Trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội). |
Phản ánh với báo Dân trí, các bậc phụ huynh có con theo học ở trường tiểu học Hải Bối cho biết: Để đưaTiếng Anh và Kỹ năng sống vào giảng dạy, trường tiểu học Hải Bối đã bất chấp quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT bố trí số tiết vượt quá quy định gây quá tải cho học sinh. 3/5 buổi sáng học sinh tiểu học phải học 5 tiết kéo dài từ 7h45 phút đến 11h25 phút mới được nghỉ. Thời gian ăn bán trú và nghỉ trưa của học sinh bị ảnh hưởng nặng nề gây tâm lý không tốt cho các con. Sự việc diễn ra từ đầu năm học cho đến nay nhưng chẳng hiểu sao không có cơ quan quản lý nào phát hiện chấn chỉnh, xử lý.
Trường tiểu học Hải Bối đang bố trí vượt số tiết/ngày đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và đưa môn kỹ năng sống vào thời khóa biểu chính khóa. Môn Tiếng Anh cũng đưa vào dạy buổi học chính (buổi sáng). |
Minh chứng cho phản ánh này, các bậc phụ huynh đã gửi cho chúng tôi thời khóa biểu đầu năm học và thời khóa biểu mới được xếp lại vào đầu tháng 11 vừa qua. Thực tế cho thấy, có 3 ngày trong tuần học sinh tiểu học phải học đến 8 tiết, 2 ngày còn lại học 7 tiết. Đáng chú ý môn Kỹ năng sống lại được đưa vào thành môn học được xếp vào thời khóa biểu với mức kinh phí mỗi học sinh tham gia là 40.000 đồng/tháng. Môn Tiếng Anh lại đưa vào giờ dạy chính khóa buổi sáng.
“Chúng tôi đã phải đóng tiền cho học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường lại cắt thời gian học chính khóa để đưa môn Kỹ năng sống vào dạy và lại phải đóng thêm tiền là không thể chấp nhận được. Trường làm sai quy định nhưng lại không bị xử lý.” - chị T., phụ huynh của trường tiểu học Hải Bối bức xúc nói.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã đối chiếu với công văn số 2923 ngày 31/8/2017 của Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cấp Tiểu học năm học 2017-2018. Trong phần thực hiện kế hoạch thời gian năm học đã đưa quy định rất rõ ràng đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày. Cụ thể, các cơ sở giáo dục tiểu học đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cần tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch học 2 buổi/ngày trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu sau: Thời lượng không có 7 tiết/ngày (một tuần không quá 35 tiết). Các tiết học chính khóa theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT phải xếp buổi học thứ nhất (buổi sáng) của các ngày học trong tuần.
Công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội về học 2 buổi/ngày. |
Đảm bảo thời lượng tối thiểu có 1 tiết/ngày học sinh tự học có hướng dẫn; các tiết tự học có hướng dẫn cùng các tiết học liên kết và tăng cường bổ trợ được xếp vào các giờ học buổi chiều của các ngày trong tuần.
Trong công văn này cũng quy định, căn cứ nhu cầu tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh và điều kiện đảm bảo về giáo viên, cơ sở vật chất, các trường có thể xây dựng đề án phối hợp chương trình liên kết tổ chức dạy thí điểm, làm quen Tiếng Anh cho học sinh các lớp 1, 2 và dạy bổ trợ tối đa 2 tiết/tuần nhằm đảm bảo đủ 4 tiết/tuần cho học sinh các lớp 3, 4 và 5…
Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học Ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 được quy định như sau:
|
Như vậy, theo các quy định này thì chỉ có tiết học Tiếng Anh không phải là tiết học chính khóa được phép bố trí trên thời khóa biểu và phải học vào buổi chiều, không có một quy định nào về việc môn Kỹ năng sống là môn học được xếp trên thời khóa biểu.
Hiệu trưởng của một tiểu học ở quận Ba Đình cho biết: “Không có trường tiểu học nào dạy 2 buổi/ngày mà xếp thời khóa biểu buổi sáng 5 tiết cả. Việc xếp như vậy gây quá tải rất lớn cho học sinh. Bên cạnh đó quy định của ngành là không quá 7 tiết/ngày nhưng ở đây có đến 3 ngày học sinh học 8 tiết/ngày là sai quy định. Bên cạnh đó môn Kỹ năng sống là môn học tự chọn (không bắt buộc) trên tinh thần tự nguyện của học sinh và sự đồng ý của phụ huynh nên không được phép đưa vào thời khóa biểu. Kỹ năng sống chỉ được phép tổ chức ngoài giờ học chính khóa dưới hình thức câu lạc bộ.”
Trường không chỉ sai trong việc đưa môn Kỹ năng sống vào thời khóa biểu, nhiều bậc phụ huynh còn tiếp tục thông tin: Trường tiểu học Hải Bối viết phiếu thu cũng không đúng quy định và có phần mập mờ. Thậm chí còn có tình trạng giao việc thu tiền học hàng tháng của học sinh cho giáo viên và trong phiếu thu giáo viên lại ký xác nhận.
Căn cứ trên phiếu thu của phụ huynh gửi cho chúng tôi có thể dễ dàng nhận thận: Không có phần xác nhận rõ ràng của Phòng kế toán - Tài vụ của nhà trường, chỉ có chữ ký và không có họ tên người thu. Bên cạnh đó nhiều phiếu thu xuất hiện tình trạng thu tiền trước của phụ huynh đến tận tháng 5/2018.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay: Về nguyên tắc các khoản thu trong nhà trường phải thông qua phòng kế toán – tài vụ. Việc các trường ủy quyền cho giáo viên thu chỉ là hình thức thu hộ và trách nhiệm phòng kế toán –tài vụ phải gửi lại phiếu thu cho phụ huynh có xác nhận của đơn vị này.
Thông tin với báo Dân trí, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh cho biết: Trong chiều nay sẽ về làm việc trực tiếp với trường tiểu học Hải Bối và sẽ có thông tin trả lời sau.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn biến tiếp theo của sự việc này
Chưa giải quyết thấu đáo vấn đề lạm thu? Trước đó vào ngày 21/9, trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh xác nhận với báo chí, việc trường tiểu học Hải Bối tổ chức thu 100.000đ/học sinh/tháng để hỗ trợ soạn giảng ở lớp mũi nhọn và 35.000đ/học sinh/tháng đối với một số lớp có máy chiếu là sai. Sau khi có phản ánh của phụ huynh, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm trả lại khoản thu hỗ trợ soạn giảng này. |
.
Tác giả: Nguyễn Hùng
Nguồn tin: Báo Dân trí