Trong nước

Xe máy có thể bị cấm vào trung tâm Sài Gòn

Việc hạn chế xe máy vào khu vực trung tâm TP HCM được đề xuất thực hiện theo 3 giai đoạn, sau đó cấm hẳn vào năm 2030.

Trong đề án Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP HCM, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) đề xuất hạn chế, tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm thành phố (các quận 1, 3, 5 và 10) vào năm 2030.

Từ nay đến năm 2020 hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Còn trên đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng) hạn chế xe máy 7-19h.

Từ năm 2021 đến 2025, hạn chế xe vào quận 1 được giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.

Năm 2026-2030, hạn chế tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm TP HCM gồm quận 1, 3, 5, 10 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.

TP HCM kẹt xe cả ngày lẫn tối. Ảnh: Hữu Khoa.

Thu phí ùn tắc giao thông

Viện Chiến lược cũng đề xuất kiểm soát việc đỗ ôtô trong khu vực trung tâm Sài Gòn, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực; hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm; tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô đến 9 chỗ; thu phí "ùn tắc giao thông" vào giờ cao điểm đối với ôtô...

Trong thời gian xe máy bị hạn chế, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (metro, monorail) hình thành (theo quy hoạch đến năm 2030).

Về giải pháp phát triển xe buýt, đơn vị lập đề án đề xuất đến năm 2020 xe buýt đáp ứng được 8,9-12,2% nhu cầu đi lại của người dân TP HCM, trong đó đáp ứng 25-30% nhu cầu đi lại ở khu vực trung tâm.

Để thực hiện điều này, thành phố cần phát triển thêm 55-120 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới lên 192-255 tuyến với khoảng 4.200-4.800 xe hoạt động.

Đề án này được Sở GTVT TP HCM "đặt hàng" nghiên cứu, tìm giải pháp giảm ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng để trình UBND thành phố xem xét, cho ý kiến. Viện nghiên cứu chiến lược báo cáo đề án lần đầu hồi năm trước, được nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm ủng hộ là phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, trước mắt là xe buýt và dần hạn chế tiến tới cấm xe máy.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường khẳng định, thành phố sẽ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp mà Viện chiến lược đưa ra để kiểm soát việc sử dụng loại xe máy cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác. "Chỉ khi nào chứng minh có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TP HCM mới tính đến việc cấm xe máy", ông Cường nói.

Tháng 7/2017, HĐND TP Hà Nội thông qua đề án về Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Theo nghị quyết, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của taxi ngoại tỉnh.

Tác giả: Hữu Nguyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Sài Gòn , xe máy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP