Nông thôn mới

Hà Tĩnh: Xã NTM có 9 điểm tập kết, rác vẫn ùn ứ, bốc mùi nồng nặc

“Xử lý rác thải nông thôn đang là vấn đề nan giải chưa có biện pháp xử lý hiệu quả không chỉ của Cẩm Xuyên mà là của cả tỉnh Hà Tĩnh. Việc xây dựng các điểm tập kết rác tại mỗi thôn như vậy đang là giải pháp tạm thời khi chưa có phương án tối ưu”, ông Phạm Đăng Nhật, chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trao đổi về việc nhiều xã tại huyện này đang tiến hành xây dựng mỗi thôn một điểm tập kết rác trung chuyển.

  >> Cẩm Xuyên: “Đua nhau” xây dựng điểm tập kết rác để hoàn thành tiêu chí NTM

“Ý thức một bộ phận người dân chưa cao” 

Báo Tầm Nhìn có bài viết “Hà Tĩnh: ‘Đua nhau’ xây dựng điểm tập kết rác để hoàn thành tiêu chí NTM” phản ánh tình trạng nhiều xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã và đang xây các điểm tập kết rác tại các mỗi thôn. Vấn đề là từ thực tế cho thấy, các điểm tập kết rác này hoạt động với nhiều bất cập, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường.

PV Tầm Nhìn đã có trao đổi cụ thể hơn với lãnh đạo một số địa phương về vấn đề này.

ht24h
Xã cho đổ đất định xây điểm tập kết rác gần đường trung tâm xã Cẩm Duệ, ngay sát khu dân cư của thôn 3 xã này.

Ông Nguyễn Đình Long, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thành (nơi đã về đích Nông thôn mới năm 2013 với 8 điểm tập kết rác/9 thôn luôn trong tình trạng ứ rác, gây mùi hôi thối) cho biết: xã đã thành lập HTX môi trường. Lúc đầu xã dự tính xây dựng một điểm tập kết rác chung của cả xã, tuy nhiên không tìm ra vị trí đặt thích hợp do các địa điểm chọn đều không được người dân đồng ý vì sợ ô nhiễm. Sau đó xã quy hoạch và xây dựng 8 điểm tập kết rác, trung bình mỗi thôn một điểm. Xây dựng 8 điểm này hết khoảng 230 triệu đồng, trong đó, Sở Tài nguyên Môi trường khi về xem xét đã hỗ trợ xã 100 triệu. Trong quá trình xây, xã hỗ trợ mỗi thôn 10 triệu, còn do bà con đóng góp.

Theo như ông Long, đây là các điểm tập kết rác tạm thời của mỗi thôn (điểm tập kết rác trung chuyển). Người dân trong thôn sẽ bỏ rác ở đây, sau đó sẽ có xe mỗi tuần một lần đến lấy rác để vận chuyển điểm tập trung rác của huyện ở xã Cẩm Quan. Vị trí xây các điểm tập kết rác phải gần đường để thuận lợi cho xe tới lấy rác, đồng thời cũng phải ở vị trí thuận lợi để người dân tới bỏ rác.

Khi PV nêu thực trạng 8/9 điểm tập kết rác của xã luôn nằm trong tình trạng đầy ứ, gây ô nhiễm, mùi hôi thối, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, nhất là khi lại nằm ngay cạnh đường nơi người dân trong và ngoài xã thường xuyên qua lại. Ông Long cũng gật đầu thừa nhận sự bất cập của các điểm tập kết rác này.

“Do mỗi tuần HTX chỉ thuê xe chuyện dụng đến để lấy rác một lần, mỗi tháng 4 lần. Trong khi đó ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, nhiều người chưa phân loại rác, cũng như để rác vào bất cứ thời gian nào mà không theo ngày giờ quy định. Hơn nữa, ví dụ điểm tập kết ở thôn Hưng Mỹ thì ngoài người dân thôn này còn có dân xã ngoài như Thạch Hội…thấy có địa điểm cũng đưa rác đến bỏ…cho nên gây ra tình trạng đó”, ông Long cho biết.

Còn ở xã Cẩm Duệ, như Tầm Nhìn đã phản ánh trước đó, xã này cũng đã thành lập HTX môi trường, xây dựng 14 điểm tập kết/ 13 thôn. Đặc biệt tại thôn 3, do muốn xây gần đường để thuận lợi cho việc vận chuyển, xã còn tính xây một điểm tập kết rác gần ngay khu dân cư nhưng bị dân phản đối.

Xã Cẩm Duệ xây dựng 14 điểm tập kết rác/ 13 thôn. Đây là một điểm tập kết đang xây dựng, nằm gần đường giao thông. Điểm này đến nay đã hoàn thành.

“Liệu xã Cẩm Duệ có dẫm vào vết xe đổ của xã Cẩm Thành hay không khi 14 điểm tập kết rác này cũng đều nằm gần đường?”, PV đặt vấn đề với ông Hà Huy Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Duệ. Ông Kim cho rằng, sẽ tuyên truyền để người dân phân loại rác và đúng giờ, đúng ngày quy định sẽ tới bỏ rác vào các điểm tập kết. Mỗi tuần sẽ có xe đến vận chuyển số rác này đi. Nếu thực hiện tốt việc này thì các điểm tập kết này sẽ không vấn đề gì cả.

PV cũng đã đem vấn đề này trao đổi với các lãnh đạo của một số xã khác ở huyện Cẩm Xuyên. Được biết, không có văn bản nào yêu cầu xã nào cũng phải xây mỗi thôn một điểm tập kết rác. Mỗi xã sẽ thành lập một HTX môi trường, và tùy vào địa bàn rộng hay hẹp, phân tán hay tập trung để mỗi xã có cách làm của riêng mình trong việc xây dựng các điểm tập kết rác.

Đáng chú ý có ý kiến của ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh. Xã này xây dựng 3 điểm tập kết rác/ 6 đơn vị  thôn.

Ông Chiến cho biết, khi có văn bản hướng dẫn về việc xây dựng điểm tập kết rác, không như nhiều xã khác, các lãnh đạo xã Cẩm Vịnh đã tính toán và lường trước vấn đề nên không xây 6 điểm cho 6 thôn mà chỉ xây 3 điểm. Lý do là ông nhận thấy, nếu xây nhiều điểm thì hiện nay phải thừa nhận trên thực tế, ý thức phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định của người dân vùng nông thôn chưa được nâng cao, cứ thấy có hố rác thì họ sẽ bỏ tràn lan mà không vận chuyển kịp dễ gây ô nhiễm. Ngoài ra việc xây dựng nhiều điểm như vậy cũng rất tốn kém.

“Bài toán khó” chưa có “lời giải” tốt nhất

Khi hỏi về giải pháp để thực hiện vấn đề xử lý rác cho hợp lý hơn, hầu hết các lãnh đạo từ xã đến huyện Cẩm Xuyên cho biết, đây là một vấn đề nan giải, một “bài toán khó”.

Ông Nguyễn Đình Long, phó chủ tịch xã Cẩm Thành hay ông Hà Huy Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Duệ và một số lãnh đạo xã khác đều cho rằng, ngay cả việc thành lập và duy trì hoạt động của các HTX môi trường cũng vốn rất khó khăn vì thiếu kinh phí.

“Ở Cẩm Thành, mỗi tuần HTX môi trường thuê xe vận chuyển rác tới điểm thu gom chung của huyện ở Cẩm Quan một lần. Mỗi chuyến là 1.150.000 đồng, đó là chưa nói tới việc có khi bị chia nhỏ để ép chuyến. Mỗi hộ dân nộp phí 10 nghìn/1 tháng nên cũng khó cho hoạt động lâu dài của HTX này”, ông Long nói.

Điểm tập kết rác thôn Hưng Mỹ (Cẩm Thành) luôn trong tình trạng ngập rác, gây mùi hôi thối do không được thường xuyên vận chuyển đi.
PV quay lại điểm tập kết rác Hưng Mỹ vào một thời điểm khác, rác còn chất đống nhiều hơn.

Cả ông Long và ông Kim đều cho rằng, từ thực tế có thể thấy, giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đầu tư các xe chở rác. Lãnh đạo các xã này đã nhiều lần đề xuất ý kiến này lên trên. Theo họ thì 1 xe thì cũng đã có thể vận chuyển chung được cho 5 đến 6 xã.

“Chúng tôi đã có văn bản đề xuất nhiều lần xin huyện, tỉnh với hi vọng có từ nguồn đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới để hỗ trợ cho xã mua xe chở rác. Nếu có xe thì ở đây chúng tôi có thể thu gom rác cho cả 6 xã như Cẩm Quang, Cẩm Vịnh, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch”, ông Long nói. Lãnh đạo của xã Cẩm Duệ cũng có ý kiến tương tự.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đăng Nhật, chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Vấn đề xử lý rác thải nông thôn đang là vấn đề nan giải chưa có biện pháp xử lý hiệu quả không chỉ của Cẩm Xuyên mà là của cả tỉnh Hà Tĩnh. Vấn đề này cần có sự vào cuộc của Sở Tài nguyên môi trường, các ban ngành liên quan cùng nghiên cứu, đề xuất, tìm ra biện pháp tối ưu.

“Vậy ý kiến đề xuất xin hỗ trợ mua xe chở rác chung của lãnh đạo một số xã thì như thế nào?”, ông Nhật cho biết là nếu mua xe chở rác cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là số tiền mua xe lớn, và mua rồi thì kinh phí để duy trì hoạt động, sữa chữa sẽ tốn kém.

PV trình bày thực trạng ô nhiễm ở 8/9 điểm tập kết rác của Cẩm Thành và đặt câu hỏi: “Vậy việc hiện nay ở nhiều xã cho xây dựng mỗi thôn một điểm tập kết rác, hoặc thậm chí có một thôn 2 điểm do địa bàn rộng hơn như vậy có hợp lý không?”

Ông Nhật không khẳng định việc xây dựng như vậy là hợp lý hay không hợp lý.  “Việc xây dựng các điểm tập kết rác tại mỗi thôn như vậy đang là giải pháp tạm thời khi chưa có phương án và giải pháp tốt nhất”, ông Nhật nói.

Ông Phan Viết Long, phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng vấn đề xử lý rác ở nông thôn đang là vấn đề khó. Ông cho rằng, việc đầu tư các xe chở rác là khó vì kinh phí cho mỗi xe cao. Và việc mỗi thôn có một điểm tập kết rác là để thuận lợi cho thu gom rác ở các thôn. Tuy nhiên việc ô nhiễm ở các điểm như vậy là do ý thức một bộ phận người dân chưa cao cũng như do cách làm của địa phương đó chưa tốt.

Việc  giải quyết và xử lý rác thải như thế nào đang không chỉ là vấn đề khó của các xã ở huyện Cẩm Xuyên mà còn nhiều huyện khác của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trước khi tìm ra lời giải tốt nhất, hiệu quả nhất cho “bài toán khó” thì khi thực hiện các giải pháp tạm thời cũng phải cân nhắc, xem xét kỹ khi cho xây dựng rất nhiều các điểm tập kết rác ở các địa phương như trên. Từ thực tế của xã về đích Nông thôn mới Cẩm Thành đã cho thấy rõ điều đó.

Mai Nguyễn – Hà Vy – Quốc Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP