Giáo dục - Đào tạo

Những việc làm “động trời” của các thầy giáo ở Hà Tĩnh

Ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh vừa trải qua những chuyện “động trời” khi liên tiếp để xảy ra những vụ việc cá biệt về đạo đức của thầy giáo, tiêu cực của nhà trường như: Chuyện thầy giáo “cắm” xe đồng nghiệp, ôm tiền học sinh rồi mất tích bí ẩn; thầy giáo dẫn côn đồ mang súng, hung khí truy sát người dân; lãnh đạo nhà trường bắt giáo viên nộp tiền để mang đi “cảm ơn” xã sau khi trường được xếp hạng đặc biệt khó khăn diện 135.

Thầy giáo cờ bạc, ngông cuồng

Những ngày này, chuyện thầy giáo Nguyễn Ngọc Tú (SN 1984, trú xã Sơn Kim 1, là giáo viên dạy môn thể dục kiêm Bí thư Đoàn trường THPT Cao Thắng ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) “ôm” tiền của học sinh, “cắm” xe đồng nghiệp rồi bỗng dưng mất tích bí ẩn suốt cả tháng trời, khiến dư luận hết sức xôn xao.

Thầy Trần Hoài – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, trước đó thầy Tú có viết giấy xin phép nghỉ từ ngày 13-17.2 để giải quyết một số việc gia đình. Tuy nhiên, hết thời hạn xin nghỉ, thầy Tú vẫn không đến trường. Gọi qua số điện thoại thì thuê bao không liên lạc được.

Tìm về gia đình hỏi thì họ cũng không có thông tin gì. “Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để liên lạc với thầy Tú nhưng hiện vẫn không có tin tức gì”, thầy Hoài nói. Là đồng nghiệp với thầy Tú, thầy giáo Lê Duy Đông buồn bã kể: Trước khi “mất tích” thầy Tú có mượn anh một chiếc xe máy hiệu Jupiter, nói đi tập huấn ở huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, sau đó thầy Tú đã cầm cố chiếc xe này ở một quán bida tại thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) rồi nhắn tin báo địa chỉ cho anh đến chuộc.

Cô Thanh – Hiệu phó Trường THCS Bồng Lĩnh – thừa nhận việc nhà trường có thu tiền của giáo viên để cảm ơn xã. 

Rồi từ đó, thầy Tú “mất tích” cho đến nay. Sau sự việc này, thầy Đông phải bỏ tiền túi để “chuộc” xe của mình ra với số tiền gần 11 triệu đồng. Không chỉ “cắm” xe đồng nghiệp, trước khi mất tích, thầy Tú còn “ôm” hơn 30 triệu đồng tiền nhận mua đồng phục cho học sinh. Từ khi thầy “mất tích”, học sinh vẫn chưa có đồng phục để mặc.

Về phía gia đình, sau khi thầy Tú mất tích bí ẩn, vợ thầy cũng buồn chán nên bỏ về bên ngoại sống. Theo gia đình, sau Tết, thầy Tú có nhờ mẹ vay ngân hàng cho 50 triệu để mở cửa hàng buôn bán. Tuy nhiên, sau khi cửa hàng mở thì Tú không lo làm ăn mà lại bỏ bê công việc ở trường rồi đi đâu không rõ.

Một lãnh đạo địa phương nơi thầy Tú sinh sống cho biết, dịp trước tết thấy thầy giáo này thi thoảng có tham gia đánh bài. Vì vậy, theo nhận định ban đầu, rất có thể chuyện thầy Tú mất tích liên quan đến chuyện bài bạc rồi bể nợ, chán đời.

Một sự việc “động trời” khác là thầy giáo Lê Hoài Nam – giáo viên dạy môn thể dục của Trường THPT Phan Đình Phùng ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vừa bị Công an huyện triệu tập liên quan đến hành vi cầm đầu một nhóm đối tượng dùng súng, tuýp sắt, gậy truy sát, gây thương tích cho một số người dân xã Hương Đại vào đêm 15.2. Sự việc bắt đầu từ khoảng 15h30 ngày 15.2, khi sà lan của Công ty TNHH Quyết Thắng tới hút cát trên sông Ngàn Trươi, đoạn qua xã Hương Đại.

Do việc hút cát từ lâu đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, mất đất canh tác nên một số người dân ở đây đã tập trung phản đối, ngăn cản sà lan hút cát. Là cháu của chủ sà lan hút cát trên nên thầy Nam được nhờ ra nắm tình hình. Khi tiếp cận hiện trường, thầy Nam đã lớn tiếng chửi bới người dân rồi thách thức và bỏ ra về.

Mọi việc tưởng đã xong, bất ngờ khoảng 21h30 đêm đó, Nam dẫn theo một nhóm khoảng 10 người mang theo súng, hung khí tìm đến thôn Hương Đại. Vừa lúc đó, bắt gặp Nguyễn Tuấn Anh (24 tuổi) và Nguyễn Cường An (26 tuổi) đi chơi về. Nhanh chóng nhận ra đây là 2 thanh niên lúc chiều phản đối chuyện hút cát nên Nam cầm tuýp sắt đánh gây thương tích cho An và Anh.

Bị đòn, hai thanh niên cố gắng chạy thoát thân trong đêm. Chưa dừng lại ở đó, đến khoảng 1h30 sáng 16.2, Nam cùng một số đối tượng đi xe ôtô 16 chỗ màu trắng tiếp tục tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Hương Đại để tìm con trai ông là Nguyễn Anh Tuấn (21 tuổi). Rất may, Tuấn đã đi trốn nên nhóm côn đồ bỏ ra về. Sau đó, nhiều người dân thôn Hương Đại đã làm đơn tố cáo vụ việc gửi cơ quan chức năng.

Bắt giáo viên nộp tiền để “cảm ơn” xã

Cho rằng trường mình được hưởng chế độ 135 từ cuối năm 2013 là nhờ công lớn của UBND xã Đức Lĩnh (Vũ Quang), lãnh đạo Trường THCS Bồng Lĩnh đã chủ động thông báo đến các giáo viên nộp tiền “cảm ơn xã”. Theo thông tin từ cô Nguyễn Thị Linh Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bồng Lĩnh, toàn trường có 64 cán bộ giáo viên, sau khi lãnh đạo nhà trường có gợi ý, tùy tâm nên có giáo viên nộp 100.000đ, có giáo viên nộp 200.000đ để cảm ơn xã.

Nhiều người dân thôn Hương Quang bức xúc sau khi thầy Nam cầm đầu nhóm côn đồ đi truy sát dân vào đêm 15.2. 

Sự việc tương tự cũng xảy ra tại Trường Tiểu học Đức Bồng (xã Đức Bồng, Vũ Quang), lần đầu tiền trường được hưởng chế độ 135 nên sau đó lãnh đạo nhà trường đã thông báo đến toàn thể 22 cán bộ giáo viên của trường trích tiền lương nộp lại để làm quà cảm ơn xã.

Chủ trương này được thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng nhà trường – thừa nhận là Ban giám hiệu có thông báo qua công đoàn trước. Sau đó, các giáo viên đã góp được 17 triệu đồng để cảm ơn xã.

Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Vũ Quang – ông Nguyễn Thái Hòa – cho biết, lãnh đạo phòng đã yêu cầu 2 trường nói trên trả lại tiền cho giáo viên. Ông Hòa cũng khẳng định, việc nhà trường thu tiền giáo viên đi cảm ơn xã như thế là sai. Hiện Phòng Giáo dục-Đào tạo đã cử cán bộ về trường nắm thông tin và yêu cầu lãnh đạo nhà trường báo cáo về sự việc để có biện pháp xử lý.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang – ông Bùi Việt Hùng – cho biết, việc giáo viên phải đóng tiền mua quà cho xã là do lãnh đạo nhà trường tự ý đề ra, huyện không hề hay biết. Vì thế, ngay sau khi biết sự việc, huyện đã yêu cầu nhà trường phải thu lại tiền và trả lại cho giáo viên. Huyện cũng giao cho Phòng Giáo dục-Đào tạo kiểm tra và xử lý về sự việc này.

Trả giá

Liên quan đến sự việc thầy Tú “cắm” xe đồng nghiệp, “ôm” tiền học sinh rồi mất tích, chiều 17.3, thầy Hoàng Trung Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng – cho biết, sáng 17.3, nhà trường đã họp bỏ phiếu kín để lấy kết quả về việc xử lý buộc thôi việc đối với giáo viên này.

“Theo kết quả bỏ phiếu, hầu hết đều có ý kiến buộc thôi việc đối với thầy Tú. Tuy nhiên, phải vài ba ngày tới thì mới có quyết định cuối cùng”, thầy Sơn thông tin. Cũng theo thầy Sơn, trước đó lãnh đạo nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách và cảnh cáo đối với thầy Tú vì bỏ việc vô nguyên tắc.

Về hành vi cầm đầu nhóm côn đồ mang súng, hung khí truy sát người dân của thầy giáo Lê Hoài Nam – giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng, ngày 17.3, Trưởng Công an huyện Vũ Quang – đại tá Trần Đình Nhị – cho biết, hiện CA huyện đã triệu tập Lê Hoài Nam cùng 10 đối tượng liên quan đến làm việc và các đối tượng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. CA huyện cũng đã thu một khẩu súng tự chế.

Tuy nhiên, do trong đêm 15.2 các đối tượng trên đã không nổ súng, nên “chúng tôi cũng đang họp với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện để thống nhất quyết định xử lý. Vụ việc không đến mức xử lý hình sự nên chúng tôi thống nhất quyết định xử lý hành chính”, ông Nhị nói.

Về sự việc Trường Tiểu học Đức Bồng và THCS Bồng Lĩnh thu tiền của giáo viên để “cảm ơn” xã sau khi 2 trường này được công nhận là trường 135, chiều 17.3, ông Hà Văn Trọng – Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang – cho biết: “Hiện cả 2 nhà trường nói trên đã thu lại tiền và trả lại đầy đủ cho các giáo viên rồi”.

Còn ông Bùi Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang – thông tin thêm: “Hiện Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đang vào cuộc để kiểm tra, xử lý đối với việc làm sai trái của lãnh đạo 2 trường đó”.

Trước việc liên tục xảy ra những chuyện không hay trong ngành giáo dục tỉnh nhà, ngày 17.3, ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Tĩnh – cho biết: Những chuyện như trên lẽ ra không nên xảy ra đối với giáo viên, nhà trường. Tuy nhiên, khi đã xảy ra rồi thì quan điểm của sở là sẽ xử lý nghiêm theo quy định; sai đến đâu xử lý đến đó.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP