Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: TAND thành phố càng sửa càng sai bản án

Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Tĩnh sau gần 3 năm thụ lý hồ sơ vụ án dân sự “đòi tài sản thừa kế” đối với thửa đất tại khối 4 phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh đã tuyên án theo “luật riêng” mà “phớt lờ” các chứng cứ pháp lý đã được lập, đẩy những người con là bị đơn trong phiên tòa trở nên bất hiếu, bất nghĩa.

Sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng loạt bài liên quan đến “hàng loạt sai phạm” trong bản án của TAND TP Hà Tĩnh thì ngày 28/6/2018, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS về kháng nghị phúc phẩm đối với Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh. Trong đó, nêu rõ nhiều vấn đề trong Bản án số 01/2018/DS-TS không đúng với Bộ luật dân sự 2015 và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Trích lục Bản án dân sự số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh.

Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS ngày 28/6/2018 của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh về kháng nghị phúc phẩm đối với Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh.

TAND TP Hà Tĩnh sử dụng “luật riêng” càng sửa càng sai

Theo Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh thì “Việc chia thửa đất nói trên là chưa giải quyết đầy đủ yêu cầu của các đương sự, vi phạm Khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự”.

“Việc tính công sức quản lý, tôn tạo tài sản đối với thửa đất nói trên là không phù hợp với thực tế công sức đóng góp của các đương sự” (trích Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS).

“Đất chưa được UBND TP Hà Tĩnh cấp GCNQSDĐ nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn quyết định giao cho các đương sự được quyền quản lý và sử dụng mà không tạm giao là không đúng với Khoản 2 Điều 59 Luật đất đai năm 2013; Điểm b tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần I Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 3/01/2002 hướng dẫn thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất” (trích Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS).

“Tại phần quyết định Toà án cấp sơ thẩm vẫn buộc bà Đặng Thị Hương phải trả lại cho anh Trương Vũ Anh số tiền 350.000.000 đồng là không tôn trọng quyền tự định đoạt của anh Trương Vũ Anh và chị Trần Thị Huyền Thương, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Đặng Thị Hương, vi phạm Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015” (trích Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS).

Điều đáng nói là sau khi Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh được ban hành thì đến ngày 08/6/2018 TAND TP Hà Tĩnh đã có Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 01. Tuy nhiên, việc TAND TP Hà Tĩnh sau khi sửa chữa, bổ sung thì bản án càng trở nên “méo mó” đến cả nguyên đơn cũng không chấp nhận được mà lập tức viết đơn kháng cáo.

Những chứng cứ pháp lý bị TAND TP dùng “luật riêng” bác bỏ

Việc TAND TP Hà Tĩnh không công nhận “Bản giao quyền sử dụng đất” được lập ngày 05/8/2011 là hợp pháp vi phạm Điều 4 của Bộ luật dân sự năm 2005; TAND TP Hà Tĩnh không tiến hành trưng cầu giám định sức khoẻ cho cụ Đặng Kim Thư theo yêu cầu của bị đơn, vi phạm Khoản 7 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Được biết, trong quá trình xét xử, mảnh đất tại thị trấn Cẩm Xuyên là tài sản chung của ông Đặng Kim Thư và bà Nguyễn Thị Lương nhưng TAND TP Hà Tĩnh đã không đưa tài sản này vào chia di sản thừa kế là bỏ sót đối tượng chia di sản thừa kế, đồng thời không đưa UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND thị trấn Cẩm Xuyên vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi liên quan là vi phạm Khoản 4 Điều 68 và Điều 73 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tại Bản án sơ thẩm (trang 16) phần “Nhận định” của Bản án xác định nguyên đơn không yêu cầu chia thừa kế đối với tài sản này nên xác định không chấp nhận yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan. Tuy nhiên, phần “Quyết định” của bản án, Hội đồng xét xử không tuyên bố không chấp nhận yêu của của Bà Thanh, bà Hương, bà Thảo như đã nhận định trong bản án, trong khi tại biên bản nghị án Hội đồng xét xử lại đưa vào phần nghị án là mâu thuẫn giữa biên bản nghị án và bản án, đồng thời chưa giải quyết đầy đủ yêu cầu của các đương sự.

Mặt khác, tại các bản khai bà Thanh, bà Hương, bà Thảo đều cho rằng diện tích 564,3m2 thửa số 767, tờ bản đồ số 1, tại khối 4 phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh có một phần khoảng 190m2 nằm trong chỉ giới mở đường nên quá trình được bố mẹ cho đất làm nhà các bà chưa làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Trên cơ sở lời khai này, cấp sơ thẩm cũng không tiến hành làm việc với UBND TP Hà Tĩnh để làm rõ diện tích nằm trong quy hoạch mở đường là bao nhiêu, mốc giới thế nào và cũng không đưa UBND thành phố vào tham gia tố tụng là bỏ lọt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Về việc thẩm định và định giá đối với thửa đất số 767, TAND TP Hà Tĩnh không xác định phần diện tích nằm trong quy hoạch mở đường của nhà nước là bao nhiêu, cụ thể các cạnh thế nào để từ đó xác định chính xác giá trị tài sản tranh chấp mà cấp sơ thẩm vẫn tiến hành thẩm định toàn bộ thửa đất tranh chấp là đất ở của cụ Thư, cụ Lương là không đúng thực tế.

Việc TAND TP Hà Tĩnh áp dụng “luật riêng“ để xét xử mà không tôn trọng ý kiến của các bị đơn là bà Đặng Thị Thanh, bà Đặng Thị Hương và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Đặng Thị Thảo cho rằng trước đây khi cụ Lương còn sống, hai cụ đã cho bà Thanh, bà Hương mỗi bà một phần đất để làm nhà, tất cả các người con của hai cụ đều ký vào văn bản này và được UBND phường Đại Nài chứng thực với nội dung: Thửa đất tại huyện Cẩm Xuyên và đất tại Thạch Bình giao cho ông Đặng Xuân Thi quản lý, sử dụng. Thửa đất tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh chia thành 03 lô giao cho bà Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hương, Đặng Thị Thảo nên bà Thanh, bà Thảo, bà Hương không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Thực tế thửa đất số 767, tờ bản đồ số 01 (Bản đồ 371), diện tích 544m2 tại khối 04, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh mang tên cụ Thư chưa được cấp GCNQSDĐ, nhưng từ năm 1992 đến 2012 vợ chồng bà Đặng Thị Thanh đã nhiều lần xây dựng, sửa chữa thành nhà 02 tầng kiên cố và sinh sống ổn định, nhưng cụ Thư, cụ Lương cũng như các anh chị em khác trong gia đình không ai phản đối. Điều đó khẳng định hai cụ đã cho bà Thanh phần đất này. Nhưng cấp sơ thẩm cho rằng phần nhà xây dựng là của vợ chồng bà Thanh còn đất là của hai cụ từ đó đưa diện tích đất này chia cho cụ Lương và các đồng thừa kế là không đúng với thực tế sử dụng của đương sự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng bà Thanh.

Mặt khác, đối với thửa đất số 767 ở Phường Đại Nài có một phần diện tích khoảng 190m2 nằm trong chỉ giới quy hoạch mở đường, nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ diện tích mở đường là bao nhiêu, mốc giới thế nào để xem xét, từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn giao phần đất được ký hiệu S1 cho bà Thanh, phần S2 cho cụ Thư, phần S3 cho bà Hương trong đó có một phần diện tích nằm trong quy hoạch mở đường của UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa được xác minh làm rõ để cụ Thư, bà Thanh, bà Hương có trách nhiệm liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất là sai.

Với những căn cứ pháp lý hợp pháp nhưng TAND TP Hà Tĩnh đã “cố tình“ bỏ sót trong xét xử đã được Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định tại Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS về kháng nghị phúc phẩm đối với Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh là bằng chứng xác thực nhất cho thấy sự non kém về nghiệp vụ và sự tuỳ tiện trong việc áp dụng “luật riêng” để xét xử của TAND TP Hà Tĩnh như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin là có thật.

Đề nghị Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh kháng nghị Bản án số 01/2018/DS - ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh theo hướng hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này./.

Tác giả: Nhóm PVĐT

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP