Tin Hà Tĩnh

Xã xả cống nước ngọt đột ngột, diêm dân “chết đứng”

Bao đời nay, người dân thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh lấy nghề làm muối để mưu sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, UBND xã Thạch Châu lại xả cống nước ngọt phía thượng nguồn làm cho nước biển bị ngọt hóa, dẫn đến muối kém chất lượng làm cho cuộc sống người dân gặp khó khăn.

Cánh đồng muối thôn Châu Hạ

Thôn Châu Hạ có 126 hộ dân sống dựa vào nghề làm muối, với hơn 14ha diện tích. Sản lượng muối hàng năm hàng trăm tấn, đưa lại thu nhập cho người dân rất tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, UBND xã Thạch Châu lại cho xã cống nước ngọt phía thượng nguồn con sông lấy nước để sản xuất muối làm nước biển bị ngọt hóa, muối không đủ độ mặn kéo theo chất lượng kém.

Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm về cánh đồng sản xuất muối của người dân thôn Châu Hạ để tìm hiểu. Tuy đang vào mùa hè, những ngày nắng nóng sẽ là thời điểm sản xuất muối tốt nhất, nhưng giữa cánh đồng chỉ thưa thớt một số người dân tham gia sản xuất muối.

Một người dân đang tham gia sản xuất muối trao đổi với chúng tôi: “Cả tuần nay khi tôi ra ruộng để sản xuất muối thì thấy nước ở sông Cửa Chùa dâng lên, tưởng nước thủy triều nên vẫn lấy nước từ sông vào ruộng để sản xuất muối. Tuy nhiên, khi thử độ muối thì phát hiện muối bị nhạt, không đủ độ. Tôi lân la hỏi chuyện mới biết xã cho xả cống nước ngọt Bình Định để làm công trình thủy lợi”.

Còn bà T, bức xúc phản ánh: “Khoảng 1 tuần lại nay, cứ ra ruộng muối lại thấy nước từ cống Bình Định chảy mạnh vào sông Cửa Chùa. Mấy ngày đầu thấy muối nhạt, kết tinh kém chúng tôi tưởng do thời tiết. Tôi về hỏi Bí thư và xóm trưởng thì họ cũng không hay biết chuyện cống Bình Định xả nước. Hơn một tuần nay trời nắng to nhưng sản lượng muối giảm mạnh do nước biển bị ngọt hóa, độ mặn của muối không đạt”.

Được biết, cống Bình Định là cống điều tiết nước phục vụ nông nghiệp. Phía thượng nguồn cống là nước ngọt chảy về từ xã Thạch Bằng, còn hạ nguồn là nước biển chảy vào mỗi khi tủy triều lên, phục vụ cho bà con sản xuất muối. Cống nước được xây dựng nhằm ngăn nước mặn và nước ngọt và hoạt động theo nguyên lý khi nào thủy triều xuống xả cống thì nước ngọt từ các xã Thạch Bằng, xã Thạch Châu theo sông Cửa Chùa chảy ra biển.

Để tìm hiểu rõ hơn phản ánh của người dân, phóng viên Phuongnamplus.vn đã tìm đến nhà ông Lê Mai Vy, thôn trưởng thôn Châu Hạ; ông Vy cho biết: Việc xả cống nước ngọt Bình Định, ban cán sự thôn Châu Hạ không hề nhận được thông báo từ UBND xã Thạch Châu, nên không kịp thông báo cho người dân để ngừng lấy nước sản xuất muối.

Văn bản thông báo của UBND xã Thạch Châu về việc xả cống nước ngọt Bình Định

Đưa những phản ánh của người dân thôn Châu Hạ tới ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Thạch Châu, ông Thông khẳng định: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Sở NN& PTNT Hà Tĩnh yêu cầu xã Thạch Châu mở cống giúp cho đơn vị thi công để họ thi công tuyến kênh tiêu Thịnh Lộc. Trước khi xả cống UBND xã đã họp dân và có văn bản thông báo để những hộ nuôi tôm chủ động lấy nước”.

Tuy nhiên, khi ông Thông cung cấp thông báo cho xả cống nước ngọt Bình Định thì trên thông báo chỉ gửi đến “Cấp ủy ban chỉ huy thôn An Lộc”, thôn có 6 hộ dân nuôi tôm ở thượng nguồn cống Bình Định, còn 128 hộ dân sản xuất muối ở hạ nguồn thuộc thôn Châu Hạ lại không được nhắc đến trong thông báo này. Họ vẫn vô tư lấy nước từ sông Cửa Chùa vào sản xuất muối và chỉ biết đến tin xả cống Bình Định khi kiểm tra độ mặn của muối không đạt, sản lượng muối giảm mạnh.

Hơn nữa trong văn bản thông báo việc xã cống Bình Định ngày 10/8/2017, thông báo kế hoạch xả cống trong vòng 3 ngày thì cũng chỉ mới đến được tay của cấp ủy ban chỉ huy thôn An Lộc. Vậy thì những thiệt hại về năng suất và chất lượng muối của người dân nơi đây hậu quả thì người dân phải gánh nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm?!

Tác giả: Mạnh Cường

Nguồn tin: Phương Nam Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP