Trong nước

Vùng ảnh hưởng của bão số 6 bao trùm toàn bộ miền Bắc

Theo nhận định chung, sau khi đi vào Biển Đông ngày hôm qua (22/8), bão số 6 đã mạnh thêm và đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng vào đất liền Trung Quốc. Mặc dù không đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng vùng ảnh hưởng của bão sẽ bao trùm đất liền khu vực Bắc Bộ gây mưa rất lớn.

Sáng nay (23/8) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 6.

Theo nhận định chung, sau khi đi vào Biển Đông ngày hôm qua (22/8), bão số 6 đã mạnh thêm và đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng vào đất liền Trung Quốc.

Mặc dù không đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng vùng ảnh hưởng của bão sẽ bao trùm đất liền khu vực Bắc Bộ gây mưa rất lớn.

Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là theo dõi, kiểm đếm quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Riêng đối với các tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Hoàn lưu bão số 6 sẽ kèm theo gió mạnh và mưa lớn vì vậy các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ, lũ quét và sạt lở đất, nhất là các địa phương: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang…

Ứng phó với mưa lớn của hoàn lưu bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện yêu cầu các công ty Thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La và mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 13h trưa nay (23/8).

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai lưu ý: Tổng cục đang tập trung chỉ đạo xả lũ các hồ chứa.

Về lũ ống, lũ quét đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc việc ứng trực, các ban chỉ huy phải cử cán bộ xuống ứng trực tại các trọng điểm xung yếu kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Đặc biệt chú ý các khu vực khai thác hầm lò, khoáng sản và các địa phương giáp biên giới.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng yêu cầu theo dõi sát diễn biến của bão, nhất là những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các hầm lò khai thác than…. Đồng thời tăng cường dự báo tình hình mưa, lũ ở những khu vực trọng điểm phục vụ kịp thời công tác tham mưu trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo và các địa phương.

Ông Thắng nhấn mạnh: Tăng cường công tác dự báo để phục vụ việc chỉ đạo. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Viện khí tượng thủy văn các địa phương thu thập và đưa ra những dự báo cụ thể và chính xác hơn tại các vùng trọng điểm, nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét.

Những dự báo này phải được truyền tải kịp thời đến các thành viên Ban chỉ đạo và các địa phương để khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Đề nghị các địa phương phải thành lập kênh thông tin để truyền tải đến các huyện, xã thậm chí đến các thôn, xóm, nhất là các vùng miền núi dễ bị chia cắt khi thiên tai xảy ra.

Bão số 6 tiếp tục áp sát đất liền Trung Quốc

Hồi 10h ngày 23/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông ngay trên vùng bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong 6h tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Dự báo trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) sau đó suy yếu dần.

Đến 10h ngày 24/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,2 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua gió bão cấp 11-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Từ chiều nay, ở Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6, riêng phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ gần sáng mai (24/08) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng trong đêm nay và sáng mai (24/8) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biên giới tỉnh Hà Giang có gió giật cấp 7.

Từ tối và đêm nay (23/8) đến ngày 25/8 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to; các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa 100-200mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu 250-300mm/đợt).

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP