TP Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Tài xế “ma men” đã biết sợ vì xót tiền phạt

Sau khi lực lượng Công an TP Hà Tĩnh áp dụng mức phạt theo Nghị định 46/2016 đối với các trường hợp vi phạm

Sau khi lực lượng Công an TP Hà Tĩnh áp dụng mức phạt theo Nghị định 46/2016 đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhiều tài xế cho biết, uống rượu bia xong không còn dám lái xe ra đường.

hatinh24h

“Ma men” sợ phạt

Khoảng 21h ngày 2/8, Tổ TTKS của Đội CSGT, Công an TP Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh) đã thực hiện đo nồng độ cồn nhiều tài xế tham gia giao thông. Sau khi kiểm tra nồng độ cồn của tài xế Nguyễn Bá T. điều khiển xe ôtô BKS 38N-1478 cho kết quả 0,301 mg/lít khí thở. Tài xế Nguyễn Bá T. thanh minh mình chỉ uống một lon bia, nhưng trước chứng cứ vi phạm được CSGT đưa ra, tài xế T. chấp nhận ký vào biên bản với mức phạt 7,5 triệu đồng.

Từ ngày 1 – 22/8, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh (PC67) đã lập biên bản 2.534 trường hợp vi phạm (1.704 mô tô; 856 ô tô; 26 phương tiện khác). Trong đó, lỗi vi phạm về nồng độ cồn là 87 trường hợp; Chạy quá tốc độ 388 trường hợp, quá tải 45 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Tổ TTKS phát hiện anh Nguyễn Tất H., điều khiển xe máy BKS 38T1-175.96 có nồng độ cồn lên tới 0,692mg/lít khí thở. Tài xế H. đã bị lực lượng CSGT nhắc nhở, yêu cầu ký biên bản nộp phạt 3,5 triệu đồng. Vừa ký biên bản phạt, tài xế H. vừa cho hay, không ngờ mức phạt cao và CSGT làm nghiêm như vậy. “Một lần phạt thế này tôi xin chừa, lần sau khi đi nhậu tôi đi taxi vừa đỡ mất tiền mà thoải mái vui vẻ”.

Tiếp theo, tài xế Dương Văn T., điều khiển xe máy BKS 38M1-147.62 có dấu hiệu say rượu bia, nhưng khi Tổ TTKS yêu cầu đo nồng độ cồn đã không chấp hành, không chịu xuất trình các giấy tờ liên quan, Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt 3,95 triệu đồng với sự chứng kiến của người làm chứng.

Đại úy Phạm Duy Thành, Đội phó Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh cho biết, khoảng thời gian từ 11-13h và 20-23h hàng ngày, lực lượng CSGT và cảnh sát trật tự Công an TP Hà Tĩnh chia làm nhiều tổ, ra quân tuần tra trên các tuyến phố có nhiều nhà hàng, quán nhậu như: Lê Duẩn, Nguyễn Du, 26/3… để kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe.

“Từ khi mức phạt với tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tăng lên, chỉ trong thời gian ngắn, người dân đã thay đổi cách nhìn về vấn đề nồng độ cồn, từ đó uống rượu bia “có trách nhiệm” hơn khi tham gia giao thông. Một số người dân đã bắt đầu hình thành thói quen khi đến nhà hàng, quán nhậu là đi taxi, vừa tránh bị CSGT xử phạt do vi phạm nồng độ cồn, cũng như đảm bảo ATGT cho bản thân và mọi người xung quanh”, Đại úy Thành cho biết.

Nhậu xong bắt taxi, xe “ôm” về nhà

Anh Trần Văn Hải, một tài xế taxi tại TP Hà Tĩnh chia sẻ, dạo này khách hàng đi taxi nhiều hơn trước. Lượng khách tăng lên chủ yếu vào cuối giờ trưa và buổi tối. Chúng tôi đón khách ở nhà hàng nhiều hơn trước, một lượng lớn thực khách từ nhà hàng khi lên xe taxi đã có mùi rượu bia. “Trước đây, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn thấp nên nhiều người vẫn vô tư đi ô tô đến nhà hàng nhậu, sau đó tự lái xe về. Nhưng nay Nghị định 46 nâng mức phạt nồng độ cồn tối đa 16-18 triệu đồng, rồi lực lượng chức năng ra quân quyết liệt, nên nhiều người xác định đi nhậu là gọi taxi, xe “ôm” vừa an toàn, vừa rẻ hơn so với bị phạt”, anh Hải nói.

Sau 20 ngày ra quân tuần tra, xử lý các phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó tập trung xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã lập biên bản, xử phạt gần 300 trường hợp theo Nghị định 46/2016, trong đó 121 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 26 trường hợp vi phạm về tốc độ…, thu nộp Kho bạc nhà nước hơn 250 triệu đồng.

Đại úy Phạm Duy Thành nhìn nhận, sau khi các Tổ TTKS ra quân xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn theo mức phạt mới khoảng hai tuần thì lượng xe ô tô cá nhân tại các nhà hàng, quán nhậu giảm dần, thay vào đó, lượng xe taxi đỗ gần nhà hàng nhiều hơn. Như vậy, ý thức của người dân đã có thay đổi, họ chuyển sang đi taxi thay cho đi xe cá nhân. Một số người ngồi trên xe thì đã say nhưng người lái xe vẫn tỉnh táo do đã ý thức nên uống ít hơn.

“Điều đó cho thấy, mức phạt tăng cao nên người lái xe đã sợ hơn, chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn. Tuy trong quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Tài xế cố thủ trong xe làm kéo dài thời gian xử lý; Do uống rượu bia quá nhiều nên một số tài xế không làm chủ bản thân, có những lời nói không đúng mực đối với cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ, nhưng chúng tôi vẫn linh hoạt, cương quyết xử lý các vi phạm”, Đại úy Thành chia sẻ thêm.

Trần Lộc

  Từ khóa: xót tiền phạt , Ma men , Tài xế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP