người bỏ trốn, người lại ở nhà “cam kết” trả nợ dần sau khi tuyên bố “vỡ”. Vậy là, gia sản ki cóp bấy lâu của người dân “bay vèo” trong gang tấc và không ít trong số đó lại huy động từ nạn nhân thứ 3 nên họ vừa là nạn nhân, vừa là người tiếp tay cho đường dây tín dụng này.

Tháng 7/2013, sau khi thu thập đủ chứng cứ, Công an Lộc Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Hường (SN 1978) và Trần Thị Phúc (SN 1969) cùng trú ở xã Thạch Kim với tội danh “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, Trần Thị Hường đã huy động 1,53 tỷ đồng từ 3 người bị hại có đơn tố cáo; Trần Thị Phúc huy động lên tới 2,657 tỷ đồng, 15,77 cây vàng và 17.900 USD từ 41 người. Tuy nhiên, đến nay, đối tượng Hường đã bỏ trốn ra nước ngoài nên vụ án đang “dẫm chân tại chỗ”; đối tượng Phúc vừa về đầu thú ngày 5/5/2014 và đang bị tạm giam để tiếp tục điều tra.

Tại Cẩm Xuyên, nếu không phát hiện dấu hiệu tẩu tán tài sản qua chuyển nhượng đất đai và hứa hẹn trả nợ không thành của Nguyễn Thị Sáng thì có lẽ đến thời điểm này chưa một người bị hại nào mạnh dạn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Tín dụng đen vùng biển (Bài 1): Những bài học xương máu
Bà Nguyễn Thị Sáng vẫn tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Thiên Cầm.

Ông Tôn Đức Việt (bị Nguyễn Thị Sáng huy động 460 triệu đồng) và bà Nguyễn Thị Liên (bị Nguyễn Thị Sáng huy động 20 triệu đồng và 13 chỉ vàng) sau khi “tự thỏa thuận” không thành đã viết đơn kiện lên Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên.

Trường hợp của ông Tôn Đức Việt sau khi thực hiện các quy trình thủ tục, ngày 11/4/2014, tòa đã ra quyết định: Sau 1 tháng nếu bà Sáng không tự nguyện trả nợ cho ông Việt thì chuyển sang cơ quan thi hành án. Nhưng đến khi cơ quan thi hành án thực hiện cưỡng chế thì tài sản duy nhất đứng tên bà Sáng là căn nhà 126 m2 tại xã Cẩm Nhượng đã được sang nhượng cho người khác.

Trường hợp nạn nhân Nguyễn Thị Liên cũng tương tự khi bà Sáng cam kết trước tòa là đầu tháng 5/2014 sẽ trả nợ nhưng đến nay chưa trả được nên hồ sơ đang chuyển sang cơ quan thi hành án.

(Còn nữa…)

Thượng tá Phan Xuân Phương – Phó trưởng Công an huyện Lộc Hà:

Hai đường dây vỡ tín dụng ở Thạch Kim vừa qua đều có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, công tác điều tra gặp nhiều hạn chế do vụ án diễn ra trong thời gian dài, nhiều đối tượng tham gia nên để thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn trong khi nhiều người bị hại chưa mạnh dạn tố cáo. Đặc biệt, nhiều người bị hại còn có tâm lý sợ “rút dây động rừng”, khi nhiều người tố cáo thì mình sẽ khó lấy được tiền từ chủ hụi nên không cung cấp chứng cứ cho cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc vỡ hụi chỉ được người dân công khai khi chủ hụi bỏ trốn nên đến khi phát lệnh khởi tố, đối tượng đã cao chạy xa bay (trường hợp Trần Thị Hường).

Ông Hoàng Xuân Huệ – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên:

Đối với đơn kiện bà Nguyễn Thị Sáng của ông Tôn Đức Việt và bà Nguyễn Thị Liên, mặc dù khi tòa tiến hành các bước xử lý đơn kiện, nguyên đơn đều thừa nhận số tiền vay và cam kết trả nợ. Nhưng trên thực tế, bà Nguyễn Thị Sáng lại có hành vi biển thủ tài sản để trốn tránh việc trả nợ khiến cho cơ quan thi hành án gặp khó khăn trong việc thực hiện bản án. Như vậy, bản án của tòa án sẽ không có hiệu lực cao và việc tìm công lý cho người bị hại có thể đòi hỏi phải đi theo quy trình của một vụ án hình sự trên cơ sở những dấu hiệu liên quan đến hành vi lừa đảo.

Thành chung – Vũ Dũng/baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP