Đại thi hào Nguyễn Du (1766 – 1820), quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh). Ông sinh ra ở quê mẹ – làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) và trải qua thời thơ ấu ở Thăng Long. Ông thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt: cha là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có 8 vợ, 21 người con). Anh khác mẹ (con bà chính) của ông là Toàn Quận Công Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều. Bố vợ là Đoàn Nguyễn thục, cũng đỗ Hoàng Giáp, làm quan Đông các.
Do là con thứ bảy nên Nguyễn Du còn được gọi là cậu Chiêu Bảy. Các tác phẩm của ông như: “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” (chữ Hán) và đặc biệt là Truyện Kiều chan chứa nỗi đau nhân thế, mang khát vọng hạnh phúc, tình yêu, tự do và công lý; đồng thời tố cáo sâu sắc sự tàn bạo của chế độ phong kiến. Truyện Kiều, đỉnh cao của nền thi ca Việt Nam, chứa đựng những tư tưởng nhân văn lớn, đạt tới sự hoàn mỹ về nghệ thuật ngôn từ.
Ông được xem như là một nhà thơ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, người Việt kính trọng, gọi ông là “Đại thi hào dân tộc”. Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.
Xem chương trình nghệ thuật:
Youtube