Dòng Sự kiện

Vụ lái xe được bổ nhiệm Phó văn phòng: “Một số huyện có quan điểm sai”

Báo ngày 19/3/2014 đã đăng bài viết “Không chỉ có huyện Nông Cống mới bổ nhiệm lái xe làm phó văn phòng”, phản ánh về việc huyện Tĩnh Gia đã bổ nhiệm hai lái xe không đủ theo tiêu chuẩn giữ chức phó văn phòng tại hai cơ quan Huyện ủy, HĐND – UBND huyện Tĩnh Gia.

Liên quan đến việc một số huyện bổ nhiệm lái xe không đủ tiêu chuẩn giữ chức phó văn phòng mà báo chí đã phản ánh, ông Nguyễn Trọng Tư, Phó ban Tổ chức tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Những đơn vị nào đã bổ nhiệm sai như báo chí nêu thì phải sửa”.
Sáng ngày 25/3/2014, PV Nhà báo & Công luận đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trọng Tư xung quanh vấn đề huyện Nông Cống, huyện Tĩnh Gia và một số nơi khác bổ nhiệm cán bộ lái xe không bằng cấp lên làm Phó văn phòng, ông Tư khẳng định việc Nhà báo & Công luận cũng như một số báo khác nêu về sự việc này là đúng sự thật, góp phần phát hiện vi phạm để tỉnh Thanh Hóa kịp thời chấn chỉnh, xử lý những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm.
Ông Tư cũng khẳng định: “Phó văn phòng là một công chức, hơn nữa là một chức danh, một lãnh đạo nhưng được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học là không đúng. Trong khi chúng ta đang thực hiện nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đến tận cơ sở, công chức cấp xã, kể cả các xã miền núi trong tỉnh đã đáp ứng được 70 – 80% có trình độ đại học. Quan niệm của một số huyện, Phó văn phòng hành chính – quản trị chỉ làm công tác phục vụ nên bổ nhiệm không căn cứ vào tiêu chuẩn phải tốt nghiệp đại học là quan điểm sai lầm, cần phải sửa ngay”.
 
Ông Nguyễn Trọng Tư trao đổi với PV
Trao đổi về việc có nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh vi phạm quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ như trên, ông Tư cho biết: Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện theo quy định của Chính phủ là phân cấp quản lý. Theo đó, việc bổ nhiệm chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng các huyện, thị và tương đương do huyện chịu trách nhiệm. Ban tổ chức tỉnh ủy chịu một phần trách nhiệm do không quản lý hết. Mặt khác, do tin tưởng cấp huyện và có phần chủ quan, chưa chặt chẽ của Ban tổ chức nên mới dẫn đến tình trạng vi phạm trên. Đồng thời tập thể Ban thường vụ các huyện, cá nhân người đứng đầu ký quyết định bổ nhiệm không đúng quy định mà báo chí đã phản ánh cũng sẽ phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm.
Chiều ngày 26/3, PV cũng đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Hoằng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa về vấn đề trên. Ông Hoằng cho biết: “Đối với các trường hợp bổ nhiệm lái xe không đủ tiêu chuẩn mà báo chí đã phản ánh nhưng chưa bị xử lý, tỉnh đang chỉ đạo Ban tổ chức yêu cầu các huyện phải báo cáo cụ thể để xử lý; đồng thời yêu cầu Ban tổ chức rà soát tại các huyện, thị, thành phố xem còn trường hợp nào được bổ nhiệm sai quy định. Nếu có, tỉnh kiên quyết xử lý”.
Theo tìm hiểu của PV Nhà báo & Công luận, tại Thanh Hóa, không chỉ có huyện Nông Cống, huyện Tĩnh Gia mới bổ nhiệm lái xe không có trình độ đại học giữ chức Phó văn phòng. Thực tế còn một số địa phương, đơn vị cũng đã thực hiện việc bổ nhiệm như đã nêu.
Hiện Thanh Hóa có tới trên 20.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm, hoặc làm trái ngành, hoặc chưa bố trí được việc làm phù hợp. Trong khi đó, việc tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa mấy năm qua rất hạn chế về số lượng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp phạm vi nên cũng ít tuyển dụng. Thực tế đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng loại khá, giỏi đã phải ngậm ngùi giấu bằng để xin đi bán hàng ở các trung tâm, siêu thị, vào làm công nhân cho các nhà máy may, công ty da giày trên địa bàn…
Năm 2013 cũng như năm 2014, tỉnh Thanh Hóa chủ trương nói “không” với “chạy chọt” trong thi tuyển công chức, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, phần nào lấy lại được lòng tin của người dân, đem lại niềm hy vọng, sự công bằng cho tất cả những thí sinh dự tuyển. Con số khá ấn tượng và gây “sốc” – minh chứng cho điều này là có tới 71,4% thí sinh bị trượt trong đợt thi tuyển công chức năm 2013 (những năm trước tỷ lệ trượt thi tuyển công chức chỉ khoảng 5%). Ấy vậy mà nhiều địa phương tỉnh này lại vì chữ “tình” mà bất chấp quy định, bổ nhiệm người không đủ điều kiện vào vị trí lãnh đạo ở những cơ quan quản lý nhà nước, gây xôn xao và bức xúc trong dư luận.
  • Phương Thảo/ Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP