Phóng sự - Ký sự

Hoạt động “tín dụng đen” tại Hà Tĩnh, thực trạng đáng báo động

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 11 vụ án liên quan đến “tín dụng đen” có tài sản bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Điển hình như năm 2014, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh thụ lý điều tra vụ án Trần Thị Phúc, sinh năm 1958, trú tại xã Thạch Kim, Lộc Hà phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng tài sản thiệt hại trị giá khoảng 5 tỷ đồng, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt trên 40 bị hại tại các xã thuộc địa bàn huyện Lộc Hà. Trong khi đó năm 2015, liên quan đến vụ án hai vợ chồng Nguyễn Thị Mai (1988) và Nguyễn Cảnh Ánh (1983) trú tại TP Vinh, Nghệ An có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chiếm đoạt số tài sản tổng trị giá trên 200 tỷ đồng, bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An khởi tố điều tra, nhiều bị hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (tập trung tại địa bàn huyện Can Lộc) cũng bị cặp vợ chồng Mai Ánh lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Những năm gần đây, cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, tình trạng hoạt động “tín dụng đen” ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khốn đốn vì tin tưởng vào sự dụ dỗ của những đối tượng lừa đảo; số lượng tài sản bị thiệt hại ngày càng lớn; hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

hatin24h
 Đối tượng Lê Thị Tương (1973) bị Phòng PC45 – Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” năm 2011

Vậy nguyên nhân do đâu mà hoạt động “tín dụng đen” ngày càng hoạt động rộng lớn, phức tạp như vậy?

Trước hết, “tín dụng đen” là cụm từ dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép và chưa chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan nhà nước nào.

Hoạt động “tín dụng đen” là sự giao dịch ngầm, nội bộ, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản trong thủ tục vay và cho vay, chỉ cần viết tay, đánh máy thể hiện nội dung vay mượn giữa bên cho vay và bên vay với các thông tin sơ sài; Chủ yếu dựa vào lòng tin, do vậy thông thường lần đầu tiên vay tiền chỉ cần trả đủ nợ, đúng thời hạn thì lần sau sẽ dễ dàng vay tiếp.

Trước tình hình kinh tế suy thoái, hoạt động tín dụng của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn, lãi suất vay tăng và hạn chế cho vay thế chấp đối với nhà đất, để có vốn làm ăn hoặc có tiền trả nợ, người đi vay tìm đến “tín dụng đen”.

Do sự thiếu tỉnh táo và thiếu hiểu biết pháp luật, tham lãi suất cao của người dân; trong khi đó, tình hình các kênh đầu tư vào bất động sản, vàng, đầu tư kinh doanh các mặt hàng không đạt hiệu quả, đồng tiền nhàn rỗi của người dân được đưa vào tín dụng đen với lãi suất dao động từ 3%/tháng đến 15%/ tháng để thu các khoản lợi tức cao từ khoản tiền cho vay một cách nhanh chóng.

Đặc điểm của tội phạm hoạt động lợi dụng “tín dụng đen” là:

Về bị hại trong “tín dụng đen” thường là các tiểu thương, công nhân, nông dân hoặc dân nghèo có nhu cầu về tài chính cấp thiết; những người này có trình độ hiểu biết thấp và suy nghĩ không thấu đáo nên khi dính vào “tín dụng đen” họ trở thành nạn nhân của việc buôn tiền ngoài pháp luật này. Ngoài ra, trong tình trạng thắt chặt tín dụng hiện nay khi phải đáo nợ ngân hàng, các doanh nghiệp không có khả năng thì vẫn phải tìm đến “tín dụng đen”.

Đối với những đối tượng lợi dụng “tín dụng đen” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường huy động vốn với lãi suất cao, trả lãi đều, uy tín trong thời gian đầu, đủ để người cho vay tin tưởng. Nhiều trường hợp các đối tượng còn phô trương thanh thế bằng những chiêu khuyến mãi, từ thiện… khiến người cho vay choáng ngợp trước tiền của, tài năng cùng uy tín của đối tượng. Sau khi lấy được lòng tin và được bị hại giao tiền thì đối tượng sẽ ôm lấy số tiền rồi bỏ trốn.

Một số đối tượng thường huy động vốn với lãi suất rất cao, bị hại là những người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm; các đối tượng dùng lời lẽ để thuyết phục hoặc hứa hẹn về sự giàu sang khi có tiền của các bị hại, nhưng thực tế, đối tượng không dùng tiền vay mượn được vào những gì họ đã nói mà phục vụ mục đích khác hoặc vay từ người sau để trả nợ hoặc lãi suất cho người trước; đến khi không đủ tiền để trả nợ hoặc số tiền vay quá lớn vượt ngoài khả năng thanh toán, đối tượng sẽ bỏ trốn hoặc đến cơ quan Công an đầu thú.

           – Đối với các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi:

Thường sử dụng danh nghĩa công ty, ngân hàng để huy động tiền, dùng lãi suất cao để huy động tiền, trả trước lãi, dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng trong việc cho vay (lãi nặng), sẵn sàng cho vay tiếp khi người vay chưa trả được nợ, khi người vay không còn khả năng trả nợ sẽ bị xiết tài sản. Trung bình lãi suất vay khoảng 2000đ/triệu/ngày, tương đương 6%/tháng, có vụ huy động lãi suất lên đến 12%/tháng, tương đương 144%/năm. Đa số các vụ án huy động vay lãi đều không thế chấp bằng tài sản hoặc chỉ có một tài sản nhưng thế chấp cho nhiều người với số tiền vay vượt quá nhiều lần trị giá tài sản thế chấp; thủ tục thế chấp không bảo đảm theo quy định.

Các đối tượng hứa hẹn cho người vay tiền để giải quyết khó khăn trước mắt, với điều kiện là họ phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… để các đối tượng này giúp vay vốn ngân hàng lấy tiền trả nợ. Khi giao tiền vay họ bị khấu trừ toàn bộ tiền lãi, tiền phí dịch vụ, tiền môi giới, nên người vay chỉ nhận được khoản tiền thấp hơn nhiều so với số tiền vay, sau đó trách nhiệm của người vay là phải trả tiền vay cho ngân hàng theo quy định.

Dự báo trong thời gian tới, với tình hình phát triển kinh tế, xã hội có nhiều biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ có những khó khăn, các ngân hàng ngày càng siết chặt về đối tượng, điều kiện vay vốn; Do đó, các đối tượng sẽ dùng hoạt động “tín dụng đen” để huy động vốn với số lượng tiền lớn; hoạt động ngày càng công khai, với nhiều thủ đoạn tinh vi; Cùng với đó, hoạt động của tội phạm lợi dụng “tín dụng đen” sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Đối tượng Trần Thị Phúc (1958), trú tại xã Thạch Kim, Lộc Hà phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 15 năm tù giam năm 2015

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

1. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân trong các vấn đề liên quan đến “tín dụng đen”; giúp người dân hiểu được những hậu quả có thể xảy ra trong việc tham gia vào tín dụng đen; Cơ quan Công an thường xuyên tuyên truyền về những thủ đoạn của tội phạm lợi dụng “tín dụng đen” để hoạt động, nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, phát hiện, tố giác đối với loại tội phạm này.

Tăng cường giám sát và kiến nghị với cơ quan chức năng có chính sách tín dụng hợp lý để người dân có nhu cầu vay vốn tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn vay tại ngân hàng, thay vì để người dân buộc phải tìm đến hình thức “tín dụng đen”. Từ đó hạn chế những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng phạm tội từ hoạt động “tín dụng đen”.

2. Cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhằm hạn chế những sơ hở, thiếu sót của pháp luật, không để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động phạm tội, như:

– Tăng cường, siết chặt quản lý nhà nước về việc cấp giấy phép kinh doanh, công chứng, nhất là công chứng tư, chứng thực việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất, để tránh tình trạng đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng thủ tục pháp lý này để hợp pháp hóa động cơ, mục đích và việc làm bất hợp pháp.

– Có văn bản hướng dẫn nhằm áp dụng thống nhất một số quy định trong Bộ luật hình sự liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các Điều 139 “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Điều 140 “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và Điều 163 “Tội cho vay lãi nặng”…

3. Lực lượng Công an cần tăng cường công tác nắm tình hình, phát huy hiệu quả các mặt công tác, nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các đối tượng lợi dụng “tín dụng đen” để hoạt động phạm tội.

– Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có các giải pháp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế bằng con đường chính đáng.

– Phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án nhằm đưa ra xét xử nghiêm minh, trong đó, cần mở những phiên tòa xét xử lưu động đối với những đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối với người dân, răn đe, giáo dục với các đối tượng khác.

Khắc Tuân – Phòng PC45

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP