Căn nhà của vợ chồng đại úy Lê Văn Đình – trợ lý tuần thám Lữ đoàn không quân 981, một trong 9 sĩ quan mất tích trên chiếc CASA 212 – nằm trong khu dân cư tại quận Gia Lâm, Hà Nội.
Nhiều ngày nay, kể từ khi thông tin tổ bay CASA gặp nạn trên biển, những người trong ngôi nhà gần như thức trắng.
Các cuộc điện thoại chia sẻ, những thông tin trên báo, nhiều cuộc thăm hỏi của hàng xóm, càng khiến chị Đỗ Thị Thắm, vợ anh Đình, cảm nhận được rõ sự thiếu hụt thành viên trong gia đình.
Chiến sĩ Lê Văn Đình- một trong chín chiến sĩ mất tích của máy bay CASA 212
Khi được hỏi về chồng mình, chị Thắm khẳng định: “Mình tin anh. Người thương cha mẹ, thương vợ và các con như anh sẽ không bao giờ để mọi người phải lo lắng. Đó không phải lời nói an ủi đâu. Chúng mình đã ở bên nhau đủ lâu để hiểu anh sẽ trở về”.
Người vợ trẻ của đại úy Lê Văn Đình không kìm được nước mắt khi nhắc đến chồng. Chị bảo, cả gia đình vững niềm tin anh sẽ trở về. Ảnh: Ngân Giang |
Người con tài giỏi của gia đình
Người vợ kể, ngày 16/6, trước khi lên máy bay CASA 212, anh Đình gọi điện báo chuẩn bị lên đường tìm đồng đội mất tích, như thói quen trước mỗi chuyến bay. Anh hỏi chuyện con và nhắc vợ giữ gìn sức khỏe.
Chị kể, hôm chồng gọi điện, chị còn trêu bé thứ hai nhớ bố lắm, anh về bế con. Ngờ đâu, không bao lâu sau, chị được đồng đội của anh báo tin, máy bay mất tích trên biển.
Chị Thắm nhớ lại, ngày đầu biết tin, chị rụng rời tay chân, khóc nhiều và không ăn uống.
Ông Đoàn Ngọc Mạc, hàng xóm chiến sĩ Đình, cho hay, vợ chồng con cái anh mới chuyển tới khu nhà này được nửa năm.
“Vợ chồng trẻ nên còn nhiều khó khăn. Nhưng cả hai người đều hiền lành, chân thật lắm. Cậu ấy cứ đi đâu về là bế con thay vợ ngay. Bà con hàng xóm cũng quý mến”.
Ông cho hay, mới đây, bạn bè, người thân cùng nhiều gia đình trong tòa nhà anh Đình đã đến chùa Sủi ở Phú Thị, Gia Lâm làm lễ cầu nguyện cho người chiến sĩ bình an trở về.
Ngồi bên cạnh con dâu, bà Phạm Thị Nga cho biết, bà và chồng đến ở với con từ ngày đầu nghe tin anh Đình gặp nạn. Bố mẹ chị Thắm, anh chị em, họ hàng cũng đã xuống Hà Nội hỗ trợ tinh thần con, em mình.
Bà Nga mắt đỏ hoe, nhớ lại, lúc mới nghe chuyện, bà không tin. Chỉ đến khi xem truyền hình, đọc trên mạng, thấy ghi rõ cả địa chỉ nhà, bà mới bàng hoàng.
“Con tôi đây, cao 1,81 m, đẹp trai lắm” – bà chỉ bức ảnh anh Đình đứng cạnh chiếc máy bay CASA, kể – “Từ bé đến lớn, Đình làm gì cũng nổi bật, học giỏi, ngoan ngoãn, chăm chỉ, yêu thương vợ con và cha mẹ, luôn là niềm tự hào của gia đình”.
Bà Nga tiếp lời, từ lúc con trai gặp nạn, nhiều đồng đội cũ từ thời lính đặc công nước, các y tá, cũng đến trợ giúp gia đình.
Chỉ căn nhà, mẹ chồng chị Thắm bảo, hai người mới mua trả góp căn hộ này tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm khoảng 1 năm nay.
“Hai đứa phải chuyển nhà tới 5, 6 lần. Con dâu tôi cũng mới đẻ xong, còn yếu lắm. Tôi thương nó vì chồng mà vất vả, nhưng chưa từng kêu ca một câu”, bà Thắm kể.
Hai cha con đại úy Lê Văn Đình. Ảnh gia đình cung cấp |
“Vì yêu nên tin anh sẽ trở về”
Chị Thắm và anh Đình yêu nhau 2 năm, trước khi làm đám cưới vào tháng 10/2011. Giờ đây, hai người có một con gái 2 tuổi, và một bé trai 3 tháng. “Đó là hai năm yêu xa. Kể cả sau này, khi lấy nhau, anh vẫn thường xuyên đi hàng tháng làm nhiệm vụ. Vì đặc thù ngành nghề, anh luôn xác định với gia đình và vợ con rằng công việc rất nguy hiểm”.
Vợ người lính không quân cho biết, chồng mình xuất thân từ lính đặc công nước ở Quảng Ninh, được mệnh danh “Đình rái cá”, vì bơi và hoạt động dưới nước rất giỏi. Anh được lựa chọn làm phi công máy bay trong số những chiến sĩ xuất sắc toàn quốc.
Chị Thắm kể, có những lần, vài tháng liền anh chị không liên lạc. Khi trở về, anh gầy xọp, râu ria mọc đầy. Xót chồng nhưng chị hiểu và thông cảm với anh.
Người chiến sĩ không quân từng chia sẻ với vợ, anh yêu việc bay lượn trên bầu trời, đam mê làm việc với máy móc, coi máy bay là đồng đội.
“Một người lính như anh, sẽ không có nhiều giấy khen, không được nhiều người tung hô, liên tục phải làm những nhiệm vụ khó khăn, nhưng anh vẫn vượt qua. Với mình, anh thật sự là người anh hùng. Mình biết anh sẽ trở về”, vợ người chiến sĩ nói.
Người chiến sĩ không quân đam mê việc bay lượn trên bầu trời. Ảnh gia đình cung cấp |
Tay bế con mới sinh, chị tâm sự, chính anh Đình đã đặt tên cho bé. “Cháu lớn ra đời vào mùa hè, là con gái, anh đặt tên Hạ Bình, với mong muốn con sẽ là mùa hè bình yên cho ba mẹ. Đứa thứ hai, con trai, anh đặt tên Bình Minh, nghĩa là giây phút bình an khi mặt trời mọc, cũng là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày, khung cảnh mà phi công yêu thích nhất”.
Nhanh tay lau vội giọt nước mắt, chị nói, sau nhiều năm xa cách, năm nay, vợ chồng, con cái mới được ở gần nhau. “Mình vẫn giữ niềm tin, anh sẽ vì vợ và con mà trở về. Đó là lời hứa của anh kể từ khi còn yêu nhau. Anh chưa từng lỡ hẹn với ai. Xin điều kỳ diệu hãy đến”, chị Thắm trầm ngâm.
Cùng chung tâm trạng với chị Thắm, bà Nga và gia đình anh Lê Văn Đình là tám gia đình khác. Họ gửi lời cầu chúc cho các anh yên bình, trở về an toàn, nguyên vẹn bên những người cha, người mẹ, người vợ, người con và đồng đội đang ngày đêm khắc khoải mong ngóng các anh.
Sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) mất tích khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Trưa 16/6, máy bay CASA 212 mang số hiệu 8983 trong quá trình tìm kiếm tiêm kích Su-30MK2 mất liên lạc cùng 9 thành viên.
Ngân Giang