Formosa xả thải

Vụ cá chết: ‘Mất 50 năm để khôi phục rạn san hô ở 4 tỉnh miền Trung’

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT) xung quanh việc Fomosa xả thải gây ô nhiễm khiến 400ha rạn san hô biển của 4 tỉnh miền Trung bị chết.

vu ca chet: 'mat 50 nam de khoi phuc ran san ho o 4 tinh mien trung' hinh anh 1

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT).

Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, vụ việc Formosa xả thải gây ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung đã khiến 400ha hệ sinh thái san hô biển bị chết. Hệ lụy của việc mất rạn san hô là gì, thưa ông?

– Ở khu vực biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế là nơi xảy ra thảm họa môi trường cá chết hàng loạt vừa rồi, có hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng. Đây là cơ sở để giữ cho vùng biển này giàu có về nguồn lợi hải sản. Cho nên ở miền Trung, ngành thủy sản và người dân rất quan tâm tới các rạn san hô biển. Chúng tạo ra quần thể sinh vật biển phong phú, tạo ra nguồn lợi đa dạng. Rạn san hô ở đây có 2 mức, một là dạng san hô viền quanh bờ của các đảo như đảo hòn La, hòn Nồm, Cồn Cỏ, hòn Sơn Trà…

Quan trọng hơn, rạn san hồ là cầu nối giữa các đảo như đảo hòn La, hòn Nồm ở Quảng Bình và Cồn Cỏ (Quảng Trị) có các gồ sống trâu, là những vùng đá gốc dưới đáy biển nổi nhô lên. Những rạn san hô nằm chìm sâu ở dưới mà nhờ chúng, hàng nghìn loài hải sản có thể sinh sôi và phát triển được. Tóm lại, san hô như ngôi nhà chung của các loài hải sản này. Nói như thế để thấy rằng hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng với khu vực.

Thế nhưng trong sự cố môi trường vừa qua, cá chết đã đành, các rạn san hô cũng chết theo. Mất rạn san hô, những loài sinh vật biển muốn sống cũng không có chỗ để mà sống.

Đó là chưa kể, san hô như nhà máy tạo ra các chất dinh dưỡng giàu hơn các vùng biển bên ngoài, nó tiếp nhận, đồng hóa chất vô cơ trong nước biển thành chất hữu cơ cho sinh vật biển sinh sống. Thường ở đâu có rạn san hô sẽ có khoảng 2.500 loài sinh vật biển lưu trú.

Vậy chúng ta sẽ phải mất bao nhiêu lâu để khôi phục lại hệ sinh thái rạn san hô như ban đầu, thưa ông?

– Rạn san hô được hình thành rất chậm, chục năm mới mọc ra được vài phân, muốn phục hồi lại được một cánh rừng san hô rộng 400ha, hay còn gọi là rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển mà hiện đã mất, tôi nghĩ chúng ta phải mất ít nhất là 50 năm mới có lại hệ sinh thái san hô như ban đầu. Kèm theo đó là một khoản tiền không hề nhỏ.

Khoản kinh phí không hề nhỏ đó, theo ước tính của ông như thế nào?

– Kinh phí xử lý ô nhiễm đáy biển mới tốn kém, chứ kinh phí phục hồi các hệ sinh thái, rạn san hô không nhiều, khoảng vài chục tỷ là có thể làm được. UBND 4 tỉnh ngồi lại với nhau để cùng đưa ra kế hoạch thực hiện trong vòng 2 năm sau đó để lại cho người dân trông coi. Có thể lấy luôn công nghệ mô hình quốc tế mà Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng đã làm nhiều năm trước.

vu ca chet: 'mat 50 nam de khoi phuc ran san ho o 4 tinh mien trung' hinh anh 2

Phải mất ít nhất 50 năm để khôi phục lại rạn san hô biển ở 4 tỉnh miền Trung (ảnh minh họa).

Để khôi phục lại rạn san hô ở khu vực này, chúng ta phải làm những gì, thưa ông?

– Muốn cải tạo lại rạn san hô cần làm 2 việc: Một là xử lý triệt để ô nhiễm biển, xử lý dưới đáy biển không dễ, chất ô nhiễm sẽ nằm trong hang hốc san hô rất nhiều. Ở vùng biển này, vùng mặt nước an toàn hơn vùng đáy biển, hang hốc san hô. Cho nên bây giờ phải nghiên cứu, xử lý ô nhiễm dưới đáy biển, xử lý được vấn đề này rất tốn kém, rất khó mà mất thời gian.

Thứ hai là phục hồi rạn san hô. Bây giờ các phương pháp phục hồi rạn san hô nhân tạo không khó. Cần đầu tư làm các cấu kiện xi măng theo các hình dáng khác nhau của các rạn, sau đó thả xuống các rạn san hô chết. Cùng với nền cũ, một thời gian sau các ấu trùng san hô bám vào đâu thì các loài sinh vật sẽ chui vào đó để trú ngụ.

Việc khôi phục lại hệ sinh thái rạn san hô cần tính toán như thế nào cho hợp lý, thưa ông?

– Cần khôi phục lại để phục vụ nhiều mục đích. Thứ nhất để cải tạo lại hệ sinh thái dưới biển, tạo môi trường sống cho các loài hải sản. Bên cạnh cải tạo, phải nâng cấp rạn san hô phục vụ mục đích du lịch, giải trí, chúng ta cần tận dụng những con tàu nhỏ bị hỏng thả xuống đáy biển, tạo ra những quần thể san hô mang tính khám phá giải trí, những vùng nước nông có thể thả những xe tăng hỏng để tạo ra quần thể san hô phong phú đẹp mắt thu hút du khách tham quan.

– Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP