Vũ Quang

Vũ Quang: Xây dựng chợ rồi bỏ hoang (!?)

Trong những năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã được đầu tư xây dựng nhiều chợ với số vốn lên đến hàng tỉ đồng. Thế nhưng những chợ này chưa thật sự phát huy tác dụng, thậm chí có còn…bỏ hoang.


Chợ vừa xây xong là… bỏ hoang!

Sơn Thọ là xã thuộc diện 135 của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2004, xã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng chợ nông thôn. Có mặt tại chợ Sơn Thọ, theo quan sát của phóng viên, chợ được đầu tư xây dựng kiên cố gồm phần đình chợ và khuôn viên các ki ốt. Thế những thật trớ trêu, chợ trống hơ trống hoắc, chẳng thấy người bán mà cũng chẳng người mua. Thậm chí đã trở thành nơi chăn thả, nuôi nhốt gia súc, kho chứa gỗ, một góc đã bị người dân chiếm dụng thành nơi sinh hoạt riêng (?)


Khi thấy người lạ đến chợ, nhiều người dân sống gần chợ rất ngạc nhiên nhìn về phía chúng tôi lên tiếng: “Chợ bỏ lâu rồi chú ạ!”. Vờ như không hiểu, một người giải thích: “Từ khi xây xong đến giờ có họp ngày nào đâu, bà con ở đây khi mô có nhu cầu mua bán thì toàn lên Phố Châu (huyên Hương Sơn) thôi”.


Dạo một vòng quanh chợ, chứng kiến chợ “nằm đó” mà ngao ngán. Thật trớ trêu, chợ thì bỏ hoang trong khi người dân có nhu cầu lại phải đi hàng chục Km đường để mua bán?


Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên đã tìm đến UBND xã Sơn Thọ và được lãnh đạo xã cho biết: Chợ Sơn Thọ được xây dựng từ năm 2004 theo chương trình 135 với số vốn đầu tư gần 300 triệu đồng. Mục đích “ra đời” của chợ là phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con nhân dân, đồng thời thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, chợ đã không được phát huy tác dụng”.


Một người dân địa phương lắc đầu than thở: “Mục đích xây dựng chợ thì đã rõ, nhu cầu người dân cũng rất cần. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao không phát huy tác dụng của chợ mà lại xây ra đó rồi bỏ hoang, làm tốn kém tiền của Nhà nước (?).


Theo lãnh đạo xã Sơn Thọ, chợ không họp được là vì người dân ở đây vẫn quen với truyền thống tự sản tự tiêu, hơn nữa ở đây dân cư thưa thớt nên lượng người đến mua bán không nhiều (?)


Liệu có khuất tất trong việc đầu tư xây dựng?




Chợ có nguy cơ thành phế tích. Ảnh: Phạm Tiến



Không chỉ là chợ xã, chợ trung tâm huyện Vũ Quang được xây dựng năm từ năm 2008 và đưa vào sử dụng từ năm 2009, kết cấu gồm đình chợ 2 tầng với tổng diện tích sàn gần 300m2, khuôn viên và hệ thống ki ốt với số vốn đầu tư lên đến gần 5 tỉ đồng. Là chợ trung tâm Thị trấn nhưng trong tình trạng “vắng vẻ”.


Phóng viên có mặt tại chợ và chứng kiến không khí thật buồn tẻ. Tầng trệt chỉ lác đác vài gian hàng, tầng trên thì bỏ trống hoàn toàn. Một tiểu thương tại chợ cho biết: “Ở đây người mua bán ít. Dân cư thì ở đây quy hoạch rồi nhưng họ chưa ở còn lại thì ở dưới kia họ đi chợ Bộng. Vẫn còn rất nhiều ốt để trống”.


Việc đầu tư xây dựng những chợ trên địa bàn huyện để phục vụ như cầu mua bán cho bà con, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển là một việc làm hết sức cần thiết. Thế nhưng chợ xây xong lại bỏ hoang hoặc sử dụng không phát huy được hiệu quả đã gây lãng phí lớn tiền của của Nhà nước là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương chợ xây xong rồi bỏ hoang là do khâu khảo sát, chọn vị trí chưa thích hợp hay xây dựng không phù hợp với văn hóa mua bán của người dân địa phương. Phải chăng vấn đề quy hoạch, khảo sát và thiết kế quy mô, chọn vị trí trước khi quyết định xây dựng chợ ở đây chưa được triển khai một cách bài bản và khoa học. Trong khi những chợ khác trên địa bàn luôn trong tình trạng đất chật, hàng hoá nhiều như chợ Bộng ở xã Đức Bồng lại đang phải gồng mình chống chịu nhiều áp lực kể cả người mua kẻ bán và hàng hoá thì lại chưa được đầu tư xây dựng.


Việc đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chợ để rồi bỏ hoang hay không phát huy hiệu quả gây lãng phí là điều mà dư luận cũng như nhân dân địa phương hết sức quan tâm. Đặc biệt dư luận ở đây còn đặt ra câu hỏi đằng sau việc quy hoạch xây dựng chợ một cách chóng vánh như vậy liệu sâu nó còn điều gì khuất tất ?


Trung Anh – Phạm Tiến

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP