Văn hoá Dân gian

Vui, buồn Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh

Cánh màn nhung của sân khấu Liên hoan dân ca Nghệ Tĩnh vừa khép lại với rất nhiều những dấu ấn buồn vui. Hơn 60 tiết mục tham gia liên hoan của 21 CLB đã mang đến cho khán giả những màu sắc riêng trong mênh mang văn hóa đôi bờ sông Lam, sông La.

Tuy vậy, 2 ngày diễn ra liên hoan cũng cho thấy nhiều khuyết thiếu trong quá trình tuyên truyền, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc này.


Mênh mang đôi bờ ví, giặm


Trong 2 ngày diễn ra liên hoan, từ tiết mục đầu tiên đến tiết mục cuối cùng đều cho thấy hồn quê Nghệ – Tĩnh chứa chan trong từng câu hát ví, giặm đang được các địa phương lưu giữ dưới nhiều hình thức. Hầu hết các CLB đã đáp ứng quy định phải có ít nhất 50% tiết mục nguyên gốc của Ban tổ chức. Nhiều CLB đã chú trọng yếu tố nguyên gốc ở môi trường, không gian và hình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, cảnh trí thông qua các thể hát chính như ví, giặm, xẩm.


Những bài hát cải biên cũng đã phần nào tái tạo các trò diễn xướng dân gian và đan cài những tình cảm thời đại với những khúc hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ. Rất nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu đã mang đến liên hoan một bữa tiệc âm nhạc vừa đậm chất truyền thống vừa mang hơi thở hiện đại. Khán giả nhí Ngô Sỹ Ngọc Huy (học sinh lớp 6 – THCS Lê Bình) cho biết: “Cháu rất thích nghe dân ca, hôm nay đến xem các đội thi với nhau, được xem lại cảnh sinh hoạt ngày xưa cháu càng yêu mến dân ca ví, giặm”.

Vui, buồn Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

Tiết mục hát ví phường vải Trường Lưu (CLB Trường Lưu – Can Lộc) đem đến không gian diễn xướng cổ xưa

Rút kinh nghiệm từ kỳ liên hoan trước, nhiều CLB đã chú ý đến yếu tố mỹ thuật, phục trang, đạo cụ sân khấu hầu hết hợp với không gian nguyên thể của dân ca ví, giặm. Hầu hết các tiết mục đều sử dụng và tự chơi nhạc cụ dân tộc với nhị, trống, đàn bầu thay cho đàn óc-gan như trước đây. Điều này chứng tỏ công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví giặm được các địa phương quan tâm và hoạt động thường xuyên. Thông qua các tiết mục cũng cho thấy các nghệ nhân, diễn viên thể hiện chính xác và tốt các làn điệu dân ca. Trong đó các nghệ nhân trẻ đã biết nắm bắt, thể hiện tốt kỹ năng, cách thức hát dân ca ví giặm. Bên cạnh đó nhiều gia đình nghệ nhân với 3, 4 thế hệ cùng tham gia liên hoan lần này cho thấy sức sống bền sâu của dân ca ví giặm.


Tại liên hoan này, không còn thấy sự lẫn lộn hay đồng nhất trong cách hát các điệu ví khác nhau, chẳng hạn như ví trèo non thì hát rõ ra chất trèo non còn ví đò đưa thì đúng chất mênh mang sông nước… Nhiều nghệ nhân, diễn viên đã để lại dấu ấn đặc biệt khi thể hiện sự tập luyện công phu, miệt mài trong kỹ thuật nhả chữ, ngân nhịp, đồng thời sáng tạo thể hiện âm ngữ địa phương. Từng điệu hò, câu giặm, lời ví đều được họ trình diễn linh hoạt, thông minh, hóm hỉnh làm bật lên sự mộc mạc, dân dã mà không kém phần tinh tế, uyên thâm của dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh. Nổi bật như tiết mục “Nguyệt dạ tỏ lòng” của CLB Trường Lưu (Can Lộc), “Đối ca o hàng bán rượu” của CLB Diễn Mỹ (Diễn Châu), “Hát ví đối đáp O Nhẫn” của CLB Kỳ Thư (Kỳ Anh) v.v…

Vui, buồn Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

Tiết mục với sự tham gia của 4 thế hệ trong gia đình nghệ nhân Võ Thị Vân ở Ngọc Sơn (Thanh Chương)

Bà Phan Thư Hiền – thành viên BGK cho biết: “Nhìn chung, chất lượng nội dung và nghệ thuật của liên hoan lần này cao hơn lần trước. Các đơn vị tham gia liên hoan đã thể hiện rõ gương mặt đại diện cho phong trào hát dân ca ở cơ sở. Số tiết mục tự biên, tự diễn khá nhiều, phản ánh được không gian văn hóa và môi trường diễn xướng mang sắc văn hóa cũng như tập quán sản xuất địa phương. Điều này chứng tỏ sức sống của dân ca ví giặm ngày càng mạnh mẽ trong đời sống nhân dân”.


Còn đó những dấu lặng…!


Nỗi buồn lớn nhất của liên hoan lần này không nằm ở sự yếu kém hay sự nhầm lẫn, vi phạm thể lệ của các CLB mà chính là ở khâu tuyên truyền. Hầu hết các buổi biểu diễn, khán giả rất lèo tèo, trong số đó có rất nhiều người yêu mến dân ca, có nhu cầu thưởng thức nhưng không hề có thông tin về hoạt động này. Bà Phạm Thị Trúc – người dân ở phường Bắc Hà cho biết: “Tôi rất yêu dân ca ví, giặm, hôm trước cũng có xem chương trình khai mạc nhưng không hề biết là có 2 ngày thi giữa các đội tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh để đến xem”.

Vui, buồn Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

Khán đài thưa thớt người xem

Không chỉ vắng khán giả mà chính các CLB tham gia liên hoan cũng rất thờ ơ với đội bạn. Mặc dù BTC có quy định, ngoài thời gian đi giao lưu tại các địa phương thì các đội phải có mặt ở địa điểm thi nhưng hầu như sau khi kết thúc phần thi của mình thì các CLB cũng rời điểm diễn. Mục đích cọ xát, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương mà BTC đưa ra vì thế không có hiệu quả. Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh (Cẩm Mỹ – Cẩm Xuyên) cho biết: “Mặc dù không tham gia liên hoan kỳ này nhưng vợ chồng cô vẫn theo sát từng buổi diễn. Thứ nhất là vì yêu thích, thứ 2 là cũng để học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác. Nhiều địa phương ở Nghệ An họ làm rất tốt và đây chính là cơ hội để mình thu nhận kiến thức cháu à”. Tiếc rằng, người như vợ chồng cô Minh quá ít thậm chí là hiếm hoi trên khán đài.


Bên cạnh đó, việc chưa phân biệt dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển dẫn đến việc nhầm lẫn giữa cũ và mới, giữa trò diễn xướng và hoạt ca dân ca ngày nay cũng cho thấy ý thức nghiên cứu, bảo tồn chưa cao ở một số địa phương. Nhiều đội cho khán giả cảm giác như hát trả bài, ép buộc, được chăng hay chớ. Không đầu tư tìm hiểu, dàn dựng, một số CLB chủ yếu sưu tầm những tiết mục có sẵn dẫn đến tình trạng thiếu bản sắc và trùng lặp với nhiều CLB khác. Có thể thấy bài hát “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm” được rất nhiều đội chọn thể hiện, tuy có đầu tư phần mỹ thuật sân khấu khác nhau nhưng cũng cho thấy sự tìm tòi, say mê còn ít. Và khách quan, chất lượng nghệ thuật của các CLB đến từ Nghệ An vẫn cao hơn các CLB ở Hà Tĩnh. Ở họ có sự nhuần nhuyễn, thông thạo và khả năng sáng tạo, ứng biến tốt hơn.


Nhiều tiết mục của các CLB đến từ Nghệ An đậm bản sắc văn hóa địa phương và có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện được đánh giá cao. Sở dĩ có thực tế đó là công tác bảo tồn, truyền dạy của Nghệ An được triển khai dìu dắt từ rất lâu trước đó bởi đông đảo nghệ nhân cũng như nghệ sỹ của nhà hát dân ca và sau này là Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ.

Vui, buồn Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

Tiết mục đậm sắc thái địa phương của đội Nam Thái (Nam Đàn)

Ở Hà Tĩnh lực lượng nghệ nhân phát huy được vai trò của mình chưa nhiều, việc sưu tầm và truyền dạy chưa được chú trọng.


Ngoài ra, một số tiết mục tại liên hoan lần này cũng quá lạm dụng thổ ngữ địa phương hay nói lái, đố tục giản thanh quá nhiều gây khó hiểu cho khán giả và làm giảm tính nghiêm túc, hóm hỉnh, tinh tế của dân ca ví, giặm. Qua các chương trình biểu diễn của các CLB cũng cho thấy lực lượng nghệ nhân cao tuổi và tác giả viết, soạn lời cho dân ca ví, giặm ngày càng ít.


Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh kết thúc sau 2 ngày tranh tài sôi nổi. Ban tổ chức đã chọn trao 2 giải nhất cho CLB xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) và CLB thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh). BTC cũng trao trao giải A cho 23 tiết mục xuất sắc nhất cùng nhiều giải phụ khác. Đó là sự ghi nhận quý giá đồng thời là sự động viên, khích lệ đối với những nỗ lực, đóng góp trong việc dựng gìn giữ và phát huy những giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh. Qua đó chắp cánh cho dân ca ví, giặm đến những chân trời xa trên thế giới.


Anh Hoài

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Vui , buôn , Dân ca ví , Liên hoan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP