Các hoạt động gián điệp được cho là Trung Quốc tiến hành đang gây lo ngại ở châu Âu, theo Reuters - Ảnh minh họa của BBC |
Theo Hãng tin Reuters, hai người đàn ông 32 tuổi và 29 tuổi bị cảnh sát cáo buộc cung cấp cho Trung Quốc những thông tin gây hại cho nước Anh. Cả hai sẽ ra tòa lần đầu vào ngày 26-4 tới.
"Đây là một cuộc điều tra cực kỳ phức tạp về những cáo buộc rất nghiêm trọng", ông Dominic Murphy, người đứng đầu Bộ chỉ huy chống khủng bố của cảnh sát London, nói thêm.
Một trong hai người đàn ông nói trên được cảnh sát nêu danh tính là Christopher Cash. Vào tháng 9 năm ngoái, tờ Sunday Times đưa tin Cash bị bắt vì tội gián điệp khi đang làm nhà nghiên cứu tại quốc hội cho nhà lập pháp thuộc Đảng Bảo thủ Alicia Kearns, người đang là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại.
Tháng trước, Chính phủ Anh đã triệu tập đại biện của Đại sứ quán Trung Quốc tại London sau khi cáo buộc các tin tặc được Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đánh cắp dữ liệu từ cơ quan giám sát bầu cử của Anh.
London cũng tuyên bố vào tháng 9-2023, gián điệp Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các quan chức Anh đang làm ở những vị trí trọng yếu trong chính trị, quốc phòng và thương mại như một phần của hoạt động gián điệp ngày càng tinh vi nhằm tiếp cận các bí mật của Anh.
Trong tuyên bố ngày 22-4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh gọi những thông tin nói Trung Quốc đánh cắp thông tin tình báo của Anh là "hoàn toàn bịa đặt".
"Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó và kêu gọi phía Anh ngừng thao túng chính trị chống Trung Quốc, ngừng diễn ra trò hề chính trị tự dàn dựng như vậy", một phát ngôn viên của đại sứ quán nhấn mạnh trong tuyên bố.
Theo Reuters, sự lo lắng đã lan rộng khắp châu Âu về hoạt động gián điệp của Trung Quốc và Anh đã công khai những lo ngại của mình về điều này trong những tháng gần đây.
Trong một diễn biến riêng biệt cùng ngày 22-4, nhà chức trách Đức thông báo đã bắt ba người vì nghi ngờ làm việc cho an ninh Trung Quốc để chuyển giao các công nghệ có thể dùng cho quân sự.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin cũng lập tức bác bỏ như ở Anh, nhấn mạnh yêu cầu Đức ngừng sử dụng cái cớ gián điệp để "thao túng chính trị và bôi nhọ" Bắc Kinh.
Vụ bắt giữ ở Đức diễn ra một tuần sau khi Thủ tướng Olaf Scholz tới Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh về việc nước này hỗ trợ nền kinh tế Nga, đồng thời nêu quan ngại về các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Tác giả: DUY LINH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ