Không phụ lòng người chăm sóc, cam đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập khá mong đợi.
Theo chân ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán này, đâu đâu cũng thấy những vườn cam bù trĩu cành chín màu vàng đỏ. Cũng vì thế, xã miền núi một thời hiếm thấy ô tô về làng bởi đường sá đi lại khó khăn, hàng hóa khan hiếm này sáng sáng xe tải nhỏ, xe tải lớn của các lái buôn ra vào nhận cam đưa đi các phố thị lớn trên cả nước.
Dùng cọc chống đỡ những cành cam bù sai trĩu quả.
Ông Hội nở nụ cười đầy vẻ mãn nguyện, khoe với chúng tôi, đã nhiều năm rồi người dân quê tôi mới có một vụ cam bội thu cả về sản lượng, chất lượng lẫn giá cả. Sản lượng thu nhập tăng lên đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, những xóm thu hoạch cam bù nhiều như xóm 1,3,7. Rất nhiều hộ thu hoạch cam bù đạt sản lượng từ 6-8 tấn/hộ. Cũng theo ông Hội, đây là một năm thời tiết rất đặc biệt, không bão lũ, mưa lạnh ít nên cam dễ dàng đơm trái. “Nếu những năm trước cam chỉ đạt 60% sản lượng, năm nay phải đạt hơn 90%. Thời tiết tốt nên cam cũng phát triển đều, da cam chín đều, đẹp, đặc biệt là cam ngọt lịm và thơm”.
Chúng tôi cùng ông Hội ghé vườn cam của ông bà Bình ở xóm 3. Cả vườn cam chín đều vàng óng. Hương cam thơm phức cùng nụ cười tươi rói, tự tin của đôi vợ chồng già đủ để cảm nhận niềm hạnh phúc của người trồng cam. Tiếp khách lạ, vợ chồng ông Bình hào phóng cắt mấy quả cam bù thiết đãi khách rồi trò chuyện. Hai ông bà không giấu giếm, Tết này ông bà sẽ thu cả trăm triệu đồng tiền cam. “Cả vườn thế, nhưng hôm rồi có mấy người đến sau khi thử đã đặt mua hết cả rồi. Chỉ chờ ít ngày nữa họ đến hái đi. Bán như thế có rẻ hơn chút ít, nhưng khỏe hơn nhiều” – vợ ông Bình cho biết.
Dẫn chúng tôi đến nhiều vườn cam khác, ông chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Thọ nhẩm tính, với hàng chục ha cam, bình quân những hộ trồng cam trong xã đạt 15-17 triệu trên một hộ. Và nhiều hộ gia đình Tết Nguyên đán này sẽ rất sung túc với nguồn thu từ cam đạt từ 300 triệu -400 triệu đồng.
Phát huy tiềm năng vốn có, 90% hộ dân ở nơi đây đã chuyển sang trồng cam là cây nông nghiệp chủ yếu.
Những gốc cam mới trồng và những gốc trên 10 năm đều cho quả sai như nhau