Tin Hà Tĩnh

Xử lý sai phạm trong thu hồi đất hương hỏa theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” ở Hà Tĩnh

Kế thừa mảnh đất hương hỏa của cha ông gây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước, thế nhưng nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Sửu (sinh 1947, trú tại thôn 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt còn bị chính quyền địa phương tiến hành thu hồi để làm dự án thương mại mà không được hỗ trợ, bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mảnh đất hương hỏa do cha ông để lại nhưng bị coi là sử dụng “bất hợp pháp”.

Mất đất vì “cho” nhà nước mượn

Theo đơn thư khiếu nại của bà Nguyễn Thị Sửu (vợ ông Nguyễn Xuân Quy) và qua các thông tin, hồ sơ tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì vào khoảng năm 1910, ông Nguyễn Dượng đã khai hoang được hơn 1000m2 đất nông nghiệp tại Cồn Đình (Rú Đình) thuộc địa bàn xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1950, được cha cho đất, ông Nguyễn Sâm (con trai ông Dượng - PV) đã xây dựng ngôi nhà gỗ 5 gian để sinh sống và canh tác trên toàn bộ diện tích đất mà ông Dượng để lại. Đến năm 1965, do giặc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt, gia đình ông Nguyễn Sâm phải sơ tán về ở nhà cha mẹ. Sau đó ông Sâm lâm bệnh nặng rồi qua đời năm 1972.

Từ 1968 đến 1979, ông Nguyễn Xuân Quy (con trai ông Sâm - PV) cùng 03 người anh em trong gia đình lần lượt lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại các mặt trận phía Bắc, phía Nam và đất bạn Lào nên không có người trông coi phần đất hương hỏa của gia đình.

Cũng trong thời gian này, khi 04 người con trai của ông Sâm đang xả thân ngoài chiến trường để bảo vệ Tổ quốc thì chính quyền xã Đức Bồng đã cho Công ty Thương nghiệp Đức Thọ mượn khoảng 9.500m2 đất, trong đó có hơn 500m2 đất do ông Dượng khai hoang để lại. Điều này đã được hai đời chủ tịch xã Đức Bồng là ông Trần Ngọc Hiệp (1965-1972) và ông Trần Huy Liệu (1972-1980) ký xác nhận.

Đến năm 1991, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trên đất bạn Lào, ông Quy tìm về mảnh đất hương hỏa để làm ăn sinh sống. Lúc này Công ty Thương nghiệp Đức Thọ đang chiếm đóng trên một nửa diện tích của gia đình. Từ đó đến nay, đã nhiều lần vợ chồng bà Sửu đến chính quyền địa phương để xin lại một phần mảnh đất này nhưng không được giải quyết.

Nguồn gốc của thửa đất nói trên được những người cao tuổi sống trên địa bàn xác nhận do chiến tranh mà gia đình ông Quy phải sơ tán. Hơn nữa, có giấy chứng nhận thuê ki-ốt của một số hộ tiểu thương từ những năm 1992 đến nay. Ngay cả cán bộ UBND xã Đức Bồng hiện tại cũng xác nhận là đất hương hỏa do tổ tiên của ông Quy để lại.

Đất bị thu hồi để cấp cho người khác

Mặc dù không có quyết định thu hồi đất đối với thửa đất hương hỏa do tổ tiên của ông Quy để lại, nhưng năm 1992, UBND huyện Đức Thọ đã quyết định giao 300m2 đất cho Công ty Thương nghiệp quản lý do nguyên chủ tịch UBND xã Đức Bồng lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Truyền ký.

Năm 2004, chính quyền xã Đức Bồng và huyện Vũ Quang tiếp tục cắt một phần đất trong diện tích 1000m2 của gia đình ông Quy rồi phân thành 03 lô đất để bán đấu giá.

Một điều bất thường là ngày 12/10/2006, Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Nguyễn Ngọc Truyền - Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã những năm 1990) khởi kiện đòi lấy 300m2 đất mà gia đình ông Quy đang ở, thông qua Quyết định cấp đất số 33/QĐ-UB ngày 23/1/1992 do ông Lê Nhung, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ ký trước đó. Tuy nhiên, ngày 29/3/2007, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa phúc thẩm và xét xử đình chỉ vụ kiện tranh chấp của bà Nguyễn Thị Hạnh vì không có cơ sở.

Ngày 19/12/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 4035/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát xây dựng chợ Bộng do Hợp tác xã Môi trường và Thương mại tổng hợp Đức Bồng thuê 49 năm.

Năm 2015, sau khi ông Quy qua đời, bà Sửu tiếp tục sử dụng mảnh đất nói trên vào mục đích kinh doanh, tuy nhiên, chính quyền xã, huyện cho rằng gia đình bà đang sử dụng đất bất hợp pháp.

Đến tháng 3/2016, UBND huyện Vũ Quang có thông báo yêu cầu gia đình bà Sửu phải tháo dỡ lều quán và trả lại mặt bằng xây dựng mà không có bồi thường hay hỗ trợ tái định cư.

Công văn 281 của UBND huyện Vũ Quang yêu cầu gia đình bà Sửu phải tháo dỡ lều quán và trả lại mặt bằng xây dựng trước ngày 16/5/2016.

Nhận được thông tin khiếu nại, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) đã có Văn bản số 1195/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ ngày 07/07/2016 đề nghị UBND huyện Vũ Quang giải quyết, xử lý dứt điểm đơn của bà Sửu và báo cáo về Tổng cục trước ngày 15/08/2016.

Sau đó, ngày 23/01/2017, Thanh tra Bộ TN&MT cũng có Văn bản số 50/TTrTDXLĐT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị giải quyết nội dung đơn thư bà Sửu phản ánh. Đồng thời, UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm báo cáo kết quả giải quyết về Bộ TN&MT.

Chính quyền huyện Vũ Quang làm trái quy định của pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định: “Việc UBND huyện Vũ Quang thu hồi đất của gia đình bà Sửu mà không có bồi thường, hỗ trợ là trái quy định của pháp luật đất đai hiện hành”.

Để khẳng định nội dung vụ việc, Luật sư Hùng đưa ra các căn cứ pháp lý như sau: “Việc gia đình ông Quy bà Sửu sử dụng đất nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đảm bảo về mặt pháp lý và có thể ảnh hưởng đến một số quyền lợi liên quan đến đất đai sau này của gia đình”.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Luật đất đai 2013: “Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sửu đang sử dụng đất nhưng không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì gia đình bà Sửu cũng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Ngoài ra, việc sử dụng đất ổn định được quy định tại Điều 21, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định này như sau: “Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

“Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2, Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất”, ông Hùng nói thêm.

Căn cứ vào nội dung sự việc, Luật sư Hùng nhấn mạnh: “Gia đình bà Nguyễn Thị Sửu có đầy đủ cơ sở pháp lý để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Còn về phía UBND huyện Vũ Quang thu hồi đất của gia đình bà Sửu mà không có bồi thường, hỗ trợ là trái quy định của pháp luật đất đai hiện hành”.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.

Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP