Hàng chục tỉnh, TP trong cả nước đang triển khai mô hình cảnh sát đi tuần tra bằng xe đạp. Trong khi lãnh đạo công an các tỉnh miền Tây khẳng định đã sử dụng hiệu quả, phát huy tốt công năng của xe đạp tuần tra thì nhiều địa phương các xe phủ bụi, hoặc chỉ dùng số ít.
Miền Tây: Cảnh sát nói dùng hết công năng
Tại Bạc Liêu, hơn 4 tháng được một ngân hàng tài trợ 100 chiếc xe đạp tuần tra, lãnh đạo Công an TP Bạc Liêu cho biết, họ sử dụng rất hiệu quả, phát huy tốt công năng. Không chỉ 10 xã, phường, đội cảnh sát trật tự Công an TP Bạc Liêu cũng được trang bị xe đạp.
Ngày 15/3, đại tá Phạm Quang Chung – Trưởng Công an TP Bạc Liêu, cho biết địa phương có nhiều hẻm nhỏ, việc tuần tra xuống địa bàn vào ban ngày rất thích hợp đối với xe đạp. Việc tuần tra bằng phương tiện này còn giúp cán bộ, chiến sĩ tăng cường thể lực, như được tập thể dục hàng ngày nên các đơn vị nhận xe rất phấn khởi.
Công an TP Bạc Liêu được một ngân hàng tài trợ 100 xe đạp tuần tra từ tháng 11/2015. Ảnh:Việt Tường. |
“Có xe đạp, anh em cơ sở xem như được thêm phương tiện cần thiết để tuần tra. Công an chạy xe đạp rất thân thiện với bà con, tốt cho môi trường, tiện lợi khi vào ngõ hẻm, không gây tiếng ồn. Khi cần phục kích để bắt tội phạm, nếu di chuyển bằng xe máy sẽ gây sự chú ý. Trường hợp này xe đạp được công an sử dụng rất hiệu quả”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, những ngày đầu tuần tra bằng xe đạp, nhiều người dân nói công an “màu mè, ra vẻ” khiến một số anh em ngại. Tuy nhiên, sau vài tuần thì việc tuần tra bằng xe đạp ngày càng thuận tiện, dân hết “chọc quê” công an và ngày càng họ gần gũi hơn với lực lượng tuần tra.
Trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Minh Đức – Trưởng Công an phường 1 (TP Bạc Liêu), nói rằng lúc ông còn làm cảnh sát khu vực, vị này từng xuống địa bàn bằng xe đạp. Từ khi được Công an TP Bạc Liêu chuyển về gần chục chiếc xe đạp tuần tra, Công an phường 1 sử dụng tốt, phát huy công năng, chưa gặp hư hỏng.
“Cảnh sát khu vực xuống địa bàn bằng xe đạp rất gần gũi với bà con, nhất là trẻ em. Các cháu thấy mình đi xe đạp là xúm lại nói chuyện, từ đó mà chúng tôi tìm hiểu và nắm thêm được nhiều thông tin quan trọng. Tuy nhiên, xe đạp chỉ tuần tra thích hợp vào ban ngày, ban đêm chúng tôi phải đi xe máy”, trung tá Đức chia sẻ.
Bà Ngô Thị Sáu (ở phường 2, TP Bạc Liêu) cho biết, bốn tháng trước nhiều người thấy lạ khi xuất hiện vài anh công an tuần tra bằng xe đạp. Hiện, người dân ở phường rất quen thuộc với hình ảnh xe đạp tuần tra. Thấy cảnh sát đạp xe vã mồ hôi, người dân thường gọi vào nhà mời nước uống, nghỉ mệt rồi đi tiếp.
“Xe đạp giúp mấy anh công an di chuyển từ nhà này qua nhà kia rất dễ dàng vì có một số nơi xe máy chạy không được. Họ chạy xe đạp thấy gần gũi với dân”, bà Sáu nói.
Tại Đồng Tháp, thượng úy Phan Xuân Thắng – Đội trưởng đội tổng hợp Công an TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết: “Việc tuần tra bằng xe đạp vẫn duy trì đều đặn và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân. Tùy theo lịch công tác, buổi sáng hoặc chiều, cảnh sát khu vực sẽ đạp xe xuống địa bàn hỏi thăm người dân, nắm tình hình chung và báo về chỉ huy. Khi có sự việc xảy ra, qua bộ đàm lực lượng này thông báo nhanh cho các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động phối hợp xử lý hoặc truy bắt tội phạm”.
Theo đại tá Trần Văn Đoàn – Trưởng Công an TP Cao Lãnh, mô hình Cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp được triển khai thí điểm tại phường 4, từ đầu tháng 4/2015. “Việc tuần tra bằng xe đạp nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí công vụ, nâng cao khả năng rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ công an và tạo sự thân thiện giữa Công an với người dân”, đại tá Đoàn cho hay.
Gần 1 năm thực hiện, mô hình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và các cấp chính quyền. Từ triển khai ra 8 phường nội đô ban đầu, đến nay Công an TP Cao Lãnh nhân rộng đến tất cả 15 xã, phường. Số xe đạp được bố trí cho 8 phường 61 chiếc, 7 xã là 30 chiếc.
“Nhiều du khách đến tham quan khu vực Văn Miếu ở Cao Lãnh, nhìn thấy Cảnh sát tuần tra bằng xe đạp họ rất thích thú”, anh Nguyễn Trường Giang – hướng dẫn viên du lịch chia sẻ.
Cảnh sát khu vực tuần tra bằng xe đạp ở miền Tây. ẢnhN.T |
Trung tá Nguyễn Thanh Hùng – trưởng Công an phường 4, nơi đầu tiên thực hiện việc tuần tra bằng xe đạp bộc bạch: “Ban đầu, anh em phường phải tận dụng lại xe đạp cũ, sửa chữa lại phục vụ công tác tuần tra”.
Phường 4, có 7 chiếc xe đạp được bố trí cho trưởng, phó Công an phường và 5 Cảnh sát khu vực. Mỗi buổi sáng họp giao ban, Cảnh sát khu vực báo cáo tình hình, kế hoạch công tác trên địa bàn phụ trách. Tùy theo kế hoạch, sáng hoặc chiều, lực lượng Cảnh sát khu vực lại đạp xe xuống địa bàn.
Trong khi đó, tại Cần Thơ, cảnh sát được trang bị 400 xe đạp phục vụ công tác tuần tra nhờ sự tài trợ của một ngân hàng. Theo đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc Công an TP, đây là sự chia sẻ, cổ vũ to lớn giúp lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Anh Đoàn Huy Phong (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nhận xét: “Mô hình Cảnh sát tuần tra bằng xe đạp thu hút được sự quan tâm của người dân. Sáng nào tôi đưa con đi học, qua các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) cũng thấy Cảnh sát đạp xe tuần tra. Người dân rất ủng hộ việc này, vì nhìn thấy hình ảnh Cảnh sát vừa thân thiện gần gũi vừa yên tâm. Nhiều lúc giữa trưa, thấy anh em khu vực đi tuần tra về đạp xe mồ hôi nhễ nhại, cũng thương”.
Nghệ An: Xe đạp để bụi phủ
Chiều 14/3, phóng viên Zing.vn đi thực tế tại một số phường trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) để tìm hiểu về hiệu quả của việc sử dụng xe đạp chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra, hầu hết các đơn vị đều thừa nhận đưa về nhưng rất ít sử dụng.
Tại công an phường Lê Lợi, đập vào mắt chúng tôi là một loạt xe đạp chuyên dụng xếp hàng dưới cầu thang bộ, có cửa chắn cẩn thận. Đơn vị này cho biết, họ được cấp 11 xe đạp chuyên dụng để phục vụ công tác tuần tra.
Thế nhưng theo quan sát của phóng viên, toàn bộ xe đều bị phủ một lớp bụi bẩn. Thậm chí, có xe bị rơi bàn đạp nhưng không được sửa chữa. Một cán bộ công an phường cho biết, hơn một tuần nay chưa đưa ra sử dụng.
Theo thượng úy Hoàng Văn Huấn, Phó trưởng công an phường Lê Lợi (TP Vinh – Nghệ An) thì đơn vị này chỉ sử dụng một nửa trong số xe đạp được cấp nhưng cũng không thường xuyên.
Tại Công an phường Hưng Phúc, chỉ có một chiếc xe đạp chuyên dụng phục vụ tuần tra khóa cẩn thận bằng khóa dây và dây xích để ở cầu thang. Liên hệ với Trưởng công an phường thì vị này đang họp nên không tiếp được.
6 trong tổng số 8 xe được cấp của công an phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An; trong đó có 3 xe còn nguyên tem cơ sở sản xuất, nilon bao bọc khung và chỗ ngồi phía sau vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: P.H. |
Tương tự, tại Công an phường Hưng Dũng, có 8 xe đạp được cấp để ở cầu thang. Trong đó có 3 xe chưa bóc nilon bao bọc ở khung, ghế ngồi phía sau.
Khi được hỏi về hiệu quả sử dụng của xe đạp tuần tra, trung tá Trần Việt Thắng, Trưởng công an phường Hưng Dũng từ chối cung cấp thông tin và nói phải có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP Vinh. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, phóng viên quay trở lại phường để làm việc thì những chiếc xe đạp này đã được đưa ra phía sau để lau dọn sạch sẽ.
Cùng chung tình cảnh trên, tại khuôn viên của nhà để xe của công an phường Trung Đô có 9 chiếc xe đạp tuần tra cũng bị “xếp xó”. Trên yên xe, khung xe bụi phủ trắng xóa. Có xe còn nguyên tem của công ty sản xuất xe đạp, nhiều xe chưa bóc nilon bao bọc.
Trung tá Nguyễn Thế Bảy, Phó trưởng công an phường thẳng thắn, phường có 15 khối với khoảng 17.000 nhân khẩu, việc tuần tra bằng xe đạp hầu như là không sử dụng.
“Từ khi được cấp trên bàn giao 9 xe đạp, rất ít khi cảnh sát tuần tra bằng loại xe này. Có chăng cũng chỉ một vài ngày đầu mới đưa về chứ giờ thì chỉ để chật nhà xe mà thôi”,
Đây là chiếc xe đạp tuần tra bị mất bàn đạp nằm ở kho của công an phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: P.H. |
Điều này cũng phù hợp với ý kiến của anh Nguyễn Hồng Thắng (30 tuổi), một hộ dân trú tại phường Trung Đô: “Từ giữa tháng 12/2015 chúng tôi còn thấy công an đạp xe đạp xuống cơ sở nhưng đến nay thì hình ảnh này đã vắng bóng hoàn toàn. Thực tế chúng tôi cũng thấy việc cảnh sát tuần tra bằng xe đạp là không hợp lý mặc dù nó thân thiện hơn”.
Không chỉ các phường nêu trên, hầu hết 25 phường, xã trên địa bàn thành phố được cấp xe đạp chuyên dụng dùng để tuần tra đều chung cảnh tương tự, đưa về sử dụng một vài lần rồi “xếp góc”.
Theo thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng công an TP Vinh, công an thành phố hiện đang có kế hoạch 878 đi tuần tra buổi đêm tại một số phường. Có chăng những đơn vị này còn sử dụng xe đạp để đi tuần tra chứ còn lại chắc là không sử dụng.
Thanh Hóa: 10 xe đạp thì 6 xe trong kho tang vật
Tại Thanh Hóa, tháng 6/2014, Công an phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm lễ ra mắt mô hình “Cảnh sát khu vực đi công tác địa bàn bằng xe đạp”. Sau lễ ra mắt, lãnh đạo Công an phường bàn giao 10 xe đạp cho 10 cảnh sát khu vực để phục vụ công tác.
4 trong tổng số 10 xe được cấp ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa xếp xó nhà xe trong khi 6 xe khác được cất trong kho tang vật. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Mỗi chiếc xe này có giá 2 triệu, được đầu tư do một phần kinh phí của đơn vị, nguồn xã hội hóa và cấp cấp chính quyền tài trợ.
Hàng ngày, các cảnh sát khu vực sẽ sử dụng xe đạp trực tiếp xuống từng khu phố được phân công phụ trách để gặp gỡ, thăm hỏi và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội… góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Ghi nhận chiều 14/3, tại nhà xe của đơn vị chỉ còn 4 chiếc. Trả lời Zing.vn về số xe thiếu hụt, đại úy Nguyễn Trung Kiên – Trưởng công an phường Nam Ngạn cho hay, 6 chiếc còn lại đang được cất giữ, bảo quản trong kho tang vật.
Lý giải về 6 chiếc xe đang phải để trong kho tang vật, đại úy Kiên cho hay do số lượng cảnh sát ở phường suy giảm quân số nhưng lại chưa được bù.
“Hiện giờ số cảnh sát khu vực ở phường chỉ còn 5 người, trong khi lại có 3 người đang đi học từ năm ngoái nên việc sử dụng xe đạp đi xuống các tổ dân cư không còn được thường xuyên. Chúng tôi đành bỏ 6 chiếc không sử dụng vào kho tang vật để bảo quản, chứ để ngoài dễ bị hư hỏng” – đại úy Kiên nói.