Làng Tùng Ảnh hôm nay không còn tiếng thoi đưa dệt lụa, nhưng còn đó truyền thống hiếu học, đức cần cù chịu khó làm ăn trong mỗi gia đình, còn đó những dòng máu nghĩa khí của những người con yêu nước. Là quê hương của Đ/c Trần Phú – Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, Tùng Ảnh từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ của khách thập phương. Và hôm nay, Tùng ảnh còn là địa chỉ quen thuộc của nhiều tỉnh thành trong cả nước về tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. Về Tùng ảnh hôm nay như một bức tranh sơn thủy đủ màu sắc của Bến Tam soa, của đồng bằng, xóm làng đông vui. Những tuyến đường liên thôn được mở rộng, khu dân cư được chỉnh trang phù hợp với qui hoạch. Trụ sở làm việc, trạm xá y tế, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ngoài đồng ruộng, hệ thống đường nội đồng, kênh mương thuỷ lợi được cứng hoà và bê tông hoá vuông vắn như ô bàn cờ, điểm tựa vững chắc, góp phần làm nên những mùa vàng bội thu…
Xã Tùng Ảnh hiện có trên 2.300 hộ với hơn 7.300 nhân khẩu, 12 thôn xóm. Là một trong 12 đơn vị được tỉnh Hà Tĩnh chọn thí điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo tiêu chuẩn quốc gia. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã nào cũng có những đặc thù và khó khăn riêng. Tùng Ảnh đã biết kết hợp sức mạnh ngoại lực TW, Tỉnh, huyện và nội lực nhân dân. Con em ở làng Tùng Ảnh học giỏi đã sớm trở thành những trí thức, những cán bộ cao cấp, những nhà doanh nghiệp giỏi. Nghe tin quê nhà đang mở cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới, họ đã tự nguyện chuyển tới thôn, tới xã những đồng tiền dành dụm được để tri ân với quê nhà…Trên 30 tỷ đồng của sự trợ giúp ấy cho mọi công trình xây dựng về đích sớm hơn…
Thôn Thạch Thành là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào hiến đất, tài sản phục vụ dựng đường giao thông. Năm 2012 Thôn đã xây dựng tuyến đường trục chính đạt tiêu chí Quốc gia dài gần 1 km, kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Có tới 170/207 hộ nhường đất, hiến nhà và các công trình khác trên đất, với tổng trị giá lên đến 2 tỷ đồng. Đặc biệt có tới 600 nhân khẩu đóng góp, ủng hộ những gia đình có công trình trên đất bị phá bỏ phải xây dựng lại, với số tiền xấp xỉ 100 triệu đồng.
Gia đình bà Phạm Thị Xuân đã hiến gần 100 m2 đất, phá bỏ hơn 60 m tường rào cùng nhiều loại cây ăn quả khác. Tổng giá trị tiền lên đến trên 100 triệu đồng. Với một hộ thuần nông như gia đình bà, đây là một thiệt hại quá lớn. Nhưng, nhờ có nhiều gia đình như vậy mà xây dựng được con đường to đẹp như hôm nay, bà Xuân cảm thấy thật phấn khởi. Bà Xuân chia sẻ: Sau khi xây dựng NTM tôi thấy quê hương có nhiều đổi mới, cuộc sống của người dân được nâng cao, nhà cửa, đường sá, môi trường xanh sạch đẹp. Vì vậy khi địa phương kêu gọi hiến đất gia đình tôi rất đồng đình mà không đòi hỏi đền bù, hiến từng đó chứ hơn nữa nhà tôi cũng hiến.
Việc làm có ý nghĩa cộng đồng sâu sắc ở thôn Thạch Thành đã lan toả đến các thôn: Thông Tự, Sơn Lễ, Châu Lĩnh, Vọng Sơn, Châu Tùng, Châu Trinh. Chỉ tính riêng trong năm 2012, nhân dân xã Tùng ảnh đã hiến trên 10.000 m2 đất, hàng ngàn m tường rào, cây cối và các công trình khác với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Trong đó số tiền đóng góp để ủng hộ xây dựng lại các công trình lên tới hàng tỷ đồng. Cũng nhờ vậy, xã Tùng Ảnh có trên 25 tuyến đường được bê tông hoá đạt chuẩn, với tổng chiều dài gần 49 km. 3 năm thực hiện XD NTM, nhân dân Tùng ảnh đã hiến gần 24000 m2 đất, 6.320 ngày công, hàng ngàn m tường rào, gần 2000 cây có giá trị thu nhập. Tổng số tiền huy động gần 217 tỷ đồng. Trong đó trên 120 tỷ đồng nhân dân và con em xa quê đóng góp, ủng hộ. Xây dựng và nâng cấp mới được 79 công trình lớn, nhỏ, trong đó 64 công trình do nhân dân thực hiện.
Xã Tùng ảnh cũng tập trung thực hiện có hiệu quả đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Hình thành cánh đồng mẫu lớn 100 ha, chiếm gần 50% diện tích trồng lúa, cơ cấu từ 1 – 2 giống lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó khuyến khích 17 hộ dân triển khai dự án trồng 7 ha rau sạch vụ đông ở khu vực Bãi Soi, cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng/ha/vụ. Tùng ảnh xác định ngành nghề, sản phẩm chủ lực đó là: chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, các sản phẩm rau màu có giá trị hàng hóa. Đặc biệt từ các chính sách kích cầu của UBND tỉnh, huyện, đã giúp nhiều hộ nông dân vốn quen với lối sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghệ mới. Đến nay, đã có 59 hộ chăn nuôi lợn tập trung từ 10 – 20 con/hộ có bể bioga.
Được nguồn hộ trợ của nhà nước, cuối năm 2012, ông Dương Thúc Tuân xóm Dương Tượng đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng gia trại chăn nuôi gà tập trung, quy mô 10.000 con, mô hình liên kết với Công ty Gia pha Com fét Việt Nam cung cấp gà giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, gia đình ông Tuân đã nuôi thả được 4 lứa gà, mỗi lứa gà giống nhập về có trọng lượng mỗi con 43 gam, sau 45 ngày xuất chuồng mỗi con nặng 3 kg. Mỗi lứa gà, gia đình ông Tuân thu lãi ròng từ 60 – 70 triệu đồng. Ông Tuân chia sẻ: Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới gia đình tôi đầu tư thực hiện mô hình này. Qua hơn 1 năm thấy hiệu quả kinh tế tăng cao. Đây là mô hình có tính chất bền vững. Trong quá trình làm mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng thường xuyên đến động viên, ở huyện có chính sách hỗ trợ kịp thời nên gia đình rất yên tâm phát triển kinh tế.
Xã Tùng ảnh hiện có 15 doanh nghiệp, 4 mô hình sản xuất kinh doanh thu hút từ 10 – 25 lao động, 431 hộ sản xuất kinh doanh các loại hình dịch vụ. Đời sống được cải thiện, người dân Tùng ảnh tích cực tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất phục vụ văn hoá, y tế, giáo dục. Xã có 3 trường học, trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia. 12/12 thôn xóm có nhà văn hoá và khu thể thao hoạt động có hiệu qủa . Hiện 9/12 thôn đựơc công nhận làng văn hoá. 98% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia. Tùng Ảnh còn xây dựng mới và đưa vào hoạt động Chợ Đồn với tổng diện tích 1,7 ha. Ông Phan Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Tùng ảnh nói: Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, chúng tôi càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tùng Ảnh có 12 năm làm NTM, do đó đã tích lũy đươc khá nhiều kinh nghiệm. Trong đó giai đoạn 2000 – 2005, Tùng Ảnh là một trong 7 xã “cán” đích đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí NTM do tỉnh đề ra, giai đoạn 2 từ 2006 – 2010, xã Tùng Ảnh đã rút ngắn được thời gian 2 năm hoàn thành 33 tiêu chí khi đến đích vào cuối năm 2008. Muốn xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Chính quyền địa phương chỉ định hướng cho các xóm về mặt chủ trương, còn xây dựng phương án và tổ chức thực hiện là do họ tự thực hiện. Những hộ tự nguyện hiến đất, xóm sẽ đóng góp và bù lại những công trình được xây dựng trên phần đất đã hiến. Đất Tùng Ảnh có giá trị cao nhưng nếu không có sự đồng thuận từ dưới thì chính quyền cũng buộc phải bó tay”.
Về Tùng ảnh hôm nay, thấy rõ sự chuyển mình vững chắc trên con đường đổi mới. Hệ thống giao thông được bê tông kiên cố, môi trường xanh – sạch – đẹp. Những ngôi nhà cao tầng kề nhau san sát, tạo nên bức tranh nông thôn mới trên con đường phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2013 đạt 27 triệu đồng/người. Hàng năm có từ 90 – 93% gia đình được công nhận gia đình văn hoá. Tình hình ANCT, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế – xã hội phát triển bền vững. Bức tranh NTM đã hiện rõ trên quê hương đồng chí Trần Phú. Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Vùng quê non nước hữu tình căng tràn sức sống trên con đường phát triển./.
Thanh Tình – Nam Thắng