Đề Toán nhầm lẫn giữa “trắc nghiệm” và “tự luận”
Một giáo viên Toán cao cấp của Hà Tĩnh nhận xét về đề Toán:
Về cấu trúc đề thi: Phần I trắc nghiệm gồm 10 câu bao gồm 11 ý nhỏ. Phần II tự luận gồm 3 câu bao gồm 5 ý nhỏ. Tổng cộng đề thi 13 câu bao gồm 16 ý nhỏ. Đề bài yêu cầu ghi kết quả vào bài làm của mình.
Bên cạnh ưu điểm các bài tập, câu hỏi có nội dung không sai sót, đề thi có nhiều ngược điểm, bất cập.
Mặc dù đề ghi là “trắc nghiệm” nhưng thực chất là đề tự luận, vì không cho các phương án để học sinh (HS) lựa chọn. Thực chất đây là một loạt các bài tập toán HS không thể bằng các phương pháp đơn giản để có thể ghi được đáp số mà thay vào đó phải giải như một bài tự luận.
Số câu “Trắc nghiệm” ở mức độ khó hơn số câu “tự luận” (ngoài 2 câu câu 5 và câu 6).
Như vậy có thể nói đề thi này gồm 13 bài (tập bao gồm 16 ý nhỏ) và trung bình mỗi câu (ý) bài tập HS phải làm trong thời gian 120 phút / 16 câu = 7, 5 phút/câu. Với thời lượng này có thể nói là quá nặng so với yêu cầu của kỳ thi HS giỏi cấp huyện.
So với đề thi tuyển sinh đại học môn toán từ năm 2015 trở về trước tối đa 11 ý mà thời gian làm bài 180 phút . Mỗi câu trung bình HS THPT cũng làm mất 18 phút.
Tỷ lệ phân bố bố các câu hỏi của chương trình toán THCS giữa Số học – Đại số – Hình học chưa hợp lý, chỉ có 2 câu hình học trên tổng số 13 câu (16 ý).
Về kiến thức phân bố thuộc các lớp, chúng tôi tạm dùng bảng “ma trận” đề để bạn đọc tham khảo:
NỘI DUNG KIẾN THỨC PHÂN MÔN
| LỚP 6 2 câu | LỚP 7 1 câu
| LỚP 8 6 câu
| LỚP 9 4 câu |
SỐ HỌC
| 2 (Câu 5, câu 8) | 0 | 0 | 0
|
ĐAI SÔ
| 0 | ( câu 7) | 5 ( câu: 1,2,3,4,6 | 2 (Câu 11, câu 12) |
HÌNH HỌC
| 0 | 0 | 1 ( câu 10) | 1 (Câu 13) |
Nội dung các loại toán không cân đối, loại toán tính toán giá trị các biểu thức chiếm 8 /13 câu (câu 1, 2, 3, 4, 6, 7, 10, 11). Trong khi đó một số loại toán cần có trong kì thi HS giỏi còn thiếu hoặc quá ít.
Theo chúng tôi, đề thi này không thể dùng chung cho GV vì họ không phải là “ họ”, mà là thầy nên đề thi cho GV phải đủ các yêu cầu tiêu chí của người mang tâm thế giảng dạy cho học trò.
Đề Địa lý: khó hơn thi Tiến sĩ
Đề thi môn Địa lí |
Một chuyên gia về Địa lý đã tỏ ra bất ngờ và “choáng” trước yêu cầu ôm đồm và quá sức đối với một HS lớp 9 trong câu 1: “Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy cho biết: a. Vị trí địa lí, hình dạng của lãnh thổ Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay?
b.Vai trò của các đảo và quần đảo đối với quá trình phát triển kinh tế nước ta?”.
Chuyên gia nhận xét: Chỉ một ý a của câu 1 đã là một đề tài của luận án Tiến sĩ, để trả lời một cách thấu đáo thì ngay cả các chuyên gia cũng phải “vò đầu bứt tóc”, nếu không có quá trình nghiên cứu nghiêm túc. Còn ra câu này cho HS, thực chất chỉ có tính chất “đánh đố” hoặc khuyến khích học vẹt. Không hiểu đáp án được xây dựng như thế nào. Nếu có đáp án tôi sẽ phản biện kĩ lưỡng hơn.
Một số câu sau đó cũng không khuyến khích tư duy phân tích, trí thông minh của HS mà có tính chất học thuộc lòng. Một số câu HS chỉ cần chép nguyên xi kiến thức trong SGK là đạt yêu cầu. Cụ thể: “Trình bày những đặc điểm về vị trí địa lí, phạm vi giáp ranh và diện tích đất tự nhiên của Hà Tĩnh. Nêu những hiểu biết của em về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển của Hà Tĩnh” (câu 3).
Có những câu hỏi máy móc: “Tại sao để phát triển kinh tế – xã hội ở miền núi nước ta, giao thông vận tải phải đi trước một bước?”. Với câu này, HS chỉ cần trả lời “đơn giản, gọn nhẹ”: “vì miền núi khó khăn về giao thông”.
Điều “lạ” là ngay trước đó, có một câu quá khó và “ngốn” mất nhiều thời gian trình bày: “Phân tích những điều kiện để phát triển ngành giao thông vận tải nước ta”. Đây cũng là một kiểu “đề tài luận án tiến sĩ”.
Tất cả được giới hạn trong thời gian 120 phút, nếu HS nào làm được 100% câu hỏi đạt yêu cầu, thì quả là “thần đồng”.
Mai Nguyễn – Hà Vy (ghi)