Pháp luật

Vụ chạy thận tử vong: Luật sư bất ngờ đưa ra bằng chứng “đầu độc, giết người”

Chiều 19/1, HĐXX TAND TP Hòa Bình bất ngờ ngừng phiên tòa để tiếp nhận chứng cứ chứng minh sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Hoà Bình là một vụ "đầu độc giết người". Chứng cứ này do luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - giám đốc công ty Thiên Sơn) cung cấp.

Tại phiên xét hỏi chiều 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng, bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn, cho hay, ông đang giữ bằng chứng chứng minh sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Hoà Bình là một vụ "đầu độc giết người" và đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để cung cấp.

Bị Cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn

Bị Cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn

Sau khi nghe luật sư Hưng trình bày, chủ toạ phiên tòa đã đề nghị vị luật sư trình bày bằng chứng và cung cấp ngay tại phiên xử, song ông Hưng nói đây là tài liệu bí mật nên mong được chuyển tới Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh.

HĐXX cũng đề nghị luật sư Hưng cam đoan chịu trách nhiệm về việc ngừng phiên toà, vì hành vi này có thể là hành vi cản trở HĐXX làm việc nếu chứng cứ không thuyết phục. Việc xét xử của toà án phải thực hiện liên tục, nếu có hành vi nào đó cản trở thì LS có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau khi hội ý về chứng cứ “có thể xem là tình tiết quan trọng trong vụ án này” do luật sư Hưng cung cấp, HĐXX đề nghị ông Hưng giao nộp ngay tại toà và cho hay chứng cứ này sẽ được HĐXX xem xét, giao cho kiểm sát viên điều tra theo thẩm quyền.

Toà tuyên bố nghỉ phiên làm việc, mời mọi người ra khỏi phòng xét xử để luật sư Hưng cung cấp chứng cứ cho HĐXX. Nhiều cảnh sát lúc này "tạo hàng rào bảo vệ" trước cửa phòng.

Hoàng Công Lương 'lên tiếng' sau nhiều ngày xét xử im lặng

Trong phiên xét xử sáng ngày 19/1, HĐXX đã đề nghị hỏi bị cáo Hoàng Công Lương, “Bị cáo có thể trả lời được không?”, chủ tọa hỏi. Lương đáp, những ngày qua tuy rất mệt nhưng đã cố gắng có mặt tại tòa thường xuyên. “Bị cáo xin phép HĐXX cho bị cáo được giữ quyền im lặng”, Hoàng Công Lương trình bày.

Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh viện dẫn công văn của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trả lời Cơ quan điều tra. Theo đó, Sở khẳng định chỉ có bác sĩ Hoàng Công Lương được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Bị cáo Hoàng Công Lương (bìa trái)

Bị cáo Hoàng Công Lương (bìa trái)

Hoàng Công Lương lập tức phản bác, cho rằng ngoài bản thân mình , bác sĩ Huyền đã có chứng chỉ hành nghề. Do đó, người này hoàn toàn có quyền ra y lệnh độc lập.

“Giả sử chưa có chứng chỉ thì có được ra y lệnh?”, chủ tọa đặt giả thiết để hỏi. Trả lời, Hoàng Công Lương khai trong trường hợp đó, cần có chữ ký của bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề.

Sáng cùng ngày, khi khai báo tại tòa, bác sĩ Hoàng Công Tình (Phó trưởng Khoa Hồi sức) khẳng định hôm xảy ra sự cố làm 9 người chết (29/5/2017) là ngày trực của Hoàng Công Lương.

Ngoài ra, 2 bác sĩ Huyền và Linh cũng tham gia ca trực hôm đó. Tuy nhiên, những người này tự phân công phụ trách từng buồng.

Hoàng Công Lương xác nhận lời khai của ông Tình và cho biết, ngày 29/5, Lương tham gia ca trực tại Khoa Hồi sức và không được ai giao nhiệm vụ gì.

Phiên tòa sẽ trở lại vào thứ 2 ngày 21/1.

Theo cáo buộc, sau khi ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Đỗ Anh Tuấn đại diện cho Công ty Thiên Sơn, đã đề nghị Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) sửa chữa hệ thống lọc nước RO tại bệnh viện nhưng để tồn axit.

Không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư bệnh viện) vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức) không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên mà ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 9 người trong số này tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Các bị can Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện), Đỗ Anh Tuấn, Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc bệnh viện) và Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phỏng vật tư) đã không làm tròn trách nhiệm được giao, thiếu kiểm tra, giám sát và đôn đốc nên để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng.

VKS truy tố 2 bị cáo Hoàng Công Lương và Bùi Mạnh Quốc về tội Vô ý làm chết người, quy định tại Khoản 2 Điều 98, Bộ luật Hình sự 1999. Khung hình phạt tội này từ 3 năm - 10 năm tù.

5 người còn lại bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 2 Điều 285, Bộ luật Hình sự 1999 với mức phạt tù từ 3 năm - 12 năm.

Tác giả: Trần Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP