Phóng sự - Ký sự

Vụ án Hào Thành- bị cáo kháng cáo kêu oan (Kỳ 1)

Ngày 12/8/2010, TAND thành phố Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử 4 bị cáo trong vụ án “Hào Thành” và tuyên tất cả các bị cáo đều hưởng án treo. Ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Đăng Thêm đã kháng cáo kêu oan…





Bản án số 22/2010/HSST của TAND Thành phố Hà Tĩnh.


Bài 1: Có hay không việc chạy thầu dự án Hào Thành? Ngày 12/8/2010, TAND thành phố Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử 4 bị cáo trong vụ án “Hào Thành” và tuyên tất cả các bị cáo đều hưởng án treo. Ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Đăng Thêm đã kháng cáo kêu oan và cho rằng mình không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật hình sự như kết luận của VKSND thành phố Hà Tĩnh và của TAND thành phố Hà Tĩnh. Theo lập luận của bản án, ông Thêm đã “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quá trình lập hồ sơ pháp lý, đấu thầu, xét thầu và ký kết hợp đồng kinh tế với đơn vị thi công hạng mục “nạo vét Hào Thành”. Tuy nhiên, quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa và quá trình chứng minh tội phạm của vị đại diện VKSND thành phố Hà Tĩnh lại không thể chứng minh được rõ ràng các yếu tố buộc tội. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Về mặt pháp lý, muốn chứng minh được hành vi của ông Nguyễn Đăng Thêm là vi phạm pháp luật hình sự dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải chứng minh các yếu tố: Có hành vi vi phạm pháp luật; Hành vi vi phạm pháp luật phải do lỗi cố ý; Có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm pháp luật; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng đã không chứng minh được các yếu tố nêu trên mà hồ sơ chỉ thể hiện: Ông Thêm đã từ chối tiếp nhận hồ sơ của Công ty Hà Thành vì Công ty Hà Thành không có chức năng nạo vét bùn, do đó không đủ điều kiện xét duyệt hồ sơ; ông Thêm từ chối việc tiếp nhận liên danh nhà thầu giữa Công ty Hà Thành và DNTN Hồng Lam vì công trình nhỏ nên không thực hiện chọn nhà thầu liên danh; ông Thêm chỉ chấp nhận hồ sơ của DNTN Hồng Lam khi doanh nghiệp này có chức năng nạo hút bùn và hồ sơ có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để xem xét dự thầu và thi công công trình. Do đó, khi hồ sơ của DNTN Hồng Lam được tiếp nhận thì ông Nguyễn Đăng Thêm đã thực hiện theo đúng quy trình luật định, cụ thể như sau: Thứ nhất, DNTN Hồng Lam có hồ sơ năng lực để tham gia dự thầu. Thứ hai, DNTN Hồng Lam có trang thiết bị máy móc để thi công công trình (như mô tả của cáo trạng). Trên thực tế thì ông Thêm chỉ biết rằng các trang thiết bị máy móc tại khu vực cầu Bến Thuỷ là phương tiện nạo hút bùn của DNTN Hồng Lam. Ngày 12/8/2003, UBND thị xã Hà Tĩnh đã ban hành quyết định số 3281/QĐ-UB về việc thành lập tổ tư vấn xét thầu. Ngày 14/8/2003, tổ tư vấn xét thầu đã họp xét gói thầu nạo vét Hào Thành. Tổ tư vấn đã làm đúng chức năng, trong khi xem xét thì bản thân ông Thêm chỉ là một thành viên chứ không có vai trò quyết định hoặc chi phối để buộc cả tổ xét thầu phải nghe theo ông Thêm. Như vậy, chúng ta nhận định rằng kết quả xem xét của tổ tư vấn xét thầu là kết quả và sự quyết định của tập thể chứ không phải của một cá nhân. Do đó, ý chí chủ quan của cá nhân ông Thêm hoặc bất kỳ cá nhân nào trong tổ xét thầu mà trái với ý kiến cả tổ thì đều không được thông qua. Từ đó cho thấy nếu kết quả có lỗi hoặc không đúng thì cũng không phải do lỗi của ông Thêm. Mặt khác, ngày 10/9/2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 2076/QĐ/UB-XD về việc chỉ định thầu thi công nạo vét Hào Thành thuộc dự án đầu tư khôi phục và xây dựng Hào Thành thị xã Hà Tĩnh trong đó chỉ định DNTN Hồng Lam thực hiện hạng mục nạo vét Hà Thành. Ngày 16/9/2003, Ban quản lý công trình thị xã Hà Tĩnh đã ký Hợp đồng kinh tế số 02 HĐ/BQL (gọi tắt là HĐ 02) về việc giao nhận thầu xây lắp với Doanh nghiệp tư nhân Hồng Lam. Việc ký hợp đồng thể hiện ý chí và nguyện vọng, sự tự nguyện của các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng. Pháp luật không có điều nào quy định bắt buộc các bên phải cùng ký một lúc tại một thời điểm vào hợp đồng. Sự viện dẫn của VKSND trong cáo trạng không thể hiện được mục đích của viện dẫn. Thực tế thì hợp đồng kinh tế đã ký đã được thực hiện, nếu xem xét hợp đồng thì cả về hình thức và nội dung đều không vi phạm pháp luật nên nó có giá trị pháp lý và được các bên thực hiện. Như vậy, nếu xem xét khách quan, toàn diện và đầy đủ hồ sơ vụ án thì lẽ ra VKSND thành phố Hà Tĩnh và TAND thành phố Hà Tĩnh phải đánh giá hành vi và việc làm của ông Nguyễn Đăng Thêm trong giai đoạn thứ nhất là đúng pháp luật, đúng các quy trình về xét thầu và chỉ định thầu đối với dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không có nhận định đó mà lại nhận định ngược lại từ đó biến các việc làm đúng pháp luật, đúng quy trình của ông Nguyễn Đăng Thêm thành việc làm trái luật mà không đưa ra đựơc chứng cứ buộc tội. Trong trường hợp này, ông Thêm cho rằng đại diện của Viện kiểm sát đã phiến diện, không làm đúng chức năng theo quy định của pháp luật là chỉ ra các chứng cứ buộc tội và các chứng cứ gỡ tội mà chỉ hướng vào mục tiêu buộc tội trong khi không có đủ bằng chứng. Đặc biệt, những vấn đề các cơ quan tiến hành tố tụng nêu lại chứng tỏ rằng ông Thêm đã làm đúng chức năng, trình tự theo luật định. Tuy nhiên, viện kiểm sát, tòa án lại sử dụng nó để buộc tội là một điều phi lý và thiếu tính thuyết phục. “Do đó, từ những phân tích nêu trên có thể thấy ông Nguyễn Đăng Thêm đã làm đúng các quy định của pháp luật trong quá trình lập hồ sơ pháp lý, đấu thầu, xét thầu và ký kết hợp đồng kinh tế với đơn vị thi công hạng mục “nạo vét Hào Thành” chứ không phải như những cáo buộc trong bản cáo trạng số 17 của VKSND thành phố Hà Tĩnh”- Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh. (Còn nữa)



Nhóm PVĐT

CongLuan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP