Nông thôn mới

Xã Thạch Liên (Thạch Hà): Đi lên từ sức mạnh của lòng dân!

Chiến tranh đã đi xa, Thạch Liên chuyển mình trong dòng thác cách mạng đổi mới, con người cầm cày, cầm súng năm xưa đang cùng với các thế hệ hôm nay đoàn kết một lòng chung sức xây dựng quê hương.

Trong hai cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nằm bên con đường thiên lí Bắc Nam xưa, nay là quốc lộ 1A, vùng quê cách trung tâm huyện lị Thạch Hà khoảng 8km về phía Bắc, đó là xã Thạch Liên, miền quê bên bờ sông nước. Từ bao đời nay, con Sông Già hiền hòa lững lờ trôi như một giải lụa mềm để rồi bồi đắp cho mảnh đất Thạch Liên sinh sôi những con người giàu lòng yêu thương vì nghĩa lớn.

Trong hai cuộc trường chinh vĩ đại đó, mảnh đất này đã khoác trên mình biết bao vết thương do kẻ thù hung bạo gây nên. Sông Già, quốc lộ 1A là những nơi được mệnh danh là những túi bom, chảo lửa nơi mà quân và dân xã Thạch Liên đã đổ biết bao máu xương để cho những con đường, những dòng sông là mạch máu giao thông thông suốt, những chuyến hàng, những đoàn quân nối nhau ra tiền tuyến, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Chiến tranh đã đi xa, Thạch Liên chuyển mình trong dòng thác cách mạng đổi mới, những con người cầm cày, cầm súng năm xưa đang cùng với các thế hệ hôm nay đoàn kết một lòng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Trước đây, Thạch Liên là một xã độc canh về cây lúa, nhân dân có truyền thống trồng rau, chăn nuôi riêng lẻ, các loại ngành nghề nhỏ lẻ chưa có điều kiện đầu tư để phát triển.

Nhà văn hóa xã Thạch Liên.

Là một xã nằm ở vùng trũng, thiên nhiên ít ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, nắng hạn đã làm cho những cánh đồng xơ xác, lũ lụt đã cuốn trôi biết bao thành quả lao động. Mùa Đông đến những con đường đất lầy lội làm cản trở đi lại và ách tắc giao thông. Những căn nhà không đủ điều kiện để chống chọi với phong vũ, mưa sa. Thu nhập của người dân chỉ tính trên đầu diện tích của cây lúa. Tất cả những khó khăn nói ở trên, phần lớn do hậu quả của chiến tranh để lại, phần nào đó cũng do thời kì quá độ của lịch sử đã làm cho truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân không bứt phá ra khỏi nền sản xuất nhỏ.

Năm 2011, ánh sáng của công cuộc xây dựng nông thôn mới đã về trên quê hương Thạch Hà nói chung và Thạch Liên nói riêng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát thực của Huyện ủy và UBND huyện Thạch Hà, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Liên, nhân dân Thạch Liên đã đoàn kết cùng Đảng bộ đứng lên làm chủ cuộc đời mình, biến những cánh đồng xơ xác năm xưa thành những cánh đồng mẫu bạt ngàn màu xanh của lúa, những dòng kênh mương nội đồng đang đưa dòng nước mát xanh tưới tiêu cho những cánh đồng trĩu hạt.

Những con đường cát bụi năm xưa, nay đã thành những con đường làng rộng thênh thang rợp bóng cờ bay. Những trạm xá, những mái trường thân yêu đang vươn mình đón một mùa xuân mới. Những công trình điện sáng bừng xua đi cảnh đói nghèo tăm tối năm xưa.

Các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác, các mô hình sản xuất đã bước sang một thời kì sản xuất mới, cung ứng cho xã hội và quê hương biết bao sản phẩm và giải quyết việc làm cho người lao động và chính các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác, các mô hình sản xuất là một trong những yếu tố để làm thay đổi cục diện về kinh tế trên mảnh đất này.

Có dịp mời bạn về Thạch Liên để chiêm ngưỡng những khu vườn mẫu, tất cả như những bức tranh nhiều màu sắc, được bàn tay của các lão nông miệt mài chăm bón. Những bức tranh vườn mẫu đó đã nói lên cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân. Vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu không những đưa lại giá trị kinh tế cao mà còn đưa lại giá trị tinh thần cho những ai đắm mình trong cảnh vui thú điền viên nơi quê hương xứ sở.

Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo ở tỉnh, ở huyện thật sự quan tâm đến các khu vườn mẫu, đặt vị trí quan trọng ở tiêu chí vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu trong tiến trình đi lên của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và trong quá trình cải tạo vườn tạp để trở thành vườn mẫu là quá trình nhận thức sự tiến bộ của người dân nơi đây, là một khâu cách mạng hóa để đưa lại lợi ích thiết thực cho con người.

Thạch Liên hôm nay là một bức tranh tổng hòa của mười chín tiêu chí XDNTM, trừ tiêu chí chợ không quy hoạch trên địa bàn. Thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thạch Liên đã đánh dấu một bước đi quan trọng, là mốc son ghi dấu ấn đậm nét của tiến trình phát triển ở một xã nghèo vùng phía bắc của huyện Thạch Hà. Thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thạch Liên là bài học kinh nghiệm quý giá của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, sự đồng lòng đoàn kết của toàn dân, lấy sức mạnh của nhân dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Từ một xã nghèo thu nhập thấp, nay tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,76% thu nhập bình quân đầu người gần 29 triệu đồng/người/năm. Số nhà ở đạt theo tiêu chí của bộ xây dựng đạt 1108/1191, không có nhà tạm dột nát. Trên địa bàn của xã có điểm bưu chính viễn thông để phục vụ nhân dân, 8/8 thôn có Internet đến tận thôn xóm. Cuộc sống nông nhàn trước đây là mầm mống để đưa cái nghèo đến cho người nông dân, nay tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 1957/2050 lao động. Đến nay, có 6 hợp tác xã, 14 tổ hợp tác, 4 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, năm 2016 thành lập mới 2 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác.

Trước đây, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng nhân dân Thạch Liên luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, nay trong công cuộc đổi mới, giáo dục là một trong những mục tiêu then chốt, là chìa khóa để mở ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Vì vậy, ở Thạch Liên hôm nay tỉ lệ phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 100%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học bậc trung học phổ thông, bổ túc, dạy nghề đạt tỉ lệ 98,2%; tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo 46,63% (956/2050 lao động).

Đoàn kết là động lực mạnh mẽ để phát huy khả năng nội lực của nhân dân, tranh thủ để phát huy ngoại lực. Quan tâm các công trình trường học trên mảnh đất Thạch Liên hôm nay các ngôi trường được mọc lên khang trang đang tập trung thi đua dạy tốt, học tốt. Trường mầm non, trường tiểu học đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.

Thạch Liên hôm nay đang bừng lên một sức sống mới. Tất cả được biểu hiện ở tư tưởng và mỗi việc làm của người dân, cuộc sống văn minh của nhân dân được rõ nét ở mỗi gia đình, ở từng thôn xóm, đường làng lối xóm sạch sẽ, xanh tươi. Số hộ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 1141/1268 hộ. Trong đó, đạt theo chuẩn quốc gia là 997/1268 hộ. An ninh trật tự, an ninh chính trị được giữ vững.

Truyền thống đoàn kết của nhân dân Thạch Liên là một truyền thống cực kì quý báu, truyền thống đó ngày nay được nhân lên gấp bội trong sự nghiệp đổi mới ở nông thôn. Chính sự đoàn kết đó đã làm giảm bớt và đẩy lùi những tệ nạn, những tiêu cực góp phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở nơi đây. Trong không khí sôi nổi hôm nay, ngoài sự đồng lòng chung sức của nhân dân, chúng ta không bao giờ quên tấm lòng của những người con, em ở Thạch Liên xa quê, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hướng về Thạch Liên bằng cả tấm lòng, bằng cả tinh thần và vật chất để cho quê hương tiến vững chắc trên con đường đổi mới.

Năm 2016 sắp đi qua, nhân dân xã Thạch Liên chuẩn bị đón một mùa xuân mới, mùa xuân của lịch sử quê hương đã sang trang, mùa xuân của công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đang đến gần.

Dương Chí Sỹ/KD&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP