|
Nỗi đau giữa đại ngàn
Sau 3 ngày tìm kiếm vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), cơ quan chức năng cứu được 33 người. Tuy nhiên vẫn có 8 người đã tử vong và 14 người mất tích, tính tới ngày 1/11.
Đến nay, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường đã lên đến gần 1.000 người. Hoạt động cứu hộ còn được sự trợ giúp của 4 chó nghiệp vụ, các flycam và nhiều phương tiện cơ giới như máy múc, máy ủi…
Vụ sạt lở đã khiến thôn 1, Trà Leng bị san phẳng. |
Bản làng nằm giữa đại ngàn vốn bình yên nay bỗng chốc hoá tang thương với những nỗi đau thấu trời xanh của người ở lại.
Tại hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 hộ gia đình, ai cũng thương xót cảnh một nam sinh lớp 11 lo lắng chờ tin 7 người còn mất tích trong đám sạt lở.
Đó là em Hồ Văn Hải (học sinh lớp 11, trường THPT bán trú Nam Trà My). Hải có 8 người thân bị mất tích trong vụ sạt lở gồm cha, mẹ, cậu, dì... Hiện tại lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy thể của cha em, 7 người thân còn lại của em vẫn mất tích.
Em Hồ Văn Hải (áo đen) đứng chờ tin tức từ lực lượng tìm kiếm. |
Cũng tại hiện trường, còn có em Lê Thanh Tú (học sinh lớp 11 trường THPT bán trú Nam Trà My) vẫn đang đau đớn ngóng chờ tin tức của người cha là ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng còn mất tích.
Sau khi biết tin thôn mình bị sạt lở, Hải cùng Tú và 4 bạn khác trong nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) được các thầy cô đưa đi băng rừng, vượt nhiều điểm sạt lở để về nhà trong sáng 30/10. Chứng kiến cảnh bản làng tan hoang, cả hai đều không thể tin ngôi làng gắn bó từ thuở lọt lòng đã trở thành đống đổ nát.
Các em chỉ biết dõi theo dõi lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại trong thất thần, vô vọng. |
Có trường hợp như em Hồ Văn Trí hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế bị mất cả cha mẹ trong vụ sạt lở này.
Trí có em gái là Hồ Thị Điệp (học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Trà My), cùng 2 em trai là Hồ Văn Trung đang học nghề sửa ôtô và em út là Hồ Văn Đệ, học sinh Trường THCS Trà Leng. Hình ảnh em Hồ Thị Điệp tuyệt vọng bên hai nấm mộ cha mẹ, mâm cúng chỉ có mấy gói mỳ tôm đã khiến nhiều người không kìm được nước mắt.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Sau khi xảy ra vụ sạt lở 2 ngày, tuyến đường dẫn vào điểm sạt lở cơ bản đã thông, nhiều đoàn từ thiện đã hướng về Trà Leng. Ngoài giúp đỡ về các nhu yếu phẩm, đoàn còn hỗ trợ tiền mặt cho gia đình các nạn nhân.
Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, nơi các nạn nhân thoát chết vụ sạt lở ở Trà Leng đang điều trị, các nhà hảo tâm cũng tìm về để giúp đỡ, động viên, thăm hỏi.
Thông tin từ sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, nhà trường sẽ sát cánh, động viên những học sinh có cha mẹ, người thân mất. Về lâu dài, sở sẽ cùng địa phương tính toán để các em được nuôi dưỡng, học hành chu đáo nhất.
Nỗi đau của những người ở lại quá lớn, không gì có thể sánh bằng. |
Trường hợp của em Hồ Thị Điệp cùng 3 anh em, thầy Trần Thanh Quốc, Hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My cho biết, tạm thời bốn anh em Điệp đang được các thầy cô giáo trường Nam Trà My đỡ đầu.
Tại khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, ngay khi biết tin sinh viên mình là em Hồ Văn Trí có người thân mất vì sạt lở đất, TS. Phạm Quang Trung, Trưởng khoa đã trực tiếp đứng ra viết thư ngỏ kêu gọi cộng đồng, các giảng viên, cựu sinh viên khoa… chung tay giúp đỡ .
Sáng nay (1/11), TS. Trung chia sẻ với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, hiện khoa đã kêu gọi được hơn 30 triệu đồng, phía Đại học Huế sẽ dành một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng, trường Đại học Sư phạm với sổ tiết kiệm 10 triệu đồng giúp Trí một phần vượt qua sự khó khăn này.
Ở một diễn biến khác, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại vẫn đang được lực lượng cứu nạn Quân khu V và tỉnh Quảng Nam nỗ lực hết sức.
“Dù biết khó khăn vất vả nhưng đây là trách nhiệm, là mệnh lệnh của trái tim. Chúng ta phải nỗ lực cố gắng tìm kiếm đồng bào ta đang mất tích càng sớm càng tốt”, Đại tá Nguyễn Hoài Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn công binh 270, Quân khu V động viên các chiến sỹ đang tìm kiếm.
Tác giả: Lê Công Thành
Nguồn tin: nguoiduatin.vn