Can Lộc

Hà Tĩnh: Nhà máy nước thành…bãi thả trâu

Trong khi hàng ngàn hộ dân ở xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng thì nhà máy nước sạch được xây dựng tại đây lại bị bỏ hoang và trở thành… bãi thả trâu.



“Đắp chiếu” công trình tiền tỷ

Dự án nhà máy nước sạch xã Thuận Lộc được triển khai xây dựng từ năm 2005, với tổng số vốn đầu tư ban đầu 2,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư. Công trình gồm 2 gói thầu, gói đầu mối và gói hệ thống ống dẫn nước sạch sinh hoạt. Gói đầu mối gồm trạm bơm, bể chứa, hệ thống xử lý nước, nhà điều hành… được đặt tại xóm 7, cạnh kênh 19/5. Theo thiết kế, khi công trình hoàn thành sẽ cung cấp đủ lượng nước sạch sinh hoạt cho hơn một ngàn hộ dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau khi công trình đầu mối xây dựng xong thì không hiểu sao lại “đắp chiếu”, mặc cho người dân dài cổ chờ nước sạch. Có mặt tại nhà máy nước xã Thuận Lộc, chúng tôi thấy hầu hết các hạng mục của công trình này đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đầu tiên, hệ thống tường rào có gắn các khung sắt bị hoen gỉ và bị lấy cắp gần hết. Bên trong, các công trình như nhà điều hành, bể chứa nước… đều chỏng chơ, hoang phế mặc cho rêu phong, cỏ dại mọc um tùm và trở thành bãi thả trâu bò của người dân.

Trạm bơm này vẫn chưa một lần hoạt độngChị Cao Thị Minh, nhà ngay trước cổng nhà máy nước, nói với giọng bức xúc: “Xã Thuận Lộc chúng tôi vốn là vùng đất chiêm trũng. Người dân xưa nay chỉ biết dùng nước giếng khơi chảy từ ruộng vào. Mấy năm trước thấy người ta về đây xây dựng nhà máy nước, bà con ai cũng mừng. Cứ tưởng sẽ có nước sạch để dùng, ai dè họ xây rồi bỏ đấy, rốt cuộc vẫn phải ăn uống cái thứ nước vàng khè, sặc mùi bùn chảy từ ruộng vào. Mà các chú hỏi chi cho thêm bực, bữa trước cũng có mấy người mang cả cái máy quay phim to đùng đến đây vừa quay vừa hỏi hết người nọ đến người kia nhưng vẫn chẳng thấy động tĩnh gì”. Còn ông Trần Văn Sửu, trú tại xã Thuận Lộc, khi được hỏi cũng không giấu nổi vẻ bức xúc: “Các chú xem, bỏ ra biết bao tiền của để xây nhà máy cho dân dùng nước sạch, cuối cùng chỉ để làm bãi thả trâu bò. Dân bức xúc, đi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời “Nguồn nước bị ô nhiễm nên không sử dụng được”, thật vô trách nhiệm”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Qua tìm hiểu tại Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Hồng Lĩnh, được biết, trước khi triển khai xây dựng công trình, phía chủ đầu tư đã tiến hành lấy mẫu nước tại kênh 19/5 để kiểm định và có kết luận không bị ô nhiễm. Đây là nguồn nước được bơm từ sông La, có thể cung cấp đủ cho nhà máy hoạt động. Điều đáng nói, riêng các hạng mục của công trình đầu mối, mặc dù không đưa vào sử dụng, chưa nghiệm thu bàn giao nhưng phía chủ đầu tư vẫn “hào phóng” thanh toán gần 1,2 tỷ đồng cho đơn vị thi công. Điều đó dẫn đến, chẳng ai biết công trình xây dựng như thế nào, chất lượng ra sao. Và chẳng nghiệm thu bàn giao thì cũng không ai có trách nhiệm bảo vệ, nên việc hư hỏng là điều đương nhiên.

Giải thích về nguyên nhân vì sao nhà máy nước sạch Thuận Lộc không đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Văn Quế, Trưởng Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: “Trong quá trình xây dựng nhà máy, qua phản ánh của người dân, chúng tôi phát hiện ra nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Trước tình hình đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã báo cáo UBND tỉnh và xin ngừng thi công. Biết là có thiệt hại về kinh tế, nhưng nếu cứ cố làm cho xong, đến khi đưa vào sử dụng không được thì mức độ thiệt hại càng nặng nề hơn”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cho xem kết quả mẫu xét nghiệm nước tại thời điểm có quyết định dừng thi công công trình thì ông Quế thừa nhận là không có mà chỉ nói rằng, cơ sở để khẳng định nguồn nước bị ô nhiễm là… nhìn bằng mắt!?.

Hiện, nhiều ý kiến của cử tri xã Thuận Lộc đều cho rằng, việc lấy cớ nguồn nước bị ô nhiễm để không đưa nhà máy nước sạch vào sử dụng là không thuyết phục và chắc chắn đằng sau đó còn rất nhiều khuất tất. Hy vọng các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh sớm vào cuộc làm rõ để có câu trả lời thoả đáng.

Trung Thông

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc cho biết: “Đây là công trình do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư nên việc có đưa vào sử dụng hay không chúng tôi không có quyền quyết định. Với tư cách là đơn vị hưởng lợi, chúng tôi chỉ được thông báo rằng, nguyên nhân nhà máy nước sạch không thể đưa vào sử dụng là do nguồn nước bị ô nhiễm. Còn ô nhiễm mức độ như thế nào, ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại kinh tế trong quá trình đầu tư thì cần phải có các cơ quan chức năng làm rõ”.

ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP