Tin Hà Tĩnh

Vụ s.ạ.t l.ở nhiều người t.ử v.o.n.g: Vi phạm mở đường trái phép trên rừng phòng hộ

Quá trình thi công dự án đường dây 500kV, đơn vị thi công đã vi phạm mở đường trái phép một số diện tích trên đất rừng phòng hộ.

Vi phạm mở đường trái phép trên đất rừng phòng hộ

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 226km, là một trong bốn dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3, có chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, BQL dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) quản lý điều hành. Dự án qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 141,52km, với 285 vị trí móng cột, đi qua 08 huyện, thị xã.

Khu vực xảy ra vụ sạt lở khiến 03 công nhân tử vong.

Ngày 19/3/2024, UBND Hà Tĩnh ban hành Quyết định Số 687/QĐ-UBND do Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hồng Lĩnh ký, đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng 21,7855ha rừng sang đất thực hiện Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Tại quyết định này, UBND tỉnh giao các huyện có dự án đi qua: Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và CPMB phải chịu trách nhiệm bồi thường, GPMB, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo đúng phạm vi ranh giới diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, quá trình thi công, đơn vị thi công đã vi phạm mở đường công vụ trái phép trên một số diện tích rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi. BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh – đơn vị chủ rừng đã nhiều lần phát văn bản đề nghị chấn chỉnh.

Quá trình thi công, đơn vị thi công là Công ty Sông Đà 5 đã mở đường trái phép trên đất rừng phòng hộ với chiều dài 134m, chiều rộng 4,5m, tổng diện tích 603m2.

Cụ thể: Ngày 06/3/2024, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã phát Văn bản số 67/BC-PHNHT về việc vi phạm mở đường trái phép trên đất rừng phòng hộ của đơn vị thi công là Công ty CP sông Đà 5 với tổng diện tích 603m2, tại Khoảnh 2, Tiểu khu 388A (địa bàn phường Kỳ Long) thuộc lâm phần do BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý. Ngoài ra, quá trình mở đường trái phép trên diện tích rừng phòng hộ nói trên, đơn vị thi công còn “đốn hạ” 25 cây gỗ tự nhiên có đường kính 8 – 25cm, chiều cao 5 – 7m.

Điều này, cũng đã được BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh nhấn mạnh tại Văn bản số 68/PHNHT ngày 06/3/2024 gửi CPMB: "Một số đơn vị xây lắp thực hiện mở đường công vụ ngoài diện tích dự kiến xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; việc phối hợp với chủ rừng để khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích xây dựng các vị trí móng và các tuyến đường công vụ chưa cao, chưa tận dụng tối đa nguồn lâm sản như cam kết. Do vậy, đã làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng môi trường sinh thái; làm thất thoát tài sản của Nhà nước”.

Hiện trường lán trại – nơi 18 công nhân gặp nạn.

Với những vi phạm nêu trên, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã đề nghị chủ đầu tư có ý kiến chỉ đạo đơn vị thi công chấn chỉnh, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết, thời điểm phát hiện đơn vị thi công vi phạm mở đường trên diện tích rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi, BQL rừng đã có ý kiến ngay với chủ đầu tư và với các đơn vị hữu trách liên quan.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho hay, trong tổng số 16,49ha rừng bị ảnh hưởng bởi Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, có hơn 11,3ha đất rừng tự nhiên và 0,0965ha rừng trồng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chuyển đổi mục đích sử dụng, còn lại có 5,1202ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi.

Nguy cơ sạt lở cao

Dự án đường dây 500kV mạch 3 là dự án trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500kV hiện hữu đảm bảo cấp điện cho miền Bắc. Dự án liên quan an ninh năng lượng Quốc gia nên có nhiều tính chất đặc thù được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.

Mũ bảo hộ…

...và ủng của các công nhân bị đất đá vùi lấp tại hiện trường vụ sạt lở.

Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho hay, nhận thức được tầm quan trọng của dự án, nên xuyên suốt quá trình thực hiện, với vai trò là chủ rừng, đơn vị đã liên tục cắt cử lực lượng, kiểm tra, giám sát thường xuyên tại khu vực thi công dự án thuộc lâm phần BQL quản lý.

Ngoài phát hiện vi phạm mở đường công vụ trái phép trên một số diện tích rừng phòng hộ chưa chuyển đổi, chủ rừng cũng đã nhiều lần đề nghị các đơn vị xây lắp trong quá trình thi công đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường như: Chống sạt lở, bôi đắp khe suối, vùi lấp cây rừng và thực hiện tốt công tác PCCR.

Hình ảnh sạt lở trên núi Hoàng Sơn.

Bên cạnh đó BQL cũng đã từng đề nghị chủ đầu tư quán triệt các đơn vị xây lắp, thi công theo đúng vị trí, ranh giới, diện tích các móng trụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Có phương án tạm sử dụng rừng cho đường công vụ theo Nghị định Số 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; sớm hoàn thành hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phần diện tích móng trụ và phương án tạm sử dụng rừng đối với đường công vụ.

“Chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát chứ không có thẩm quyền xử lý. Trong quá trình thi công dự án, khi phát hiện ra vi phạm chúng tôi đều đã có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền. Bên đơn vị thi công họ cũng cam kết sớm hoàn tất các nội dung”, ông Lâm nhấn mạnh.

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh có 42 móng trụ với tổng diện tích 16,49ha với 05 đơn vị thi công, gồm: Công ty TNHH MTV xây lắp điện, Công ty TNHH điện Địa Phương; Công ty CP XD - EVN Quốc tế 1, Công ty lắp máy và xây dựng điện IEC, Công ty Cổ phần Sông Đà 5. Riêng vị trí xảy ra sự cố sạt lở đất do Công ty TNHH xây lắp điện 4 thi công.

Theo ghi nhận, quá trình thi công dự án, nhiều vị trí đồi núi đã bị đơn vị thi công băm xẻ để làm đường công vụ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Móng trụ 28 – khu vực xảy ra vụ sạt lở đất khiến 03 công nhân tử vong có diện tích 5000m2, nằm ở Khoảnh 2, Tiểu khu 389A. Vị trí móng trụ 28 nằm ở lưng chừng núi, với độ cao so với mặt nước biển khoảng 200m. Vị trị lán nơi 18 công nhân gặp nạn nằm phía dưới và cách móng trụ số 28 khoảng 100m.

Theo nhà chức trách, nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở được xác định do mưa lớn, nước từ trên đỉnh núi đổ về khe cạn dẫn đến kéo theo một lượng lớn đất đá lớn, sạt lở xuống vị trí lán nơi 18 công nhân đang ở.

Vị trí móng trụ số 28.

Một lãnh đạo địa phương cũng cho hay, đặc thù thị xã Kỳ Anh có lưu lượng mưa lớn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nguy cơ sạt lở rất cao.

“Khối lượng đất đá tại khu vực cột móng trụ số 28 cũng rất nhiều. Đây là lượng đất đá trong quá trình đào móng trụ đang để đó để sau khi đổ xong trụ móng sẽ được san lấp trở lại vào hố”, một lãnh đạo ngành tại thị xã Kỳ Anh thông tin thêm.

Vị trí lán trại nơi 18 công nhân trú, ở, nằm dưới và cách móng trụ cột số 28 khoảng 100m.

Hiện, nhà chức trách tỉnh này đã tạm đình chỉ thi công vị trí móng trụ số 28 để làm rõ một số quy trình về an toàn lao động, thực hiện theo quy định pháp luật của các đơn vị liên quan vụ sạt lở.

Như đã đưa tin, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 14h ngày 6/5 tại Dự án đường dây 500kV (đoạn qua địa bàn phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Vụ sạt lở đã khiến 03 công nhân tử vong, 04 bị thương, 11 công nhân khác may mắn chạy thoát.

Ngày 7/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Công điện số 45/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân gia đình các nạn nhân trong vụ sạt lở; Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Tĩnh và lãnh đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có sai phạm) theo đúng quy định của pháp luật.

Tác giả: Bùi Thị Ngân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP