Du lịch

GÓC NHÌN ĐA CHIỀU : Oan cho Mã Pí Lèng quá!

Người ta mê đồ gỗ, khoái thịt thú rừng, chê bai ngành du lịch nhưng cũng sẵn sàng "nói chuyện đạo đức" với thiên nhiên!

Kể cũng lạ, khối bê tông trên con đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) tự dưng nổi sóng nổi gió râm ran ngót một tuần trời. Tại vì xây dựng vô phép hay là nó như nhát cưa xẻ vào tự nhiên?

Nếu nó là công trình mọc lên vô phép tắc luật lệ thì thiết nghĩ truyền thông không cần mất quá nhiều thời gian bàn tán đến thế, chỉ cần đặt một câu hỏi cho tỉnh Hà Giang là đủ. Bởi ngoài kia biết bao nhiêu thứ “vô phép” mang tầm vóc quốc gia đại sự còn nghiêm trọng hơn, cần kíp hơn.

Nhưng nếu nói, công trình này phá hoại cảnh quan tự nhiên thì có lẽ tất cả hơi vội vàng kết luận. Hẳn nhiên, ai cũng thấy Mã Pí Lèng đẹp hoang sơ điền dã, nhưng từ Bắc chí Nam đẹp như Mã Pí Lèng, thậm chí đẹp xuất sắc hơn không hề hiếm.

Nhưng đẹp mà không sinh ra tiền phỏng có nghĩa lý gì? Ngắm cái đẹp đó có hết đói hết khổ không? Đó mới là câu chuyện cần thảo luận chứ không phải đến lúc phát động chĩa mũi dùi vào khối khách sạn lưng chừng ấy.

Rằng, đẹp đến mấy, hoành tráng đến mấy mà đến chơi xong hít không khí ra về thì quả thực hơi khó nghĩ, và không một quốc gia nào khai thác danh lam của mình như thế.


Nếu người ta sợ động vào Hoàng Liên Sơn, Phanxipang, miễn cáp treo, leo núi chinh phục thì liệu có mấy ai tìm đến, hoặc người Pháp không xẻ núi bạt rừng, xây biệt thự thì Bà Nà liệu có một nền móng để lên “tiên cảnh” như hôm nay?

Trong khi đó ngành du lịch Việt Nam luôn đặt mục tiêu “sánh ngang”, “đuổi kịp” không khai thác tự nhiên thì lấy đâu ra chất liệu cho du lịch?

Còn nếu cho rằng, khách sạn Panorama phá hoại môi trường thì cần phải có đánh giá tác động môi trường, cảnh quan, bằng số liệu định lượng cụ thể chứ không phải bất cứ tác động nào vào thiên nhiên đều quy ra bằng tội trạng xâm hại. Như thế là nhìn gà hóa cuốc.

Kính thưa! Lâm tặc ngày đêm phá rừng lấy gỗ, đục núi đào vàng, cát tặc moi móc lòng sông…sao không thấy có một chiến dịch “đả hổ”? Panorama đã là gì so với rừng đại ngàn Tây Nguyên, Miền Trung dần dà mất biến, hàng chục con sông, đồng bằng quằn quại kêu cứu?

Kể cũng lạ, người ta có thể vỗ đùi đen đét khi cắn miếng thịt thú rừng dai ngọt, mê đắm với sơn hào hải vị, sừng tê, ngà voi, cao hổ…cường sinh lực. Những thứ đó còn tàn phá thiên nhiên gấp vạn lần cái Panorama đấy!

Đây không còn là câu chuyện của cái khách sạn cheo leo kia mà là thái độ nhất quyết của ngành chức năng đối với sự phát triển trong bối cảnh bảo tồn cũng rất quan trọng.

Vâng, có sự phát triển nào mà không đánh đổi? Có cái trở mình nào không đầy đau đớn? Nếu không tin, quý vị hãy bỏ chút thời gian leo đèo Hải Vân sẽ thấy bao nhiêu ngôi nhà, quán sá, điểm dừng chân cắm vào sườn núi…có khác gì Panorama, rồi Đà Lạt, Sapa sừng sững ra đấy?

Trình độ phát triển của mỗi quốc gia trước tiên được đo bằng khả năng cải tạo tự nhiên, chinh phục thiên nhiên, đạt đến mức độ nào đó thì khả năng bảo tồn lại là mục tiêu hướng đến.

Người Hà Lan lấn biển làm đất liền, người Nhật xây cả sân bay trên mặt biển, người Mỹ phá núi, khoét lòng đất để sản xuất dầu đá phiến…như thế là phá hoại tự nhiên?

Có nước nào không sử dụng tự nhiên để làm động lực phát triển? Nhưng vấn đề ở chổ, chúng ta sử dụng đồng tiền thu được như thế nào mà thôi. Thiết nghĩ đó là cái đáng quan tâm nhất.

Tác giả: Trương Khắc Trà

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP