Mới đây, Facebook của Hệ thống giáo dục Hocmai đăng tải đoạn clip kéo dài hơn 7 phút, ghi lại một phần tiết học đạo đức về đạo hiếu, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái.
Nói với Người Đưa Tin, đại diện Hệ thống giáo dục này cho biết, đây là tiết học của cô giáo Đàm Lê Đức tại trường THCS-THPT Đức Trí, TP.Hồ Chí Minh cách đây đã hơn 10 năm, được ghi lại phát hành miễn phí dưới sự đồng ý của cô giáo Đàm Lê Đức.
Bằng giọng nói ấm áp và hào sảng, cô giáo già mở đầu bài giảng với câu chuyện gần gũi về công lao dạy dỗ của cha mẹ: “Trong suốt hành trình của cuộc đời, cha mẹ luôn là người thầy đầu tiên dạy cho con từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành và cho đến ngày nào người còn tại thế… Người đã đem hết sở học của mình, hết kinh nghiệm của mình để dạy các con với tất cả tình thương bao la, với nỗ lực triền miên…”.
Clip thu hút được sự quan tâm của nhiều người. |
Tiếp đó, cô giáo vào đề ngay bằng một câu: “Thế cô hỏi các con có thấy cha mẹ là người thầy đầu tiên, trọn đời và toàn diện của tất cả chúng ta không?”. Cả lớp đồng thanh: “Đúng ạ!”.
“Vậy cô hỏi các con, trong ngày 20/11 đã người nào ở trong lớp của chúng ta biết một bông hoa để tặng cho những người thầy đầu tiên của chúng ta là cha mẹ chưa”. Bên dưới lớp, vài tiếng “không ạ” vang lên.
Cô giáo lại tiếp tục bài giảng của mình: “Mẹ cô thường nói với cô rằng: Con ơi người ta thèm lòng chứ không thèm thịt… Nhưng mà, hình như bây giờ bày tỏ tấm lòng rằng con yêu mẹ quá, con yêu cha quá thì nghe chừng nó hơi sáo rỗng. Coi như mình lớn rồi mà, thì nói câu đó khó lắm phải không các con. Con cũng chẳng cần phải một bông hoa đâu, có khi bằng một cử chỉ nào đó, âu yếm mà tặng ba mẹ thôi”.
Cả lớp lặng thinh. Giọng cô giáo sang sảng: “Các con làm cô nhớ đến câu chuyện của nhà giáo Văn Như Cương đã hơn 60 tuổi nhưng Tết năm nào về nhà ông cũng cõng mẹ đi chơi, đi chúc Tết từng nhà. Chỉ đọc đến đó cũng khiến cô rơi nước mắt vì lòng hiếu thảo…”.
Bằng những câu chuyện cảm động, cô giáo giúp học sinh thấm thía rằng yêu thương cha mẹ không bằng tiền tài hay danh vọng, có đôi khi, một lời nói ấm áp cũng đủ làm cuộc đời cha mẹ trở nên ý nghĩa.
Mặc dù bài giảng được ghi lại cách đây 10 năm với chất lượng âm thanh khá kém nhưng khi được chia sẻ lại, bài giảng vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Bài giảng đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem, hàng nghìn người đã để lại bình luận bày tỏ cảm xúc của mình sau khi xem lại đoạn video về bài học thấm thía mà cô Đức giảng dạy. Điều bất ngờ hơn nữa, dù đã đăng tải từ ngày 18/11/2017 nhưng sau hơn một tháng, số lượt xem và lượt tương tác vẫn tăng theo từng giờ.
Bạn Phạm Thu Thảo bày tỏ: “Đã có nhiều lúc giữa cuộc sống bon chen, nhưng người trẻ như chúng con vì lý do gì đấy mà ít nhớ về ơn sinh thành, trong xã hội hiện đại bây giờ bài giảng của cô không chỉ có ý nghĩa dành cho thế hệ trẻ mà thậm chí cả những người đã trưởng thành. Mong sao bài học này đến được với những người con chưa hiểu để không khỏi ân hận khi không còn ba mẹ trên đời”.
Bạn Thu Tuyết nói: “Bài học đã rất lâu mà càng nghe càng thấm, càng ngẫm càng thấy nhân văn”.
Chứng tỏ rằng, nếu biết cách truyền đạt, những bài học đạo đức sẽ lan toả, góp phần không nhỏ trong việc định hướng suy nghĩ, nhân cách của giới trẻ, thế hệ đang bị chi phối bởi rất nhiều những cám dỗ trong cuộc sống. Bên cạnh những MV ca nhạc triệu view thu hút giới trẻ, vẫn có những bài học giản dị đang truyền đi những thông điệp đầy nhân văn.
Mới đây, cô Đàm Lê Đức bước sang tuổi 88. |
Cô giáo Đàm Lê Đức trước đây giảng dạy tại khoa Toán thống kê, đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, cô vẫn miệt mài trên bục giảng, chỉ khác là cô không dạy về Toán mà dạy về đạo đức ở hai trường: Cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS - THPT Đức Trí, TP.Hồ Chí Minh.
Trao đổi với PV, cô Đàm Lê Đức cho biết, rất nhiều người coi môn Đạo đức và Giáo dục công dân chỉ là môn phụ nhưng với cô, ngoài học chữ quan trọng nhất là phải học làm người. Những bài giảng của cô không quá cầu kỳ, không mang tính giáo huấn, khuyên răn mà là những câu chuyện, những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống.
Được biết, cô Đàm Lê Đức đã bước sang tuổi 88. Dù đã cao tuổi nhưng cô cho biết, cô sẽ đứng lớp giảng dạy về đức dục và trí dục đến phút chót cuộc đời, vì "được giảng bài khiến tôi vô cùng thích thú".
Tác giả: Công Luân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin