Thế giới

Thế khó của Mỹ đằng sau cái ôm nồng ấm của lãnh đạo Hàn-Triều

Giới chuyên gia nhận định mối quan hệ dần tốt đẹp hơn giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên, mà tiêu biểu là cái ôm giữa 2 nhà lãnh đạo từ 2 bên hồi cuối tuần qua, có thể sẽ mang lại khó khăn cho chiến lược đối phó Bình Nhưỡng của Mỹ hiện tại và trong tương lai.

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ôm nhau nồng ấm trong cuộc gặp mặt lần 2 ngày 26/5. (Ảnh: Reuters)

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau vào ngày 26/5 tại khu phi quân sự thuộc đường biên giới liên Triều.

Cuộc gặp mặt cho thấy quyết tâm của Tổng thống Moon trong việc giữ quan hệ ngoại giao Hàn- Triều không xấu đi và tránh kịch bản 2 miền có thể sẽ lại gần kề “miệng hố” chiến tranh như thời gian trước đó.

Ông Moon gọi cuộc gặp lần thứ 2 với ông Kim là nỗ lực nhằm xóa bỏ những “khác biệt”. Hai nhà lãnh đạo cũng đã đưa ra những phát ngôn thiện chí và đã ôm nhau nồng ấm. Quan trọng hơn, hai nhà lãnh đạo đã tái khởi động lại hội nghị cấp bộ trưởng dự kiến bắt đầu vào ngày 1/6, sau đó là cuộc gặp gỡ giữa các quan chức quân đội của 2 miền.

Bình Nhưỡng cũng cho biết 2 nhà lãnh đạo đã đồng thuận rằng sẽ gặp nhau thường xuyên hơn và ông Moon có thể sẽ thăm Bình Nhưỡng vào cuối năm nay. Hiện tại, Tổng thống Hàn Quốc dường như đang giữ vai trò trung gian nhằm kéo gần khoảng cách giữa ông Kim và ông Trump.

Về lâu dài, ông Moon hy vọng có thể thiết lập hiệp ước hòa bình với Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng động thái này có thể sẽ đẩy Mỹ vào thế khó trong việc gây “áp lực tối đa” nhằm đối phó với Bình Nhưỡng trong kịch bản đàm phán Mỹ-Triều không thành công như kỳ vọng.

Ông Ralph Cossa, chủ tịch tổ chức Diễn đàn Thái Bình Dương (Mỹ), nhận định: “Có ranh giới rõ ràng giữa một nhân vật trung gian và một người ủng hộ Triều Tiên. Một vài nhân vật ở Washington dường như đang nghi ngờ ông Moon là người ủng hộ Bình Nhưỡng”.

Ông Kim, cho đến thời điểm hiện tại, đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in mỗi người 2 lần trong suốt 3 tháng qua và các nhà lãnh đạo trên đều cam kết sẽ củng cố mối quan hệ với Triều Tiên. Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 quốc gia láng giềng của Triều Tiên, vì vậy vai trò của họ là rất quan trọng nhằm thực thi có hiệu quả lệnh trừng phạt của quốc tế.

“Việc Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu trao đổi với Triều Tiên dường như sẽ là trở ngại cho chính quyền ông Trump khi tái khởi động chiến dịch gây áp lực tới Bình Nhưỡng nếu đàm phán song phương Mỹ-Triều không mang lại kết quả khả quan”, cố vấn Namkoong Young của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chia sẻ.

Trước đó, chính quyền của ông Trump tin rằng “áp lực tối đa” là phương án hiệu quả, cô lập nền kinh tế Triều Tiên hoàn toàn, buộc họ phải bước tới bàn đàm phán. Việc Triều Tiên tỏ rõ thiện chí trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trở lại có thể cho thấy họ muốn nới lỏng lệnh trừng phạt, dù ông Kim dường như vẫn lo lắng về những mối đe dọa tới an ninh quốc gia và sự tồn vong của chế độ vào thời điểm hiện tại.

Trước khi ông Trump công bố hủy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tuần trước, ông nói rằng Trung Quốc dường như đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt ở biên giới với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo Bloomberg, đến ngày 25/5, Trung Quốc vẫn siết chặt và cấm các giao dịch với phía Bình Nhưỡng, mặc dù nhiều ý kiến lạc quan cho rằng thương mại tại đây sẽ có dấu hiệu hồi phục.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP