Trong nước

Thẻ Căn cước công dân có thể thay thế những loại giấy tờ tùy thân nào?

Bắt đầu từ năm 2020 thẻ căn cước công dân sẽ thay thế hoàn toàn cho chứng minh thư nhân và sổ hộ khẩu.

Việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Được biết thẻ căn cước công dân sẽ được sử dụng thay thế cho tất cả các loại giấy tờ tùy thân hiện hành.

Báo Infonet cho biết, căn cứ theo Điều 20 Luật căn cước công dân 2014 quy định:

1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định trên Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế.

Trên thẻ Căn cước công dân ngoài những thông tin cá nhân còn có dãy số gồm 12 chữ số được cấp riêng cho từng người.

Cụ thể, Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn về ý nghĩa của từng chữ số này như sau:

- 03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.

- 01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân

- 02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân

- 06 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên

Trong đó:

- Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chi tiết mã tỉnh, thành phố theo Thông tư 07/2016/TT-BCA:

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

- Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ Công an;

- Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Cơ quan quản lý Căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Trình tự, thủ tục, đổi thẻ Căn cước công dân bao gồm các bước theo trình tự sau đây:

Bước 1: Công dân điền vào tờ khai Căn cước công dân tại Cơ quan quản lý Căn cước công dân.

Bước 2: Cán bộ tại cơ quan quản lý Căn cước công dân sẽ nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong tờ khai Căn cước công dân (điền mẫu này tại bước 1) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần đổi thẻ.

Bước 3: Thời hạn làm việc là không quá 7 ngày làm việc tại thành phố, thị xã đối với việc cấp mới và đổi; không quá 20 ngày làm việc đối với các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo; không quá 15 ngày làm việc với các khu vực còn lại.

Mức thu lệ phí là 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân cho đối tượng là công dân từ đủ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân.

50.000 đồng/ thẻ căn cước khi thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán, có sai sót về thông tin trên thẻ khi công dân có yêu cầu.

70.000 đồng/Căn cước công dân khi cấp lại thẻ do bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Tác giả: Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP