Kinh tế

Vợ chồng Bầu Kiên rút êm ngàn tỷ, đại gia kín tiếng nổi lên thế chỗ

Gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) tiếp tục bán cổ phiếu và rút khỏi ngân hàng VietBank, trong khi nhóm đại gia kín tiếng đang nổi lên và có thể trám vào chỗ trống mà nhà Bầu Kiến để lại.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank (VBB) cho biết, ngày 18/1 tới đây ngân hàng này sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường, dự kiến tại Tòa nhà Lim II của một công ty có liên quan tới chủ tịch Dương Ngọc Hòa.

Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với VietBank vào thời điểm ngân hàng này vừa tăng vốn lên thêm khoảng 30% và nhóm cổ đông lớn nhất - gia đình Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đang dần bán cổ phiếu, rút khỏi ngân hàng thường gọi với cái tên “ngân hàng của Bầu Kiên”.

Trong khi nhóm cổ đông gia đình bầu Kiên đang lần lượt thoái dần vốn khỏi VietBank, thì nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm của ông Dương Ngọc Hòa đang có những động thái giữ vững tỷ lệ vốn tại VietBank đồng thời có dấu hiệu mua vào.

VietBank sắp có cuộc họp đại hội cổ đông bất thương quan trọng.

Trước đó, nhóm cổ đông gia đình Nguyễn Đức Kiên đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu và đăng ký bán tiếp cổ phiếu ngân hàng này. Bố mẹ vợ Bầu Kiên vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 7,4 triệu cổ phiếu, thoái sạch vốn khỏi VietBank sau khi bán thành công cả chục triệu cổ phiếu VietBank trước đó. Em ruột Bầu Kiên cùng chồng và chị gái hồi cuối tháng 7 cũng đã chuyển nhượng xong hàng chục triệu cổ phiếu VBB.

Vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã nhiều lần đăng ký bán cổ phần rút khỏi ngân hàng này trong năm 2018.

Mặc dù bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) hiện vẫn là cổ đông cá nhân nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn nhất tại VietBank và là thành viên HĐQT VietBank, nhưng ông Dương Ngọc Hòa mới là người cầm trịch ngân hàng với vị thế là chủ tịch ngân hàng.

VietBank được thành lập vào tháng 12/2006, vốn điều lệ 200 tỷ đồng với vị thế ban đầu là một ngân hàng nông thôn. Các cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

Nhóm cổ đông liên quan tới Ngân hàng ACB chính là Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch ACB và vợ Đặng Ngọc Lan. Còn nhóm Diệu Hiền không còn được đề cập tới trong các thông tin của ngân hàng. Cổ đông này có thể đã rút đi sau khi nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền vỡ nợ, không trả được nợ ngân hàng và người nông dân, do đầu tư dàn tràn.

Nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm vẫn nguyên tỷ lệ sở hữu, thậm chí có thêm người liên quan mua vào cổ phần trong đợt tăng vốn mới đây của ngân hàng. Gia đình ông Hòa nắm giữ khoảng 13,5% vốn điều lệ VietBank.

Trong đợt tăng vốn vừa qua, VietBank cho biết mục đích là để duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật và dùng 500 tỷ đồng để mua tòa nhà Lim II tại quận 3. Đây là tòa nhà do công ty liên quan Hoa Lâm sở hữu. Bà Trần Thị Lâm, vợ ông Dương Ngọc Hòa, từng làm chủ tịch công ty này.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên).

VietBank là một ngân hàng nhỏ, nổi tiếng trong giới đầu tư cả nước sau vụ án Bầu Kiên hồi năm 2013.

Trong phiên tòa hồi giữa tháng 6/2017, HĐXX công bố quyết định khởi tố thêm 2 vụ án hình sự có liên quan với nhận định cho rằng có dấu hiệu phạm tội “kinh doanh trái phép” tại Ngân hàng ACB và VietBank.

Theo HĐXX, việc khởi tố là cần thiết sau khi xét thấy việc phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có sự giúp sức tích cực của một số cá nhân tại ACB và VietBank.

Gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu. Nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý do có sai phạm trước đó. Ông Phạm Công Danh vẫn đang hầu tòa trong vụ án VNCB, còn ông Trần Bắc Hà đã bị bắt và khởi tố vì những “sai phạm” tại BIDV,...

Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán vẫn còn lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index tiếp tục tụt sâu về gần ngưỡng 910 điểm. Khối ngoại bán ròng mạnh, tổng giá trị 340 tỷ đồng trên 3 sàn.

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường có khả năng cân bằng trên 900 điểm khi giao dịch đang có dấu hiệu cân bằng và không còn phải đón nhận thông tin tiêu cực do thị trường thế giới nghỉ giao dịch 2 phiên đầu tuần mới. Dù vậy, cơ hội bắt đáy vẫn chưa rõ ràng và cần chờ thêm những phiên giao dịch thoát ly khỏi xu hướng thế giới để củng cố tâm lý thị trường.

Thị trường đang trong quá trình kiểm tra đáy ngắn hạn trước sức ép giảm điểm thế giới và khối ngoại bán ròng. Duy trì tỷ trọng danh mục khi xu hướng rõ ràng sau quá trình kiểm tra và tích lũy vùng đáy.

FPTS nhận định, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn trung hạn cần theo sát diễn biến thị trường trong tuần giao dịch kế tiếp. Nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 900 điểm thì FPTS sẽ tiếp tục nhấn mạnh tới khuyến giảm tỷ trọng và sử dụng công cụ phái sinh nhằm bảo toàn danh mục cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/12, VN-Index giảm 5,98 điểm xuống 912,26 điểm; HNX-Index giảm 0,08% xuống 104,45 điểm. Upcom-Index giảm 0,11% xuống 52,68 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP