Nhân ái

Cuộc đời khổ đau của anh "Lưu gù"

Nhiều năm qua, trong căn nhà nhỏ, cũ kỹ ở cuối làng chỉ có nỗi buồn và nước mắt. Bởi ba phận người sinh sống trong căn nhà ấy có hoàn cảnh rất khó khăn. Đứa con dù bị còng lưng, đi lại khó khăn nhưng vẫn hết lòng chăm sóc bố mẹ già, bán thân bất toại nằm một chỗ.

Trưa muộn, nhưng anh Bùi Lưu (SN 1976, trú xóm 3, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chưa được ăn cơm. Việc lo vệ sinh, đút cơm cho bố mẹ bán thân bất toại khiến anh xoay như chong chóng. Do vậy, hôm nào giờ cơm trưa của anh cũng đến vào đầu giờ chiều.

Bưng bát cơm trắng, anh tâm sự, tôi là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em. Hiện, mọi người đã lập gia đình và mỗi người ở một phương trời. Duy chỉ còn tôi vì bệnh tật nên vẫn sống chung với bố mẹ.

Trước đây, anh Lưu hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Nhưng trận ốm vì bệnh thấp khớp năm 10 tuổi đã khiến lưng anh bị gù, sức khỏe yếu. Từ một thiếu niên khỏe mạnh, anh Lưu trở thành người lưng gù, đi lom khom. Cũng vì thế mà người dân nơi đây thường gọi anh với cái tên “Lưu gù”.

Bệnh tật nhưng hàng ngày anh Lưu luôn túc trực ở bên bố mẹ.

Bệnh tật đã lấy đi tất cả của anh, từ học hành, công việc cho đến khao khát mái ấm riêng. Đã từng có thời gian chàng trai ấy tuyệt vọng, chán nản, nhưng rồi bố mẹ đã tiếp thêm động lực cho anh. Nhờ đó, suy nghĩ của anh bắt đầu thay đổi theo hướng lạc quan hơn. “Tôi nghĩ phải sống vui vẻ để phụng dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành của bố mẹ”, anh Lưu tâm sự.

Nhưng rồi, bệnh tật đã khiến cuộc sống gia đình anh tiếp tục lao đao. Đó là vào năm 2013. Năm ấy, bố anh, ông Bùi Vì (SN 1930) bị đột quỵ, ngã xuống nhà rồi liệt giường từ đó. Anh tâm sự, bố vốn có tiền sử huyết áp cao từ lâu nên sức khỏe yếu. Dù vậy, chưa bao giờ anh nghĩ bố mình lại rơi vào tình trạng bế tắc như vậy.

Anh chăm sóc bố mẹ từng ly từng tí.

Thế là từ đó đến nay, một nửa người bên trái của ông Vì hoàn toàn không cử động được. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh đều quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ. Mỗi lúc ông đi vệ sinh, phải nhờ đến sự trợ giúp của anh Lưu. Ngặt nỗi, sức khỏe yếu nên nhiều khi anh Lưu không trụ được bố mình khiến cả hai ngã nhào xuống đất.

Khi mọi khó khăn đang chồng chất thì mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tuấn (SN 1945) cũng bất ngờ đổ trọng bệnh. Chứng tai biến khiến bà đổ gục, không thể gượng dậy. Dù con cháu cố gắng đưa bà đến bệnh viện nhưng vẫn không thể cứu chữa. Cuối cùng, họ đành đưa bà Tuấn về trong gian nhà lụp sụp, chấp nhận sống chung với bệnh tật.

Căn nhà đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng của gia đình ông Bùi Vì, nếu một cơn mưa to gió lớn cũng có thể gây sập nhà là điều có thể xảy ra.

Anh mắc bệnh tật khá nặng nhưng phải gồng gánh chăm sóc cha mẹ đau ốm thường xuyên.

Suốt nhiều năm qua, một tay anh Lưu chăm sóc bố mẹ liệt giường, tai biến. Bản thân anh đau ốm càng khiến việc chăm nom vất vả hơn. Để thuận tiện cho việc trông chừng cả bố lẫn mẹ, anh đặt chiếc giường mình nằm ở giữa nhà. Hễ khi nào nghe tiếng động bên nào là anh vội chạy đến thăm non, hỏi thăm bố hoặc mẹ. “Có đêm, ông bà đau nhức hoặc muốn đi vệ sinh cùng một lúc. Khi đó, tôi phải nhanh chân bế người này đi giải quyết để tiếp tục phục vụ người khác”, anh chia sẻ.

Đó là chưa kể những lúc ông Vì lên cơn co giật, rồi ngã đùng ra giữa nhà. “Những lúc như thế, tôi chỉ biết bế bố lên giường, xoa bóp rồi mời thầy thuốc về. Chỉ mới cách đây mấy ngày, bố co giật, đập đầu xuống cột nhà hiện vẫn còn đó vết sẹo”, vừa nói anh Lưu vừa chỉ vào vết thương trên người bố mình.

Suốt nhiều năm qua, anh Lưu cùng một lúc chăm sóc bố mẹ bất toại.

Không có đủ sức khỏe nên hiện nay nguồn sống duy nhất của gia đình này là khoản trợ cấp ít ỏi của nhà nước.

Không có đủ sức khỏe nên hiện nay nguồn sống duy nhất của gia đình này là khoản trợ cấp ít ỏi của nhà nước. Anh bảo, với số tiền ấy một phần để lo ăn uống, phần còn lại mua thuốc men cho cả gia đình. “Nhiều hôm, bố mẹ co giật đột xuất, tôi phải nhờ hàng xóm bế lên bệnh viện cấp cứu. Khổ nhất là vào ban đêm, tôi cũng phải lọ mọ nhờ người ứng cứu”, anh nói.

Giờ đây, tài sản duy nhất của gia đình này là mấy con gà mà anh Lưu nuôi từ đợt trước tết. Anh chia sẻ: “Dù rất muốn phát triển chăn nuôi để có tiền chữa bệnh, thuốc thang cho bố mẹ, nhưng tôi đành chịu vì không có vốn. Mấy con gà này là của bà con hàng xóm thương tình cho tôi. Tôi định bụng nuôi nó lớn lên để tẩm bổ cho bố mẹ và bán mua thuốc men”, anh Lưu chia sẻ.

Nghèo đói, túng thiếu nên căn nhà của họ hiện nay đã xập xệ nhưng không có khả năng tu sửa. Ngước nhìn mái ngói cũ nát, anh tâm sự: “Giờ tôi chỉ mong sửa được gian nhà cho bố mẹ yên tâm nằm nghĩ. Chứ cứ nghĩ đến cảnh trời mưa, nước dột, phải bế bố mẹ đi cứ trú tôi không đành lòng”.

Giấy xác nhận hộ nghèo của gia đình ông Bùi Vì.

Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của chính quyền xã Quỳnh Thanh với gia đình ông Vì.

Hoàn cảnh của gia đình anh khiến bà con nơi đây rất xót xa. Ông Nguyễn Bá Hà, trưởng xóm 3 cho biết: “Gia cảnh gia đình ông Vì thì khổ hết nói. Hai ông bà bị tai biến, bất toại nằm một chỗ chỉ biết trông chờ vào đứa con lưng gù. Bản thân anh Lưu sức khỏe yếu nên không làm được gì. Hàng ngày anh chỉ quanh quẩn trong nhà lo thuốc thang, cơm nước cho bố mẹ. Bà con biết rõ hoàn cảnh nhưng vì không có điều kiện nên cũng không giúp đỡ được gì nhiều, chủ yếu là động viên tinh thần.

Ông Trần Văn Trung - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh xác nhận: “Hoàn cảnh gia đình ông Bùi Vì rất khó khăn. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Cả ba nhân khẩu trong gia đình ấy đều bị trọng bệnh nên rất cần sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng. Anh em họ hàng, con cái đều ở xa cả nên gia đình ông Vì khó khăn lắm”.

Chia tay gia đình anh Lưu, chúng tôi ai nấy cũng như rơi nước mắt, và chỉ cầu mong điều ước đơn giản của anh sẽ trở thành hiện thực.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2874: Anh Bùi Lưu, trú xóm 3, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

SĐT: 0963.784.907 - anh Lưu.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP