Phóng sự - Ký sự

Vụ tồn đọng đất hơn 20 năm ở Hà Tĩnh: Treo đất vàng, dân thiệt nặng (Bài 1)

Hàng chục hộ dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh chắt chiu, gom góp mua (hoặc được cấp nhưng phải nộp phí) để có được mảnh đất ở thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm “của để dành” nhưng đến nay có nhiều người đã “gần đất xa trời” nhưng vẫn chưa được đến ở, cũng như không nhận được đền bù. Sự việc kéo dài đã hơn 20 năm…

hatinh24h

Người dân chỉ khu đất chỉ được đền bù tài sản trên đất.

Bài 1: Treo đất vàng, dân thiệt nặng

Mòn mỏi chờ đền bù    

Báo Đại Đoàn Kết nhận được đơn thư phản ánh của 5 hộ dân nhường đất cho Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Gia Lách của Công ty CP Hoàng Mai Ngọc (nay là Công ty CP đầu tư du lịch dầu khí Nghệ An).

Theo phản ánh của các hộ dân (Nguyễn Thị Lợi – phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh; Nguyễn Cảnh Hồng – phường Đội Cung, TP Vinh – Nghệ An; Nghiêm Đình Phúc – phường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh; Nguyễn Tiến Quán – TP Vinh, Nghệ An; Nguyễn Đình Vũ – phường Trung Đô, TP Vinh), họ đều có đất ở rộng hơn 100m2, bám mặt đường QL1A, gần cầu Bến Thủy 1, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân.

Mặc dù các hộ gia đình đã xây móng để làm nhà, nhưng năm 2006, thực hiện chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh, các hộ đã thực hiện giải phóng mặt bằng, nhường đất cho Công ty Hoàng Mai Ngọc làm đường vào Khu du lịch sinh thái.

Theo phản ánh, 5 hộ mới chỉ nhận được tiền đền bù tài sản trên đất. Bà Nguyễn Thị Lợi cho biết: Bà là công nhân Xí nghiệp thủy lợi Nghi Xuân nên năm 1992 bà được xét cấp mảnh đất rộng 110m2 tại xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An), năm 1994 thì được chính quyền huyện Nghi Xuân cấp bìa xanh.

Sau đó, bà cho người xây móng để làm nhà được một thời gian thì năm 2006 Công ty CP Hoàng Mai Ngọc được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái nên bà đã nhường đất cho dự án này. Khi nhường đất cho dự án, bà chỉ nhận được tiền đền bù tài sản trên đất là hơn 2 triệu đồng, còn tiền đền bù đất ở thì được hẹn là 1 tháng sau sẽ trả.

Vậy nhưng, đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, bà Lợi vẫn chưa nhận được đồng nào. “Tôi đã già rồi chỉ mong họ đền bù tiền hoặc cấp mảnh đất mới để làm nhà cho con. Nếu họ không giải quyết thì tôi chết cũng không nhắm mắt được” – bà Lợi nói.

Cũng chung tâm trạng như bà Lợi, ông Nguyễn Cảnh Hồng chia sẻ: “Tôi mua mảnh đất ở Xuân An, Nghi Xuân từ năm 1993, nhưng vướng mắc đến nay không được làm nhà mà tiền cũng không được đền bù để mua đất khác làm nhà cho con. Tôi có 2 đứa con trai, một đứa đã lấy vợ rồi đang ở chung với nhà tôi ở đây còn một đứa thì nói làm nhà rồi mới chịu lấy vợ. Tôi đã làm đơn khiếu nại mấy năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ngày 23/6/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh giải quyết đơn thư của tôi nhưng đến giờ vẫn chưa có hồi âm”.

Theo phản ánh của người dân, do tin vào Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBT GPMB) dự án Khu du lịch sinh thái Gia Lách (do ông Nguyễn Hiền Lương – Phó Chủ tịch huyện Nghi Xuân kiêm Chủ tịch HĐBT GPMB, nay là Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh) cùng chính quyền thị trấn Xuân An và Công ty CP Hoàng Mai Ngọc nên ngày 6/6/2006, các hộ dân đã thống nhất ký vào bản cam kết nhường đất cho dự án. Đổi lại, 5 hộ dân được nhận tiền đền bù đất ở theo giá quy định của tỉnh Hà Tĩnh tại Quyết định số 461/2006/QĐ ngày 10/2/2006 cho số diện tích đã được cấp có hồ sơ hợp pháp.

Theo bản cam kết, về thời gian nhận tiền, 5 hộ dân được nhận tiền “trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký cam kết. HĐ GPMB huyện Nghi Xuân phải báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến giải quyết và thanh toán số tiền bồi thường về đất ở cho hộ gia đình”. Còn về tài sản trên đất thì “hộ được nhận tiền tài sản đền bù trên đất do Công ty CP Hoàng Mai Ngọc trực tiếp chi trả”.

Theo Báo cáo số 408/UBND-TP ngày 22/5/2014 của ông Đặng Văn Tính (nguyên Chủ tịch huyện Nghi Xuân, nay đang là Phó ban Nội chính tỉnh Hà Tĩnh), sau khi 5 hộ dân ký cam kết, ngày 6/7/2006, HĐGPMB huyện Nghi Xuân tiến hành kiểm kê, tính toán giá trị bồi thường về đất và tài sản trên đất trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng số tiền hơn 1,028 tỷ đồng, trong đó bồi thường vật kiến trúc là hơn 81 triệu đồng, đất ở là hơn 928 triệu đồng, kinh phí BQL là hơn 18 triệu đồng.

Nhưng do điều kiện UBND tỉnh không cân đối được ngân sách hỗ trợ nên không phê duyệt phương án này. Mặt khác, doanh nghiệp Hoàng Mai Ngọc cũng không có tiền đền bù bồi thường đất ở cho 5 hộ và mới chỉ đền bù vật kiến trúc (móng nhà) cho 5 hộ với số tiền là 72.788.000 đồng. Đến nay, đường vào Khu du lịch sinh thái và khách sạn Gia Lách hoàn thành đưa vào sử dụng đã lâu nhưng 5 hộ trên vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất và đền bù tiền đất.

“Treo” vô thời hạn

Đem những phản ánh của người dân đến hỏi chính quyền huyện Nghi Xuân, được biết, sự việc này nằm ngoài tầm giải quyết của huyện và không chỉ dừng lại ở 5 hộ dân mà lên đến 55 hộ. Giải quyết tồn đọng đất đai đang là vấn đề bức thiết ở huyện Nghi Xuân.

5 hộ dân đề cập ở trên là nằm trong số 55 hộ được UBND huyện Nghi Xuân cấp đất ở hoặc có hồ sơ giao đất làm nhà ở tại khu vực hai bên QL1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy 1 từ năm 1992-1993. Ngày 11/10/1993, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định số 1217/QĐ-UB “Về việc đình chỉ các hộ dân cư xây dựng nhà ở, quầy quán trên khu đất chưa có quy hoạch và quyết định của UBND tỉnh phê duyệt – Phạm vi đình chỉ hai bên đường 1A từ trạm barie xuống mô cầu Bến Thủy”. Điều đáng nói là quyết định này không nói đến thời hạn đình chỉ là đến khi nào.

Ngoài ra, giai đoạn từ năm 1991-1994, khu vực QL1A đoạn từ barie đến cầu Bến Thủy 1, chính quyền địa phương (huyện Nghi Xuân, xã Xuân An) còn thu tiền nhưng chưa giao đất cho 23 hộ dân khác. Trong số 55 hộ “vướng” quyết định đình chỉ nói trên thì có 1 hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố (hộ ông Hồ Thông, ngay sát cầu Bến Thủy 1) và 1 hộ đã được chuyển đổi vị trí khác.

Điều đáng nói là mặc dù đã có quyết định đình chỉ xây dựng nhưng năm 1994 UBND huyện Nghi Xuân vẫn cấp bìa xanh cho một số hộ dân và thu tiền thuế sử dụng đất trong nhiều năm liền. Mặt khác, năm 2006 UBND tỉnh Hà Tĩnh lại chấp thuận cho Công ty Hoàng Mai Ngọc xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Gia Lách trong đó có phần đường đi vào Khu sinh thái “dính” phần đất thuộc 5 hộ nói trên nhưng lại không yêu cầu Công ty này đền bù tiền đất cho dân. Sự việc kéo dài hơn 10 năm gây bức xúc trong dư luận và dẫn đến khiếu nại tố cáo vượt cấp.

Hạnh Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP