Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh bế tắc nguồn nguyên liệu

Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu.

Đã qua rồi thời kỳ hoàng kim, hoạt động SXKD ở Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh (thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh – Mitraco) đang dần lâm vào thế bế tắc bởi nguồn moong mỏ cạn kiệt. Mặc dù hướng tháo gỡ đã được định hình song quá khó để thực hiện.
Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh bế tắc nguồn nguyên liệu

Từ đầu năm đến nay, sản phẩm Ilmenite sản xuất tại Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh đạt 3.800 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm 2013. Các loại khoáng vật được sản xuất từ nguyên liệu thô như: Zircol đạt 730 tấn so kế hoạch đặt ra là 650 tấn; khoáng vật rutile ở thời điểm hiện tại đạt 1.000 tấn, vượt xa so với kế hoạch 870 tấn. Tuy nhiên, những con số vượt chỉ tiêu chẳng nói lên được điều gì vì sản phẩm chế biến ra chỉ chiếm phần nhỏ so với công suất thiết kế. Quan trọng hơn là nguồn nguyên liệu chính đang ngày càng cạn kiệt. Mặc dù kế hoạch đặt ra năm 2014 là 14.500 tấn quặng thô, khiêm tốn hơn nhiều so với kế hoạch năm 2013 (20.000 tấn), nhưng, hiện tại, xí nghiệp mới chỉ sản xuất được 6.000 tấn.

“Sản lượng khai thác hàng năm của xí nghiệp 3 năm nay chỉ bằng khoảng 2 tháng so với giai đoạn 2003-2007. Thời điểm đó, số lao động của toàn đơn vị xấp xỉ 800 người, giờ chỉ còn lại chưa đến 150 người” – Phó Giám đốc Xí nghiệp Lê Xuân Ninh cho biết.

Nguyên nhân cơ bản được xác định là qua nhiều năm khai thác, moong mỏ cạn dần. Hiện tại, xí nghiệp đang “mót” lại trên phần diện tích đã khai thác. Nói như vậy không có nghĩa là các loại quặng tại 2 xã: Kỳ Khang, Kỳ Phú đã hết mà vẫn còn khá dồi dào. Chỉ có điều, toàn bộ số quặng này tập trung chủ yếu tại các khu dân cư và khu vực nghĩa địa; đặc biệt là tại các nghĩa địa xóm Tiến Thành, Trung Tiến, Trung Tâm (Kỳ Khang).

Chưa nói đến mức giá đền bù giải phóng mặt bằng quá cao, mà di dời các ngôi mộ là vấn đề nhạy cảm. Bởi thế, 3 năm nay, đơn vị mới di dời được 5 ngôi mộ tại khu vực Cồn Chảo (xóm Tiến Thành). Dù không dồi dào như ở các nghĩa địa nhưng lượng quặng ở các xóm: Tiến Thành, Trung Tâm cũng đủ để đơn vị khai thác nhiều năm. Tuy nhiên khó khăn ở chỗ, toàn bộ nhà cửa tọa lạc trên phần diện tích này được xây dựng kiên cố nên chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Ngoài phần diện tích trên, một số nơi vẫn còn quặng, tuy nhiên, Mitraco qua nhiều lần thương thuyết, đồng thời cam kết sau khi khai thác sẽ quy hoạch lại rồi giao địa phương bán đất, nhưng không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Trên địa bàn toàn tỉnh, qua thăm dò khảo sát cho thấy, trữ lượng quặng tại xã Kỳ Ninh khá lớn. Tuy nhiên, tại khu vực này, thủ tục cấp mỏ rất khó vì ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Cương Gián (Nghi Xuân) cũng là một địa điểm hấp dẫn bởi trữ lượng quặng khá tiềm tàng. Vấn đề ở chỗ, “Muốn xin được cấp phép phải xây dựng được nhà máy chế biến sâu, hoặc nhà máy chế biến xỉ ti tan. Nhưng nguồn đầu tư lấy đâu ra” – ông Ninh đặt vấn đề.

Bởi vậy, về lâu dài, những người trong cuộc hy vọng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp từ tỉnh đến trung ương trong việc xem xét cấp mỏ mới để xí nghiệp duy trì hoạt động khai thác và sản xuất, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động. Trước mắt, với nỗ lực “tự mình cứu mình”, Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh đã triển khai hàng loạt giải pháp. Theo đó, tiết kiệm tối đa chi phí không chính thức; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; bố trí lao động hợp lý để giảm giá thành…

Bên cạnh nỗ lực của đơn vị, xí nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ 10-15% quỹ lương từ Tổng Công ty để đảm bảo người lao động có mức thu nhập 3,2-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP