Đến thăm người phụ nữ thương binh đã từng vinh dự được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ giao thông vận tải đánh thắng giặc Mỹ”, chúng tôi thật may mắn được nghe bà kể lại những năm tháng phục vụ trong quân ngũ vô cùng gian khó và hiểm nguy, song rất đỗi tự hào của bà. Người thương binh, dũng sĩ ấy chính là bà Nguyễn Thị Chững, 76 tuổi, sống tại TP Nha trang, tỉnh Khánh Hòa.

Hơn 20 tuổi, người con gái xứ Thanh ấy đã xung phong đi công nhân quốc phòng, chỉ trong thời gian ngắn cấp trên phát hiện trong bà có khí phách của nữ tướng Triệu Thị Trinh năm xưa nên đã trao cho bà chức tiểu đội trưởng. Ngay sau đó một đại đội nữ được tuyển chọn đưa sang Trung Quốc đào tạo lái xe tải, trong đó có bà. Sau hai năm “du học”, trở về nước năm 1966, hầu hết đại đội nữ lái xe của bà đều nhận lệnh tức tốc lên đường phục vụ tuyến đường Trường sơn – đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm ấy.

Giờ đây, người nữ thương binh 3/4 lái xe Trường Sơn năm xưa, dù tuổi đã cao nhưng dáng người vẫn to khỏe, giọng nói sang sảng kể về tuổi thanh xuân đầy tự hào của bà: “Ngày ấy khi nghe cấp trên cho biết sẽ đưa đại đội nữ chúng tôi đi Trung Quốc học lái xe vận tải ai nấy đều không tin bởi đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt như vậy, đàn bà con gái chân yếu tay mềm như chúng tôi thì lái xe làm sao được? Thế nhưng thật bất ngờ, sang nước bạn tất cả chúng tôi đều học tập và lái xe ngon lành.

hatinh24hNữ lái xe Trường Sơn năm xưa. Ảnh tư liệu 

Xong hai năm học trở về nước, cả đại đội lập tức nhận lệnh lái xe tải chở hàng vào miền Nam theo tuyến đường Trường Sơn. Lúc ấy, chị em chúng tôi hiểu rằng sẽ phải lái xe dưới mưa bom, bão đạn, là chạy đua với tử thần…, nhưng tinh thần và tư thế của người lính xung trận không những đã rất sẵn sàng mà còn cảm thấy vinh quang và tự hào nữa”.

Hơn hai năm lái xe trên tuyến đường Trường Sơn với rất nhiều kỷ niệm hào hùng nhưng cũng không ít bi thương. Tuyến đường khói lửa ấy thuộc địa phận hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh mãi mãi ăn sâu vào ký ức của bà.

Bà nghẹn ngào kể lại: “ Tôi được giao lái chiếc xe do Liên Xô chế tạo (loại xe Gaz 51), chở đạn và các loại nhu yếu phẩm khác vào chiến trường miền Nam. Trên trời bom dội xuống, dưới biển pháo nã vào. Nhiều lần xe bị trúng đạn bốc cháy, trong khi chờ đồng đội và nhân dân ứng cứu, mình tôi vừa phải dập lửa vừa phải kéo, vác các kiện hàng ra khỏi xe.

Thời ấy, nhờ thân hình to khỏe (67 kg), nên mình tôi có thể dựng đứng những phuy xăng to như thế mà vẫn thấy bình thường, nhiều lần cứu được hàng nhưng xe bị hư hỏng nặng.

Năm 1968, tại đoạn đường qua huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xe lại bị trúng đạn bốc cháy. Tôi vừa cứu xe cứu hàng mà máy bay Mỹ vẫn không ngừng ném bom. Có quả bom rơi gần xe hàng, sức ép của bom hất tung người tôi lên rồi rơi xuống đất, ngất đi… Khi tỉnh dậy, quân y cho biết mình bị dập 5 đốt sống lưng, 13 mảnh đạn găm vào người, trong đó có 3 mảnh găm vào đầu và hiện giờ trong đầu vẫn còn một mảnh. Sau lần bị thương ấy, tôi được đưa về tuyến sau điều trị và xếp loại thương binh 3/4, năm 1969 chuyển sang dân sự làm việc cho đến ngày nghỉ hưu”.


Nữ thương binh Nguyễn Thị Chửng

Giờ đây, được sống trong những năm tháng hòa bình bên gia đình ấm êm, bà vẫn không thể nào quên được những năm tháng vô cùng gian khổ, cứu xe cháy, dập lửa cứu hàng, tự thay lốp xe, sửa chữa hư hỏng thông thường… và còn lo chôn cất đồng đội đã hy sinh…

Lúc bà được nhận danh hiệu “Dũng sĩ giao thông vận tải đánh thắng giặc Mỹ”, nhiều đồng đội trong đại đội nữ lái xe của bà đã vĩnh viễn nằm lại dọc tuyến đường Trường Sơn khói lửa một thời.

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm, người nữ dũng sĩ ấy, tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn quán xuyến công việc nhà. Đặc biệt, bà còn tận tâm chăm sóc người chồng, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã 91 tuổi, kèm theo nhiều bệnh tật…

Không chỉ vậy, bà vẫn nhiệt huyết, mong muốn được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình tại nơi sinh sống. Hiện bà là hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn tại tỉnh Khánh Hòa, hội viên Hội Cựu chiến binh phường và được bà con lối xóm tín nhiệm bầu làm tổ phó tổ dân phố… Ở cương vị nào, bà cũng luôn làm việc năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, phát huy truyền thống phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, được mọi người kính trọng và nể phục.


Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Khuê ở Nha Trang, rất quý trọng bà, nên đã đến nhà thăm hỏi và tặng quà nhân ngày 27-7/2016.

Tự hào về hội viên của mình, Đại tá Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tại tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: “Những năm tháng lái xe Trường Sơn, tôi thấy bà thật phi thường. Giờ đây, giữa đời thường, dù bộn bề việc nhà, bà vẫn tích cực tham gia việc hội, đoàn thể…

Trong số những người con của bà, có người bị di chứng chất độc màu da cam nhưng nữ dũng sĩ lái xe Trường Sơn năm ấy luôn xem việc chăm sóc chồng con là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Bà luôn xứng đáng là người phụ nữ đảm việc nước, đảm việc nhà và là tấm gương mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo”.

CÔNG THI