Giáo dục

Vùng lũ kép: Vẫn dạy chay, học chay!

Sau cơn lũ lịch sử đã hơn một tháng, dù đã đến trường nhưng việc dạy và học của thầy trò các trường học ở rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn chưa thể trở lại bình thường bởi toàn bộ thiết bị phục vụ cho việc dạy và học đều bị lũ cuốn trôi.

Mặc dù Hà Tĩnh đã có những chủ trương, chính sách nhằm nhanh chóng khôi phục cho ngành giáo dục các vùng lũ, thế nhưng cho đến nay những chủ trương, chính sách nói trên vẫn… chỉ nằm trên giấy, thầy trò nơi đây đến trường học mà như đi hội nghị.


Thống kê chưa đầy đủ từ Phòng Giáo dục huyện Hương Khê cho biết: Cơn lũ lớn nhất trong vòng 100 năm qua đã tàn phá hơn 300 phòng học của các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn toàn huyện. Hơn 3 nghìn bộ bàn ghế trong các phòng học, 3.671 bộ thiết bị dạy và học bị cuốn trôi theo lũ; trên 37 nghìn cuốn SGK, tài liệu tham khảo của giáo viên và học sinh bị hư hỏng nghiêm trọng, hàng trăm bộ máy vi tính, thiết bị CNTT khác bị ngâm nước…thiệt hại trên 40 tỷ đồng.


Sau khi lũ đi qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm cùng với sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò trong toàn ngành, học sinh vùng quê nghèo Hương Khê đã rũ bùn đến trường. Tuy nhiên, việc dạy và học trở lại chưa thể gọi là bình thường được, bởi hầu hết các trường học từ bậc mầm non đến bậc THPT đang phải dạy, học “chay” vì mọi thứ trang thiết bị không còn.


“Nghe đâu tỉnh bảo sẽ phân ngân sách qua Sở rồi Sở sẽ phân về các Phòng Giáo dục các huyện, nhưng đợi dài cổ mà chẳng thấy tiền bạc đâu cả!”- thầy Minh không giấu được sự mệt mỏi trên khuôn mặt.Thầy Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Khê buồn bã nói với chúng tôi: “Ngành giáo dục Hương Khê đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề chưa từng có trong lịch sử do lũ lụt gây ra. Tưởng rằng sau khi có chủ trương hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt tỉnh sẽ cấp ngân sách kịp thời về cho ngành phân bổ đến các trường mua sắm lại thiết bị phục vụ công tác dạy và học, nhưng đã hơn một tháng rưỡi trôi qua, chủ trương vẫn chỉ… nằm trên giấy. Nếu cứ tiếp tục kéo dài thì cả thầy và trò chúng tôi chỉ đến trường chiếu lệ chứ không thể nói là dạy và học đúng nghĩa được”.


Cùng có chung tâm sự như thầy Minh, cô giáo Lê Thị Hoa Lài, Hiệu trưởng trường mầm non Hương Thuỷ, Hương Khê lo lắng: “Tôi e rằng công tác dạy và học của trường khó mà ổn định được như trước lũ chị ạ! Học sinh mầm non rất cần những bức tranh, những món đồ chơi, các tài liệu để minh họa nhưng hiện nay toàn bộ thiết bị đều chẳng còn lại một thứ gì ngoài mấy tấm chiếu rách phụ huynh mang cho, nếu không kịp thời hỗ trợ cho trường mua sắm lại thì rất nguy…”.


Theo tính toán của các nhà chuyên môn, muốn trang bị bộ thiết bị dạy, học đúng tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT đề ra cho một trường học mầm non, một trường cấp I phải mất 200 triệu đồng, cấp II là 400 triệu (đó là chưa tính đến chi phí xây dựng lại các phòng bộ môn) nhưng từ sau lũ đến nay ngành giáo dục Hương Khê chỉ mới được cấp hơn 2 tỷ đồng để phân cho các trường mua sắm lại bàn ghế, sửa chữa phòng học, còn tiền hỗ trợ cho ngành để mua sắm lại thiết bị dạy, học thì chưa thấy đâu.

Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP