Lắng nghe tâm tư của người lao động
Trao đổi với PV Dân trí chiều 28/7, ông Nguyễn Tuệ Sơn cho biết, việc gần 300 giáo viên hợp đồng sắp sửa bị chấm dứt công việc hoàn toàn không phải quyết định bất ngờ.
Theo ông Sơn, ngày 19/7, UBND huyện Thanh Oai ra văn bản số 1020/UBND-NV về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội.
Để thực hiện, UBND huyện đã ra văn bản thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với những trường hợp giáo viên khối Mầm non, Tiểu học và THCS trước đây được UBND huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập.
Sau đó, những giáo viên này sẽ chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian thực hiện việc này theo thông báo từ ngày 1/9/2018.
“Việc chấm dứt hợp đồng với một số giáo viên là thực hiện chủ trương chung theo Nghị quyết 39-NQ/TW 2015 về tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ của Trung ương, thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và các quyết định khác nữa của thành phố.
Đặc biệt, trong quyết định của thành phố cũng có nêu rõ, đơn vị nào không thực hiện, tùy theo mức độ để kỉ luật. Do đó, cũng như các huyện khác, chúng tôi phải thực hiện”, ông Sơn lý giải.
Nhiều giáo viên ở Thanh Oai (Hà Nội) đứng ngồi không yên vì sắp sửa bị cắt hợp đồng. (Ảnh: Đ.T) |
Cũng theo ông Sơn, với văn bản 1020/UBND-NV của UBND huyện đưa ra nhằm “dự lệnh” để các giáo viên nắm bắt, các hiệu trưởng cũng hiểu và thực hiện theo phân cấp tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố.
“Tuy nhiên, một số giáo viên hợp đồng hiểu rõ vấn đề thì đồng tình nhưng một số giáo viên lại phản ứng gay gắt.
Chúng tôi rất chia sẻ bởi đây là các giáo viên lâu năm. Qua các phản ứng này, chúng tôi cũng muốn lắng nghe từ phía người lao động để xem tâm tư nguyện vọng thế nào, các hiệu trưởng khi được phân cấp có thẩm quyền như thế, họ sẽ có ý kiến ra sao?
Hiện tại chúng tôi nhận được phần lớn ý kiến đồng tình của các trường. Phía các cô giáo, một số cô vui lòng bởi biết mình là giáo viên hợp đồng, một số giáo viên lại phản ứng”, ông Sơn cho biết.
Sẽ bố trí vào môt số trường tư thục
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc tại sao thời điểm trước đây, nhiều giáo viên hợp đồng được kí đến như vậy? Tại sao các đơn vị không chấm dứt ngay khi giáo viên không đỗ công chức?
Ông Sơn cho hay: “Tôi không phải người trực tiếp thực hiện việc này do mới tiếp nhận công việc nhưng qua nắm bắt được biết, giáo viên cả 3 cấp khi chưa trở thành viên chức nhà nước, họ đều phải có đơn xin làm hợp đồng chứ không ai ép họ.
Tôi được Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết, có những người được tuyển công chức đến lần thứ 9 nhưng không đỗ (chứ không phải chỉ tổ chức thi công chức 1 lần từ 1997 đến nay - PV). Đáng ra mỗi lần tuyển xong, ai không đỗ thì cắt luôn hợp đồng luôn nhưng do chính các cô xin tiếp tục làm hợp đồng để không mai một nghề nghiệp. Đó cũng là điểm ưu ái của Nhà nước, không nên đổ hết lỗi cho huyện”.
Giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai lo lắng chưa biết sẽ đi về đâu. (Ảnh: Đ.T) |
Cũng theo ông Sơn, hiện tại địa bàn còn thiếu giáo viên biên chế do hàng năm tuyển đủ nhưng do một số người chuyển đi, một số người chuyển ngành, một số người nghỉ chế độ nên bị hụt và đặc biệt, do dân số tăng, tăng số lớp, số trường nên có cơ hội để đăng kí tuyển dụng.
Cụ thể, số giáo viên biên chế đang thiếu là 160 người. Tổng giáo viên đã kí hợp đồng tính đến thời điểm này là 441, trừ đi số giáo viên biên chế còn thiếu, hiện toàn huyện có số giáo viên hợp đồng vượt định mức khoảng 278 người.
Trước mắt, ông Sơn cho biết, sau khi nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên, đơn vị này sẽ báo cáo lãnh đạo Ủy ban và Ủy ban đang chỉ đạo làm đề án để giải quyết.
“Việc giải quyết sẽ bao gồm nhiều nội dung nhưng trong đó có thể tạo điều kiện cho các cô vào trường tư thục hoặc lập các trường tư thục tại một số khu như khu đô thị Thanh Hà.
Hiện tại, khu đô thị này có quy mô 102 tòa/400 héc ta và dự kiến khoảng 35 vạn dân- gần bằng số dân 1 huyện. Nhu cầu giáo viên rất cao nên chúng tôi đang tuyên truyền vận động để các đơn vị thành lập các trường tư thục. Hiện tại đã có khoảng 4-5 trường đã hình thành, là cơ hội cho các giáo viên.
Đồng thời chúng tôi cũng tham mưu các cơ chế để sao cho người lao động thấy phù hợp. Chúng tôi cũng là người lao động, cũng rất hiểu và hụt hẫng nếu mất việc. Tuy nhiên, đấy là do trước đây bản thân mỗi giáo viên mình tự nguyện chứ không ai ép. Đồng thời UBND huyện tinh giản biên chế lần này là do làm theo Nghị quyết 39 NQ/TW 2015 cũng như thực hiện một số quyết định của thành phố nên mong người lao động thấu hiểu”, ông Sơn nói.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí