Nông Thôn Hà Tĩnh

Vụ xuân ở Hà Tĩnh được mùa toàn diện

Vụ xuân 2014, nông nghiệp Hà Tĩnh thắng lợi toàn diện trên cả diện tích, sản lượng và phát triển mô hình sản xuất mới. Đây được xem là bước chạy đà hoàn hảo cho thắng lợi những vụ sản xuất tiếp theo.

Được mùa

Về huyện lúa Can Lộc, Đức Thọ… (Hà Tĩnh) đang mùa thu hoạch, ngõ xóm vắng tanh, mọi người dân đang mặc áo tơi đội nắng ra đồng, tất bận với lúa. Cánh đồng vàng điểm xuyết những chiếc máy gặt đập liên hoàn chạy đi, chạy lại “ăn” lúa, trông không chán mắt. Không chỉ ban ngày, mà mọi người còn tranh thủ làm đêm cho kịp thời vụ. Đi đến đâu, đều thấy bà con nông dân phấn khởi khoe: Năm ni được mùa. Chị Võ Thị Ánh ở thôn Trung Tiến, xã Trung Lễ, (Đức Thọ) chia sẻ: “Chưa năm mô mà được mùa như năm ni. Nhà tui thu hoạch ước gần 6,5 tấn/ha, cao hơn mọi năm chừng năm tạ/ha. Mà cả làng, cả xã được mùa chú à!”.

Thu hoạch lúa bằng cơ giới trên đồng ruộng Can Lộc.

Vui chung với không khí được mùa, Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) Mai Khắc Tám cho biết: Nhờ trồng cùng thời vụ, cùng giống trên diện tích lớn và gặt bằng máy nên xã thu hoạch gọn 333 ha lúa Xuân chỉ trong bốn đến năm ngày. Bà con lại phấn khởi không chỉ năng xuất lúa đạt cao mà đầu mùa, lúa hàng hóa, lúa chất lượng dễ bán…

Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ Nghiêm Sỹ Đồng cho biết: Vụ Xuân 2014, Đức Thọ sản xuất hơn 6.300 lúa với các giống chủ lực như; P6, Xi23, RVT, VTNA 2, Nếp, Bắc Thơm số 7… cho năng xuất bình quân đạt 62,7 tạ/ha (cao hơn bình quân các năm trước khoảng ba đến bốn tạ/ha trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% diện tích. Điều đáng mừng, lúa năm nay trồng đúng lịch thời vụ, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, nên sạch. Không chỉ được mùa mà được giá, khi giá lúa chất lượng cao tư thương thu mua bình quân từ 7,5 đến 9.000 đồng/kg…

Khi lúa đầy bồ, thì cũng là lúc mọi người lại tiếp tục động viên nhau cày ải, gieo cấy vụ hè thu. Họ đang “vắt chân lên cổ” chạy đua với thời vụ, phấn đấu gieo cấy xong toàn bộ vụ hè thu trước trung tuần tháng sáu. Chị Ánh còn cho biết thêm: “Để kịp tiến độ, vừa tránh nắng, hai ba giờ sáng là cả xóm lục đục kéo nhau ra đồng. Tranh thủ mọi thời gian, mạ đủ tuổi là tập trung nhân lực cấy sớm, đến lúc nắng lên là bà con lại lên bờ về phơi lúa, phơi rơm. Được cái, nhờ bắc mạ chân ruộng mà rút ngắn được thời gian làm hè thu”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện Can Lộc cho biết thêm: Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư cơ giới những năm trước đó mà nay huyện lúa Can Lộc đã cơ bản thực hiện việc cơ giới hóa khâu thu hoạch và làm đất. Rút thời gian thu hoạch và làm hè thu được gần 10 ngày so với trước đây. Cùng với đó, người dân đã đưa vào sử dụng các bộ giống ngắn ngày (như BTE 1, Bắc Thơm…) cho năng suất, sản lượng cao, Can Lộc phấn đấu triển khai vụ hè thu xong trước ngày 15-6 để kịp thu hoạch lúa trước khi mưa bão đổ bộ vào Hà Tĩnh.

Ông Đồng còn cho biết thêm: Nhờ cơ giới hóa mà Can Lộc đã giảm được áp lực nhân lực ngày mùa; đồng thời, số lao động này sẽ làm ra thêm của cải vật chất qua các hoạt động dịch vụ, thương mại…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Vụ xuân 2014, toàn tỉnh gieo trồng trên diện tích 97.844 ha, tăng 1.039 ha; tổng sản lượng lương thực ước đạt 34,2 vạn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng nói là cơ cấu mùa vụ đã được dịch chuyển mạnh khi diện tích trà xuân muộn chiếm 81,44% tổng diện tích cùng với các giống lúa có chất lượng và sản lượng cao. Các địa phương đã triển khai thành công nhiều cánh đồng mẫu lớn với diện tích 20-50 ha, cá biệt có cánh đồng mẫu lớn lên đến 150 – 300 ha.

Vụ xuân năm nay được đánh giá là vụ được mùa lớn nhất từ trước đến nay với năng suất lúa bình quân cả tỉnh đạt 58 tạ/ha, tăng 3,34 tạ/ha (6,1%) so với vụ xuân 2013; sản lượng ước đạt 33 vạn tấn, tăng 2,5 vạn tấn so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng lúa chất lượng, hàng hóa đạt 13,04 vạn tấn, tăng 2,6 lần.

Lọc cát hoang lấy vàng

Thu hoạch cà chua trồng trên cát hoang hóa, bạc màu ven biển Thạch Hà.

Vụ xuân năm 2014, ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh thắng lợi toàn diện cả diện tích, sản lượng và các mô hình sản xuất mới, nhất là mô hình rau, củ, quả và nuôi tôm công nghệ cao trên cát trắng bạc màu ven biển.

Tổ trưởng tổ kỹ thuật Dự án rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: Được triển khai từ cuối năm 2013 đến nay, dự án xây dựng mô hình rau, củ, quả công nghệ cao cho vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Finepon (Hồng Công) chuyển giao kỹ thuật theo công nghệ cao Đông San đã khẳng định được những kết quả đáng phấn khởi trên nhiều mặt.

Sau bảy tháng trồng thử nghiệm 34 loại rau, củ, quả, đến nay, một số đã cho thu hoạch, như: củ cải nhỏ cho năng suất 26-30 tấn/ha, cà rốt 10 tấn/ha, cà chua 10-12 tấn/ha… Sản phẩm sau thu hoạch được tiêu thụ tại các khu công nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao, bình quân từ 100-200 triệu đồng/ha.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết: Hiện nay, chưa tính đến việc xuất khẩu sản phẩm trong tương lai, sản phẩm rau, củ, quả Hà Tĩnh được nhiều bạn hàng đặt vấn đề ký hợp đồng lâu dài với số lượng lớn, như hệ thống siêu thị lớn như: Co.opmart, Metro đã có yêu cầu đặt hàng với khối lượng lớn… Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để nhân rộng mô hình này. Hiện, một số doanh nghiệp và tổ hợp tác đã liên kết với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh để phát triển nhanh mô hình trồng rau, củ, quả này.

Hà Tĩnh phấn đấu trong năm 2014, phát triển được 200 ha rau, củ, quả và đến năm 2016 đạt khoảng 600 ha tại các vùng đất cát bạc màu ở các huyện: Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh cùng một số địa phương khác.

Gần đây, các vùng cát sa mạc ven biển của Hà Tĩnh lại “nóng” lên khi các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát hoang ở Nghi Xuân, Thạch Hà của các ông Nguyễn Công Hoàng, Bùi Tùng Phong, bà Nguyễn Thị Hạnh… cho thu nhập ròng hàng tỷ đồng/ha/năm. Tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm trên cát công nghệ cao ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên…

Ở một số địa phương, trước sức ép mùa vụ, người dân đã thuê máy móc về đào hồ tôm, khi thủ tục chưa hoàn tất. Đến nay, Hà Tĩnh đã triển khai được 70 ha mặt nước nuôi tôm trên cát công nghệ cao và đang cho kết quả khả quan….

Không chỉ làm được cuộc “cách mạng” biến vùng cát hoang hóa ven biển thành những cánh đồng sản xuất rau hàng hóa, nuôi tôm cho thu nhập cao, mà còn tạo được hiệu ứng mạnh mẽ và sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về hướng phát triển kinh tế hiện đại, hiệu quả; đồng thời, mở ra hướng làm ăn mới nhanh chóng thoát nghèo cho vùng đất được mệnh danh là “dân tộc” biển.

Một điều đáng phấn khởi nữa, nhờ tập trung chỉ đạo Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới cùng chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn vay nên trong năm tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã phát triển thêm 291 mô hình kinh tế có doanh thu hơn 100 triệu đồng, nâng tổng mô hình có hiệu quả lên 2.571 mô hình; trong đó: có 331 mô hình loại lớn doanh thu trên một tỷ đồng, 200 mô hình loại vừa doanh thu từ 500 triệu đến một tỷ đồng và 2.040 mô hình loại nhỏ doanh thu 100-500 triệu đồng…

Thắng lợi toàn diện của vụ xuân này sẽ là bước tạo đà thuận lợi cho vụ hè thu tiếp theo của nông dân Hà Tĩnh.

THÀNH CHÂU

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP