Pháp luật

Xử lý người quay clip bạo hành trẻ: Luật sư hỏi ngược

Theo Luật sư Đỗ Hải Bình, không có quyền xử phạt chỉ vì người đăng clip muộn.

Liên quan đến vụ việc bảo mẫm nhóm trẻ tư thục Mẹ Mười (K251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bạo hành trẻ em, mới đây lãnh đạo quận Thanh Khê cho biết, người quay clip sự việc sẽ bị xử lý.

Cụ thể, theo đại diện quận Thanh Khê, thời điểm quay clip được xác định vào khoảng tháng 4 nhưng cho đến ngày 21/5, clip và hình ảnh bạo hành trẻ ở nhóm trẻ tư thục Mẹ Mười mới được phát tán lên mạng xã hội. Sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra và xử lý, đóng cửa nhóm trẻ này và tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

Hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ được ghi lại


Người quay clip đã chứng kiến toàn bộ việc trẻ bị bà Hồng bạo hành nhưng không tố giác với cơ quan công an. Vì thế, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý người quay clip này theo các quy định của pháp luật.

Trao đổi với Đất Việt trước thông tin này, Luật sư Đỗ Hải Bình (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, người đăng clip muộn không vi phạm điều luật nào và nếu chỉ vì vậy, không có quyền xử phạt.

LS Hải Bình đưa ra quan điểm: "Mọi người dân đều có quyền tìm chứng cứ vi phạm pháp luật, bất cứ là ai. Trong trường hợp này, người tố cáo đã phát hiện nhà trẻ bạo hành thì phải biểu dương người ta đã phát hiện, tố cáo sự việc.

Đáng nhẽ ra, cơ quan chức năng, công an phải có nghĩa vụ phát hiện ra những sự việc này. Vậy mà khi người ta đã tìm ra được lại tiến hành xử lý?"

Bảo mẫu liên tục đút thức ăn vào miệng trẻ


"Tôi phát hiện, quay xong nhưng đang suy nghĩ phải tố giác như thế nào? đưa cho công an hay đăng lên mạng để sự việc khỏi chìm xuồng. Tôi suy nghĩ xong thì tôi mới đăng. Hoặc tôi tìm phương án suy nghĩ làm sao để tốt nhất?", Vị luật sư phân tích tình huống, tâm lý người đăng clip muộn.

Hơn thế nữa, không có nghị định nào quy định quay xong phải tố giác luôn. Có thể người quay để đó và tìm cách để đăng lên để cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

LS Đỗ Hải Bình nhấn mạnh rằng: "Không luật nào cho phép khởi tố, bắt tạm giam đối với người quay xong rồi cất đi một tháng sau mới đăng lên mạng cho mọi người cùng biết.

Còn nếu cho rằng "che giấu tội phạm" thì chỉ trừ trường hợp khi mà quay xong người đó cất đi, cơ quan chức năng tiến hành lục soát trong nhà, trong người,...thấy video này và xác định là quay từ 1 tháng rồi nhưng người quay không muốn đi tố giác để vụ việc chìm xuồng thì lúc này mới được quyền khởi tố người quay. Nhưng trong trường hợp này người ta đã đăng, tố cáo rồi".

Trước đó, khi hình ảnh, video vụ bạo hành được tung lên mạng xã hội, nhóm trẻ Mẹ Mười có 2 người đảm nhiệm trông giữ 14 trẻ gồm bà Đinh Thị Hồng là chủ nhóm và là cấp dưỡng cùng bà D. Bà Hồng cho rằng chính bà D. là người tung clip lên để hãm hại bà sau khi bà D. nghỉ việc tại nhóm trẻ Mẹ Mười.

Như đã thông tin, ngày 21/5, những đoạn clip được chia sẻ ghi lại cảnh 2 người phụ nữ một người mặc đầm trắng sọc đen, một người mặc áo đỏ bắt bé trai cởi trần nằm ngửa dưới sàn nhà, liên tục trút thức ăn vào miệng. Trẻ không ăn hoặc chưa kịp nuốt người phụ nữ này còn dùng tay vả vào miệng trẻ.

Ngoài ra, nhiều hình ảnh về người phụ nữ mặc đầm trắng sọc đen có hành động bịt miệng, nắm đầu, xách em bé lên khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Tác giả: MINH ANH

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP