Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ lãi suất tiếp sức cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Chính quyền đồng hành

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh đánh giá trên toàn quốc không có nhiều địa phương ban hành được chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho DN một cách có chiến lược và bền bỉ như Hà Tĩnh. Chính sách ra đời trong giai đoạn hoạt động đầy thử thách đã trở thành nguồn lực lớn về cả vật chất lẫn tinh thần cho nhiều DN vượt khó đi lên.

Những năm 2010 – 2011, tác động của lạm phát kinh tế đã đưa lãi suất cho vay của ngân hàng lên đến đỉnh 17-18%/năm. Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, DN Hà Tĩnh đối mặt với những thách thức lớn. Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong ban hành chính sách HTLS cho các DN vay vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và một số lĩnh vực khác, nhằm thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển.

Chính sách hỗ trợ lãi suất tiếp sức cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự thăm Nhà máy bia Sài Gòn – Hà Tĩnh

Từ quy mô ban đầu là hỗ trợ 4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, đến cuối năm 2012, nhận định tình hình khó khăn kéo dài, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tăng lên 1 năm. Năm 2014, sau khi soát xét kết quả đạt được và căn cứ yêu cầu thực tiễn, UBND tỉnh đã có sự điều chỉnh theo hướng nới rộng về mức hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ bằng Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 17/2/2014.

Theo đó, các DN giải quyết việc làm cho số đông lao động sẽ được hạ chuẩn cho vay (đơn vị có từ 200 lao động trở lên được đóng BHXH sẽ được vay vốn HTLS thay vì 300 lao động như trước đây). Đặc biệt, UBND tỉnh quyết định tăng số tiền HTLS cho các khoản vay trung và dài hạn lên 5%/năm (các khoản vay ngắn hạn vẫn giữ mức hỗ trợ 4%/năm).

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh (NHNN) Nguyễn Huy Tiến, chính sách HTLS được tỉnh giao cho NHNN theo dõi, đánh giá, báo cáo thường xuyên để có sự điều chỉnh phù hợp, vì vậy đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực mới cho nhiều DN. Năm 2014, sau khi mức hỗ trợ được nâng lên, đối tượng hưởng lợi mở rộng và thủ tục thanh toán đơn giản, doanh số cho vay HTLS ở các tổ chức tín dụng có bước tăng trưởng vượt bậc. Từ đầu năm đến cuối tháng 8/2014, doanh số cho vay HTLS tăng hơn 2 lần (đạt 1.336 tỷ đồng), số lãi hỗ trợ cho khách hàng trên 14,4 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tiến, chính sách HTLS sau hơn 3 năm thực hiện đã bám sát mục tiêu hướng tới các nhóm lĩnh vực kinh tế được ưu tiên, các đơn vị mang lại lợi ích cho số đông người lao động. Thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh cho thấy, từ cuối tháng 1/2013 đến cuối tháng 8/2014, trong số 43 khách hàng được HTLS theo các quyết định 03, 07 của UBND tỉnh, có 37 DN, HTX thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và 6 đơn vị sử dụng thường xuyên nhiều lao động.

Doanh nghiệp được tiếp sức

Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và có số lao động lớn, là một trong những DN được hưởng lợi khá lớn từ chính sách trong 3 năm nay. Năm 2012, công ty vay gần 16 tỷ đồng; năm 2013, vay 43 tỷ đồng và năm 2014 là 89 tỷ đồng vốn HTLS. Với số tiền vay lớn, việc giảm lãi suất 4%/năm đã giúp DN tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phí. Sự tiếp sức này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh công ty đối mặt với giá cao su thành phẩm giảm mạnh và thị trường xuất khẩu mủ nhỏ hẹp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chính sách hỗ trợ lãi suất tiếp sức cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Từ năm 2013 đến nay, Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đã được Vietcombank Hà Tĩnh giải ngân trên 105 tỷ đồng, với số tiền lãi được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Bá Tân

Trong số các DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn HTLS theo chính sách của UBND tỉnh, có 2 đơn vị xuất khẩu thủy sản là: Công ty CP Xuất khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh và Công ty Xuất khẩu Thủy sản Hà Tĩnh. 2 DN này đã được Vietcombank Hà Tĩnh tiếp sức bằng nguồn vốn HTLS 4%/năm cho các khoản vay từ năm 2012-2014, với dư nợ hàng trăm triệu đồng/đơn vị. Số tiền lãi được hỗ trợ đã tạo thêm nguồn lực để các đơn vị này vượt qua khó khăn khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh – Trần Đình Nam cho biết: Từ năm 2011, Công ty CP Xuất khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh liên tục được tiếp cận với chính sách HTLS 4%/năm của tỉnh. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, doanh số vay vốn HTLS của công ty đã đạt trên 105 tỷ đồng với số tiền lãi được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Chính sách HTLS cũng đã trở thành điểm tựa quan trọng cho những DN lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Tổng Công ty KS&TM (Mitraco). Từ đầu năm 2013 đến nay, chưa tính các công ty con, riêng Tổng Công ty đã được vay hơn 275 tỷ đồng vốn HTLS, với số lãi được hỗ trợ gần 4 tỷ đồng để đẩy mạnh các lĩnh vực SXKD, triển khai nhiều dự án mới.

Theo Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng, những năm gần đây, Tổng Công ty được tỉnh giao trọng trách chủ công trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn với những dự án lớn, đòi hỏi số vốn hàng trăm tỷ đồng. Những bước đi chiến lược trên mặt trận SXKD nông nghiệp, nông thôn của DN đã nhận được sự đồng hành, tiếp sức quan trọng của nguồn vốn HTLS.

Điều mà DN ghi nhận và trân trọng đối với chính sách HTLS cho các tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng trên địa bàn không chỉ là số tiền hỗ trợ hết sức cần thiết trong giai đoạn khó khăn mà còn là thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của chính quyền với DN và tạo môi trường hoạt động thuận lợi, bền vững cho DN. Chính sách này đang tiếp tục được thực hiện với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh; sự vào cuộc ngày càng hiệu quả của ngành Ngân hàng, các đơn vị liên quan và sự tiếp cận chủ động, thuận lợi hơn của DN tỉnh nhà.

Mai Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP